Quảng Bình: Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò lây lan nhanh khó kiểm soát
(VOVTV) - Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tại tỉnh Quảng Bình là bệnh truyền nhiễm mới, lây lan nhanh và có nguy cơ bùng phát dịch. Mặc dù ngành nông nghiệp và các địa phương ở Quảng Bình đã triển khai nhiều giải pháp nhưng dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn.
Trang trại chăn nuôi của ông Võ Văn Bảy, ở tổ dân phố Thọ Đơn, phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình có khoảng 50 con trâu, bò. Hiện nay, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò diễn biến phức tạp, chưa có vaccine phòng bệnh nên ông Bảy tăng cường các biện pháp phòng bệnh cho gia súc. Ông Bảy cho biết, trâu, bò được nuôi nhốt, cho ăn thức ăn nhiều dinh dưỡng và thường xuyên vệ sinh chuồng trại, diệt ruồi muỗi, ký sinh trùng.
Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xuất hiện và lây lan nhanh tại 3 huyện là Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Bố Trạch và thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Cả tỉnh có gần 420 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó 11 con đã chết, hàng ngàn con có nguy cơ mắc bệnh viêm da nổi cục. Mặc dù, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương đã triển khai các biện pháp phòng bệnh như giám sát tại cơ sở, cách ly đàn trâu, bò mắc bệnh, nghi nhiễm, thậm chí lập chốt kiểm soát dịch nhưng dịch bệnh vẫn chưa được khống chế.
Ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, dịch bệnh viêm da nổi cục có nguy cơ lây lan vì người dân có thói quen chăn thả trâu, bò tự do, khó kiểm soát; chuồng trại nuôi nhốt trâu, bò của nhiều hộ dân chưa bảo đảm vệ sinh, chưa được tiêu độc, khử trùng triệt để.
“Nhận định về tình hình bệnh viêm da nổi cục do thời tiết thay đổi thất thường, các mầm bệnh có điều kiện phát triển có khả năng lây lan. Hiện công tác tiêm vaccine cho trâu, bò vẫn chưa được người dân chú trọng, đặc biệt hiện nay vaccine về viêm da nổi cục địa phương vẫn chưa có", ông Toàn cho biết.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên gia súc, các địa phương đã khoanh vùng, tập trung xử lý số trâu, bò bị bệnh. Các chốt kiểm dịch hoạt động 24/24 kiểm soát các phương tiện chở động vật ra vào địa bàn, đồng thời phun tiêu độc, khử trùng nhằm bảo vệ đàn vật nuôi.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, công tác phòng chống dịch bệnh trên trâu bò gặp nhiều khó khăn do lực lượng thú y cơ sở mỏng, cán bộ được giao phụ trách kiểm soát dịch tại cơ sở hầu hết kiêm nhiệm, chưa có chuyên môn thú y.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Thủy, ý thức phòng chống dịch bệnh của người chăn nuôi cũng chưa cao: “Chúng tôi cũng rất quyết liệt, có nhiều biện pháp mạnh thậm chí công an xã mời người dân lên nhắc nhở, tuy nhiên nhận thức của người dân còn hạn chế".
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh Quảng Bình nhận định, nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan rất lớn. Hiện nay, việc quản lý hoạt động giết mổ gia súc ở nhiều địa phương chưa chặt chẽ, môi trường chăn nuôi chưa đảm bảo an toàn dịch bệnh, việc kiểm tra, giám sát phát hiện bệnh ở cơ sở còn hạn chế, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu...
Ông Trần Công Tám, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình cho biết, thời tiết vào giai đoạn chuyển mùa hiện nay, trâu, bò càng dễ mắc bệnh, trong đó có bệnh viêm da nổi cục.
“Cần chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, vận động người dân báo cáo khi phát hiện gia súc bị bệnh. Thực hiện tiêu độc khử trùng, tiêu diệt nguyên nhân gây bệnh. Áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi và khuyến khích xây dựng các cơ sở cấp xã an toàn dịch bệnh", ông Tám cho hay.
Tin nổi bật
Tin Video