Quân đội Myanmar thả quan chức cấp cao
Quân đội Myanmar cũng đã khôi phục hoạt động của dịch vụ internet đồng thời đặt ra những ưu tiên giải quyết thách thức cho đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Tổng Tư lệnh Quân đội Myanmar Min Aung Hlaing có cuộc họp Nội các đầu tiên, kể từ sau khi Quân đội bắt giữ nhiều quan chức Chính phủ, trong đó có Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống U Win Myint. Phát biểu tại cuộc họp, ông cho biết quân đội sẽ kiểm soát đất nước cho đến khi chính phủ mới được thành lập sau cuộc bầu cử sắp tới.
Trong giai đoạn tình trạng khẩn cấp của đất nước kéo dài 1 năm, bầu cử và đối phó với COVID-19 sẽ là ưu tiên hàng đầu của đất nước.
Quân đội Myanmar ngày 2/2 cũng đưa ra những bước đi được cho là giúp hạ nhiệt tình hình khi truyền thông khu vực cho biết quân đội đã trả tự do cho nhiều thủ hiến vùng và bang bị họ bắt giữ trước đó 1 ngày. Trong một tuyên bố, quân đội Myanmar cho biết hiện dịch vụ internet đã được khôi phục trở lại và các dịch vụ ngân hàng vẫn đang hoạt động như bình thường.
Những diễn biến tại Myanmar đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 2/2 có cuộc họp khẩn tại Myanmar để thảo luận tình hình tại quốc gia Đông nam Á này. Tuy nhiên các nước đã không thể ra Tuyên bố chung do Anh soạn thảo nhấn mạnh việc sớm khôi phục dân chủ tại Myanmar, vì không có đủ sự ủng hộ của 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an.
Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Barbara Woodward đồng thời là Chủ tịch Hội đồng bảo an Liên hợp quốc tháng 2 kêu gọi cần có sự đồng thuận trong việc giải quyết tình hình tại Myanmar.
“Hiện có lo ngại trong dư luận quốc tế về tình hình tại Myanmar. Chúng tôi hoan nghênh vai trò của các đối tác khu vực bao gồm ASEAN để giải quyết cuộc khủng hoảng này. Các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục thảo luận các bước đi tiếp theo. Tôi hy vọng chúng ta sẽ có sự đồng thuận và tôi sẽ sớm thông tin về các bước tiến về vấn đề này”, bà Woodward nhấn mạnh.
Trước đó các quốc gia ASEAN cũng ra tuyên bố nhấn mạnh những nguyên tắc của khối bao gồm tuân thủ các nguyên tắc dân chủ, pháp quyền, tôn trọng và bảo vệ các quyền con người và các quyền tự do. Tuyên bố kêu gọi các bên tại Myanmar “theo đuổi đối thoại, hòa giải, phù hợp với ý chí và lợi ích của người dân Myanmar”.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha - một quốc gia thành viên ASEAN hôm qua bày tỏ hi vọng tình hình tại Myanmar sẽ được giải quyết một cách hòa bình vì lợi ích của người dân, đồng thời kêu gọi truyền thông không nên làm gia tăng thêm tình hình căng thẳng.
“Tôi muốn tất cả các đơn vị truyền thông cần thận trọng đưa tin về tình hình Myanmar. Tôi không muốn điều này ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế và xã hội của Myanmar. Vì đây cũng là một vấn đề của ASEAN và chúng tôi không muốn căng thẳng gia tăng tại quốc gia này”, Thủ tướng Prayut nói.
Nhiều quốc gia cũng đang cân nhắc các biện pháp để phản ứng với những diễn biến tại Myanmar. Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua cho biết sẽ xem xét lại viện trợ nước ngoài cho Myanmar, trong khi Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ hy vọng các bên ở Myanmar sẽ đạt được một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay, thông qua việc nối lại đối thoại chính trị và duy trì sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững của đất nước.
Ngân hàng thế giới (WB) bày tỏ quan ngại về tình hình hiện nay tại Myanmar và sẵn sàng hỗ trợ nước này đạt được tăng trưởng bền vững cũng như tăng cường sự tham gia của mọi thành phần trong xã hội. Ngân hàng thế giới khẳng định vẫn cam kết thực hiện các mục tiêu này và luôn ủng hộ người dân Myanmar.
Tin nổi bật
Tin Video