'Quán chè ma' hơn 80 năm tuổi ở TP.HCM
Tồn tại 83 năm, tiệm chè Châu Giang nằm trên đường Trần Hưng Đạo B (quận 5, TP.HCM) là điểm đến yêu thích của nhiều thế hệ Sài thành.
Quận 5 (TP.HCM) là nơi giao thoa và kết tinh của hai nền văn hóa Việt - Hoa, đặc biệt là những món ăn của người Hoa sống lâu đời ở khu vực này. Đến đây, thực khách dễ dàng tìm được quán ăn ngon, giá cả hợp lý.
Nằm trên đường Trần Hưng Đạo B (quận 5), trải qua 4 đời buôn bán, tiệm chè Châu Giang gắn bó với người dân qua những cái tên thân thuộc như “chè nhà đèn”, “chè cột điện”, “chè ma”. Tên gọi này bắt nguồn từ địa điểm của quán, vốn là khoảng đất nhỏ trước trạm biến áp có từ thời Pháp.
Với gần 20 món khác nhau, quán chè giữ chân thực khách không chỉ bằng vị ngon mà còn bởi sự tận tình của chủ quán.
Quán “chè ma” nổi tiếng
Dưới ánh đèn lờ mờ, tiệm chè nằm khiêm tốn trong khoảng sân trước trạm biến áp. Chiếc xe đẩy bán được trang trí bởi những tấm tranh kiếng cùng hình ảnh tuồng tích thuở xưa.
Chị Hà (45 tuổi), chủ quán đời thứ 4, kể năm 1938, bà ngoại chị là Phùng Hạnh Phan từ Quảng Đông (Trung Quốc) trôi dạt về khu Chợ Lớn làm ăn, bán chè đậu xanh ở vỉa hè. Từ đó đến nay, quán không thay đổi địa điểm.
Chè ở quán hầu như là những loại phổ biến của người Hoa như mè đen, bạch quả, nhãn nhục, củ năng, hạnh nhân… Chị Hà cho biết khách thường gọi sâm bổ lượng với hơn 10 món và 10 hương vị khác nhau.
Các món chè đều được người nấu cân bằng lại vị ngọt. Chè sâm bổ lượng có hương vị thanh mát, nhiều chất bổ, là thức uống giải nhiệt rất tốt mỗi khi Sài Gòn nắng nóng.
Ngoài ra, các món được làm từ hột gà như hột gà trà, hột gà chưng sữa tươi bùi bùi cũng là điểm nhấn độc lạ khiến thực khách tò mò ghé tới.
Chị Hà cho hay từng nguyên liệu nấu chè đều được tiệm chuẩn bị, không lấy hàng làm sẵn, trải qua 4 đời buôn bán nên cũng không gặp nhiều khó khăn. “Mình tự làm thì mới đảm bảo chất lượng và hương vị ưng ý”, chị nói.
“Nhà tôi không có bí quyết gì đặc biệt, cũng theo công thức bình thường. Khách ở đây thường thích ăn chè có vị thanh nên khi nấu phải chú ý một chút. Chủ yếu là phải đặt cái tâm vào, làm sao đảm bảo chất lượng nhất”, chị Hà chia sẻ.
Ăn chè lúc nửa đêm
Quán mở bán từ 16h đến gần nửa đêm, với mức giá dao động từ 15.000-33.000 đồng/chén. Quán chỉ có khoảng 6 chiếc bàn nhưng lại rất đông khách, mọi người thường hay mua mang về.
Nữ chủ quán cho hay đa số người ghé đến đều là khách quen. Có nhiều khách ở Hà Nội cứ đến TP.HCM là phải ghé quán của chị ăn chè. Nhiều người mỗi lần tới là gọi 4,5 loại cùng một lúc để “cho đã cơn thèm”.
Chú Lâm Hòa (53 tuổi, quận 5) là khách ruột của tiệm chè Châu Giang hơn 30 năm. Sau một ngày làm việc vất vả, chú thường ghé quán để tự thưởng cho mình chén chè ngon. Món nào của quán chú cũng từng thử qua, nhưng thích nhất vẫn là chè hạt sen.
“Quán này nổi tiếng từ những năm 1975 đến giờ rồi. Tôi ăn chè ở tiệm này từ hồi chưa có vợ con, giờ lúc rảnh tôi cũng hay dẫn gia đình ra đây. Tôi thích chè ở đây vì ngon, đặc biệt, không có đường hóa học, chỉ có đường phèn”, chú Hòa nói.
Gia đình chú Hữu (50 tuổi, quận 8) cũng là khách quen ở đây hơn 15 năm. Chú Hữu biết đến quán chè này từ thời học sinh qua báo Mực Tím. Mỗi lần đến chú hay gọi món chè củ năng, hột gà chưng.
"Quán này bán ngon lắm, đúng vị từ xưa đến giờ, không đổi. Do là người Hoa nên tôi thích ăn ở những quán có chủ cùng gốc với mình. Mấy buổi tối rảnh là hai vợ chồng tôi hay ra đây ăn", chú Hữu tâm sự.
Thanh Hải (24 tuổi, quận 3) được bố mẹ dẫn ra đây ăn chè từ nhỏ. Món yêu thích nhất của anh là chè bo bo hủ ky trứng cút. Vị bùi bùi của bo bo hòa lẫn với nước chè ngọt thanh khiến Hải ấn tượng ngay từ lần đầu thử.
Chia sẻ với Zing, Hải cho biết anh đã gắn bó với tiệm chè này khoảng 10 năm, “đi đâu xa vài tháng là nhớ lắm”. “Dù ngày nay có nhiều loại chè mới hơn, hàng quán cũng đa dạng hơn nhưng mình vẫn thích ăn chè ở tiệm này nhất”, Hải nói.
Từ lúc nối nghiệp gia đình, điều khiến chị Hà tự hào nhất là sự uy tín và được khách ủng hộ thường xuyên. Hơn 80 năm với nhiều thăng trầm, tiệm chè Châu Giang luôn giữ nguyên sự trọn vẹn, tinh tế trong hương vị.
Khi được hỏi chị vì sao không thêm nhiều món mới cho lạ, chị chỉ nhẹ nhàng trả lời: “Khẩu vị bao nhiêu năm như vậy, giờ làm món mới sợ không ngon, khách sẽ mắng vốn. Mọi người đến với mình vì sự lâu đời, được khách mến, khách thương là vui rồi”.
Tin nổi bật
Tin Video