Quân đội Myanmar yêu cầu không nổ súng vào người biểu tình
Chính quyền quân sự Myanmar yêu cầu các lực lượng không sử dụng đạn thật nhắm vào người biểu tình.
Bloomberg đưa tin, quân đội Myanmar đã yêu cầu lực lượng an ninh không sử dụng đạn thật để bắn vào người biểu tình. Lực lượng an ninh chịu trách nhiệm cho các vụ tấn công vào những người biểu tình chống đảo chính cuối tuần qua, khiến hàng chục người thiệt mạng.
Thông báo này được đưa ra trong một chương trình phát sóng do quân đội Myanmar thực hiện, diễn ra sau khi Myanmar chứng kiến ngày đẫm máu nhất kể từ cuộc đảo chính hôm 1/2. Liên hợp quốc cho biết, ít nhất 18 người biểu tình đã thiệt mạng và 30 người khác bị thương vào hôm 28/2.
Quân đội Myanmar cũng cho biết, hơn 1.300 người biểu tình bị bắt trong các cuộc biểu tình trên toàn quốc vào hôm 1/3.
Một làn sóng biểu tình mới dự báo sẽ nổ ra hôm 2/3, sau khi một tòa án Myanmar đưa ra cáo buộc bổ sung chống lại nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi. Theo đó, bà Aung San Suu Kyi có thể bị tạm giữ trong thời gian dài.
Áp lực từ cộng đồng quốc tế ngày càng gia tăng sau khi nhiều người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ở Myanmar. Liên hợp quốc và nhiều nước lên án hành động của chính quyền quân sự.
Hôm 2/1, quân đội bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, cùng các quan chức cấp cao trong chính quyền dân cử, với cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11/2020.
Lời kêu gọi kiềm chế không sử dụng súng để bắn vào người biểu tình được đưa ra khi Ngoại trưởng các ASEAN sẽ tổ chức một cuộc họp không chính thức vào hôm 2/3 để thảo luận về tình hình ở Myanmar. ASEAN được cho tuân theo nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các thành viên, trong đó có Myanmar, chưa lên tiếng về chính biến ở nước này.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha gọi đảo chính này "vấn đề nội bộ của Myanmar". Trong khi đó, Indonesia đã đưa ra một tuyên bố kêu gọi các lực lượng an ninh "kiềm chế việc sử dụng vũ lực và thực hiện kiềm chế tối đa để tránh thêm thương vong”. Còn Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cho rằng, trách nhiệm giải quyết vụ việc này thuộc về các nhà chức trách Myanmar.