Quan hệ ASEAN-Nhật Bản nền tảng vững chắc như núi Phú Sĩ và cơ hội hợp tác rộng lớn như Biển Đông
(VOVTV) - Tối 18/12 theo giờ địa phương, chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Tokyo Nhật Bản về Việt Nam, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản và hoạt động song phương tại Nhật Bản.
Trong không khí tin cậy và thân tình, đoàn kết, những cái bắt tay thật chặt, những cái ôm ấm áp của lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN và Nhật Bản, Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản đã thành công tốt đẹp với những kết quả quan trọng.
ASEAN và Nhật Bản thống nhất nhận định và cùng đề cao tầm quan trọng và giá trị của quan hệ đối với mỗi bên cũng như khu vực. Có thể khẳng định quan hệ ASEAN-Nhật Bản đang là một trong những mối quan hệ năng động, thực chất và hiệu quả nhất trong quan hệ đối ngoại của ASEAN, đóng góp tích cực vào sự phát triển của mỗi nước thành viên và Cộng đồng ASEAN cũng như vào hòa bình, hợp tác và thịnh vượng của khu vực. Các Lãnh đạo ASEAN và Nhật Bản đã nhất trí thông qua “Tuyên bố Tầm nhìn về Quan hệ Hữu nghị và Hợp tác ASEAN-Nhật Bản: Đối tác tin cậy” và “Kế hoạch triển khai Tuyên bố tầm nhìn” làm cơ sở để triển khai quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Nhật Bản thời gian tới.
Tham dự hội nghị lần này, Việt Nam tham gia chủ động, tích cực, đóng góp quan trọng vào thành công chung của Hội nghị. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cao ý nghĩa lịch sử của Hội nghị, đánh giá cao tinh thần đoàn kết và hợp tác giữa ASEAN và Nhật Bản vượt qua những thời điểm khó khăn, thử thách xuyên suốt nửa thế kỷ qua. Thủ tướng đề xuất 3 phương hướng lớn để quan hệ ASEAN-Nhật Bản trở thành hình mẫu, nhân tố tích cực, đóng vai trò quan trọng vào bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, cùng phát triển và cùng thắng ở khu vực.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Trước những cơn gió ngược, những thách thức chưa từng có tiền lệ ASEAN và Nhật Bản càng cần củng cố đoàn kết, tăng cường hợp tác đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN Nhật Bản trở thành một hình mẫu nhân tố tích cực đóng vai trò quan trọng môi trường hòa bình ổn định cùng phát triển và cùng thắng ở khu vực. Để hiện thực hóa mục tiêu đó cần tăng cường hơn nữa phối hợp chiến lược Asean Nhật Bản cùng nhau thúc đẩy xây dựng cấu trúc khu vực mở dựa trên luật lệ với Asean đóng vai trò trung tâm; đẩy mạnh kết nối kinh tế hiệu quả thông qua chuyển đổi số, chuyển đổi xanh kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, cùng nghiên cứu triển khai một số dự án hợp tác cụ thể kết nối chặt chẽ tầm nhìn của Nhật Bản và tầm nhìn Asean, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, tự do rộng mở.”
Thủ tướng cũng đề nghị hai bên tăng cường kết nối về kinh tế - thương mại, triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản sửa đổi và các Hiệp định thương mại hai bên cùng là thành viên; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới, nhất là đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và nông nghiệp thông minh…, đưa các lĩnh vực này trở thành động lực tăng trưởng mới, sức sống mới cho hợp tác kinh tế ASEAN-Nhật Bản thời gian tới.
Đặc biệt Thủ tướng đề nghị Nhật Bản tích cực hỗ trợ các nước thuộc tiểu vùng Mekong ứng phó hiệu quả các thách thức an ninh phi truyền thống, sớm khởi động lại cơ chế hợp tác Mekong: “Đề nghị Nhật Bản tích cực hỗ trợ các nước ASEAN thuộc tiểu vùng sông Mê Kông ứng phó hiệu quả các vấn đề biến đổi khí hậu, phòng ngừa và ngăn chặn thiên tai, dịch bệnh, theo đó đề nghị Nhật Bản sớm cùng các nước tiểu vùng sông Mekong khởi động lại cơ chế hợp tác sông Mekong, ưu tiên thúc đẩy các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển bền vững cho các nước tiểu vùng sông Mekong với tinh thần không để ai bỏ lại phía sau, sự phát triển của các nước tiểu vùng sẽ đóng góp tích cực cho ASEAN và đối tác chiến lược toàn diện ASEAN- Nhật Bản phát triển ngày càng sâu rộng và bền vững, lấy tin cậy chính trị, làm nền tảng, hợp tác kinh tế làm động lực và lấy giao lưu nhân dân làm trung tâm. Tôi tin tưởng rằng con thuyền ASEAN- Nhật Bản vượt qua mọi thách thức tiếp tục rẽ sóng vươn xa trong 50 năm tới và xa hơn nữa.”
Tại Phiên thảo luận về đối tác “từ trái tim đến trái tim” Thủ tướng đề nghị, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác văn hóa xã hội, giao lưu nhân dân giữa hai bên phải được phục hồi nhanh mạnh mẽ hơn nữa sau đại dịch Covid-19; phải cụ thể hóa hợp tác bằng các hành động cụ thể mang lại lợi ích cho người dân trong đó tăng cường hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; mở rộng các chương trình học bổng; tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam và các nước ASEAN tại Nhật Bản, sinh sống học tập và làm việc, tiếp tục đơn giản hóa và tiến tới sớm miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước ASEAN.
“Giờ đây, nhiệm vụ của chúng ta là cụ thể hóa quan hệ từ trái tim đến trái tim trở thành quan hệ từ hành động đến hành động và từ cảm xúc đến hiệu quả với các dự án, chương trình, kế hoạch hợp tác thiết thực cụ thể để khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện Asean Nhật Bản với nền tảng vững chắc như núi Phú Sĩ và cơ hội hợp tác rộng lớn như Biển Đông, thực sự đi vào cuộc sống mang lại lợi ích thiết thực hơn người dân và đóng góp tích cực hiệu quả hơn nữa vào hòa bình, hợp tác, phát triển khu vực và trên thế giới,” Thủ tướng nói.
Những đóng góp và kiến nghị cụ thể của Việt Nam có thể nói đã “đúng” và “trúng” với nhu cầu của hợp tác ASEAN-Nhật Bản trong giai đoạn phát triển mới, được phản ánh trên nhiều nội dung trong “Tuyên bố Tầm nhìn” và “Kế hoạch triển khai Tuyên bố” được thông qua tại Hội nghị lần này.
Về các hoạt động song phương, chuyến công tác này đạt nhiều kết quả nổi bật, thực chất trong hợp tác kinh tế song phương, thúc đẩy hợp tác liên kết kinh tế đi vào chiều sâu. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã có lịch hoạt động dày đặc, chương trình phong phú, đa dạng với tổng cộng gần 30 hoạt động với chính giới và giới kinh tế Nhật Bản. Thủ tướng đã hội đàm với Thủ tướng Kishida Fumio; hội kiến Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản, Hoàng Thái tử Akishino và Công nương, hội kiến Chủ tịch Hạ viện, Thượng viện, các cựu Thủ tướng Nhật Bản; tiếp và dự chiêu đãi của Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật -Việt, tiếp các đối tác, các nhà đầu tư lớn của Nhật Bản và thăm tỉnh Gunma, gặp gỡ một số thống đốc các tỉnh của Nhật Bản.
Tại các cuộc tọa đàm với lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản, giới kinh tế Nhật Bản đánh giá cao sự phát triển, ổn định của kinh tế Việt Nam cũng như triển vọng kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam, sẵn sàng đầu tư, mở rộng kinh doanh trong các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên, đề xuất một số biện pháp cụ thể nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của thị trường Việt Nam. Thủ tướng Kishida, lãnh đạo các giới Nhật Bản đều tiếp tục khẳng định hỗ trợ Việt Nam thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết, chuyến thăm cũng mang lại kết quả hết sức cụ thể như các doanh nghiệp, các địa phương Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết khoảng 30 các văn kiện hợp tác trị giá khoảng hơn 3 tỷ đô la. Bên cạnh đó, Chính phủ hai nước cũng đã ký kết 3 văn kiện về hợp tác trong lĩnh vực Oda với tổng giá trị khoảng độ 200.000.000 đô la Mỹ, nâng tổng số Oda của Nhật Bản dành cho Việt Nam trong năm nay lên khoảng 800.000.000 đôla Mỹ đạt mức cao nhất kể từ năm 2017 đến nay.
Trong lần này, các bộ, ngành, địa phương tham gia đoàn cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực với các đối tác Nhật Bản. Là một trong hơn 30 đơn vị có thỏa thuận hợp tác trong lần này Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân chia sẻ, tại Khánh Hòa đã có 7 dự án của Nhật Bản đầu tư rất có hiệu quả, đặc biệt là nhà máy nhiệt điện Sumitomo đã hoàn chỉnh giai đoạn 1 và chuẩn bị cho giai đoạn 2. "Chúng tôi đã chứng kiến sự hợp tác giữa tập đoàn Sun Group với các đối tác Nhật để tiếp tục kêu gọi và phát triển đầu tư tại khu kinh tế Vân Phong. Chúng tôi rất tin tưởng từ diễn đàn phát triển kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày hôm nay thì các đối tác của Nhật Bản sẽ tiếp tục nghiên cứu tại Việt Nam một cách hết sức thuận lợi với những chính sách đặc biệt của Chính phủ Việt Nam,” Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh.
Tại chuyến công tác lần này, Chính phủ Việt Nam đã lần đầu tiên chủ trì, tổ chức hội nghị xúc tiến lao động tại nước ngoài với quy mô hơn 300 người, gồm đại diện Lãnh đạo chính phủ, chính giới, các doanh nghiệp Nhật Bản, người lao động Việt Nam mở ra cơ hội mới cho người lao động và thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản.
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ cùng với Bộ Tư pháp, Bộ Y tế Phúc Lợi xã hội của Nhật Bản đã có những chương trình ký kết liên tịch, trong đó sẽ tập trung vào 4 nhóm lực lượng lao động. Thứ nhất là tạo điều kiện tối đa để giữa các địa phương của hai quốc gia thống nhất với nhau hợp tác về lao động; Thứ hai là tăng cường lực lượng thực tập sinh kỹ năng; Thứ ba là đào tạo kỹ sư thực hành, tập trung vào lực lượng đặc định. Thủ tướng Kisida và Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã thống nhất, ngay đầu năm 2024, sẽ tổ chức thi đặc định tại Việt Nam tạo điều kiện cho những em, những cháu đã từng học tập và làm việc với Nhật Bản có điều kiện để quay trở lại tiếp tục công việc mới của mình; Thứ tư là tập trung vào lĩnh vực hỗ trợ những cháu, những em và những thanh niên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện để sang Nhật với chương trình miễn phí 100%.
Những kết quả thiết thực của chuyến công tác và các hoạt động song phương của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Nhật Bản lần này là hoạt động cấp cao quan trọng để khép lại năm 2023, năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản thành công rực rỡ với khoảng 500 sự kiện tổ chức tại cả hai nước./.
Tin nổi bật
Tin Video