Quả vải Hải Dương lên sàn thương mại điện tử
(VOVTV) - Để nâng tầm quả vải đặc sản Thanh Hà Hải Dương, việc đưa lên các sàn thương mại điện tử được coi là giải pháp phù hợp, căn cơ và lâu dài, nhất là trong điều kiện dịch bệnh diễn biến khó lường như hiện nay.
Hiện cơ quan chức năng đang tích cực hướng dẫn người dân sản xuất đúng quy trình, sử dụng hiệu quả tem truy xuất nguồn gốc và cung cấp đầy đủ thông tin về vải thiều Thanh Hà đến khách hàng.
Tổ trồng vải VietGap xã Thanh Sơn (huyện Thanh Hà) có 77 hộ với hơn 9 ha vải thường được xuất khẩu sang các thị trường như Nhật, Singapore... Khác với mọi năm, việc quản lý của các nhà vườn chỉ là trên sổ sách, giấy tờ thì vụ vải năm nay, các thành viên tổ sản xuất đã quản lý vườn vải bằng mã và tem truy xuất trên các thiết bị thông minh có kết nối mạng như máy tính, smartphone.
Thay vì phải lật tìm cả chồng sổ sách để truy xuất thông tin về 1 gốc vải, bây giờ chỉ cần quét mã vạch. Đây cũng là điều kiện cần thiết để sản phẩm được phép đưa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Ông Phạm Văn Giang, tổ trưởng tổ trồng VietGap xã Thanh Sơn cho biết: "Được đưa lên sàn là những sản phẩm của mình phải thật tin tưởng, đáng tin cậy. Tem truy xuất rồi dư lượng, nguồn gốc của thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc hữu cơ đều phải dựa trên tem truy xuất nguồn gốc, như vậy đưa lên sàn mới hiệu quả được".
Năm nay, sản lượng vải của Hải Dương dự kiến đạt 55.000 tấn; trong đó riêng sản lượng vải của huyện Thanh Hà ước đạt khoảng 40.000 tấn. Khoảng hơn 1 nửa sản lượng này sẽ được xuất khẩu, phần còn lại tiêu thụ trong nước qua kênh thương lái, bán lẻ. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Hải Dương đã sớm xây dựng kế hoạch đưa quả vải lên các sàn thương mại điện tử như Voso.vn, Sendo.vn và Lazada.vn…
Ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nhận định việc tiêu thụ và giới thiệu sản phẩm nông sản Hải Dương trong đó có quả vải lên sàn thương mại điện tử là rất cần thiết và phù hợp với xu thế thương mại hiện nay, được thể hiện trong Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số của Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII.
"Hải Dương đã có rất nhiều giải pháp tiêu thụ nông sản, trong đó giải pháp tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử chúng tôi đánh giá rất cao. Hiện nay chúng tôi đang tiếp tục phối hợp để đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm vải trên sàn thương mại điện tử và tới đây chúng tôi tiếp tục phối hợp để đưa 1 số sản phẩm tiêu biểu khác lên sàn thương mại điện tử", ông Quân chia sẻ.
Hiện nay, quả vải Hải Dương đang được bán trực tuyến trên sàn TMĐT Lazada với giá niêm yết 150.000 đồng/kg. Viettel Post cũng sẽ mở gian hàng cho các tổ chức, cá nhân của Hải Dương bán vải trực tuyến trên trang Voso.vn từ ngày 18/5, đơn vị hỗ trợ vận chuyển toàn quốc đồng giá 22.000 đồng/đơn hàng dưới 20 kg. Viettel Post cũng cử nhân viên hướng dẫn người trồng vải tạo gian hàng, đưa thông tin, hình ảnh nhằm thu hút khách hàng, xử lý phản hồi của người mua...
Trong khuôn khổ chương trình cấp Quốc gia về xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công thương đã phối hợp chặt chẽ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương tỉnh Hải Dương để hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh, trong đó có quả vải lên sàn thương mại điện tử; triển khai cổng truy xuất nguồn gốc và tổ chức các chương trình, tập huấn hỗ trợ cho bà con nông dân tỉnh Hải Dương tiếp cận và sử dụng các ứng dụng về truy xuất nguồn gốc.
Phối hợp với các sàn thương mại điện tử mở gian hàng chung trên mỗi sàn thương mại điện tử, trong đó tất cả các địa phương, các hộ kinh doanh, các hợp tác xã khi chưa thể chủ động trong việc tạo lập tài khoản hay là mở các gian hàng thì có thể sử dụng gian hàng chung đó để tiêu thụ sản phẩm của địa phương.
Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại Bộ Công Thương, cho biết: "Đối với quả vải Hải Dương khi đưa lên sàn thương mại điện tử thì chúng tôi kỳ vọng số lượng giao dịch trên sàn thương mại điện tử sẽ là hỗ trợ tích cực cho việc tiêu thụ. Qua làm việc với các hộ nông dân, các hộ sản xuất, các hợp tác xã, các doanh nghiệp thu mua, sàn thương mại điện tử chúng tôi nhận thấy rằng triển vọng ứng dụng thương mại điện tử cho tiêu thụ sản phẩm nông sản là rất khả quan".
Trong điều kiện cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 phát triển vô cùng nhanh chóng, việc đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử là một trong những quyết sách đúng đắn và đặc biệt phù hợp với quả vải Thanh Hà. Đây cũng là giải pháp tạo mối liên kết trực tiếp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, giảm bớt các khâu trung gian, giúp hạ giá thành, tăng năng lực cạnh tranh và góp phần quảng bá thương hiệu vải Thanh Hà Hải Dương.
Tin nổi bật
Tin Video