Kinh tế và Phát triển

Phú Thọ: Huyện Thanh Ba tiến sát đích nông thôn mới

(VOVTV) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Thanh Ba (tỉnh Phú Thọ) đang tiến đến sát đến những thành quả đáng tự hào.

Tác giả Đàm Trượng
21/07/2023 11:13

Với đặc trưng là huyện trung du miền núi của tỉnh Phú Thọ, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội được coi là một trong những mục tiêu quan trọng để Thanh Ba tập trung xây dựng NTM.

Được sự đồng thuận của người dân, huyện chú trọng đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường. Hệ thống giao thông tại địa phương đã ghi nhận những dấu hiệu tích cực, tạo đà để thu hút đầu tư, tạo liên kết vùng. Ngoài ra, các đường trục chính nội đồng, công trình thủy lợi về cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, giao thông. Hệ thống lưới điện nông thôn phát triển nhanh, tạo động lực để đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM...

Theo thống kê, trên địa bàn huyện có 14 tuyến đường liên xã với 88,8km; 93 tuyến đường trục xã, đã thực hiện được 214,6/258,4km; đường thôn xóm 173,4/185km; đường ngõ xóm không bị lầy lội vào mùa mưa 208/208km; đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa quanh năm 415,3/439 km.

Phú Thọ: Huyện Thanh Ba tiến sát đích nông thôn mới - Ảnh 1.

Cánh đồng lúa vụ mùa chín rộ tại xã Thanh Hà – huyện Thanh Ba (Nguồn: Cổng thông tin điện tử huyện Thanh Ba)

Công tác dịch vụ sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn được Thanh Ba đảm bảo đủ giống cho sản xuất, thực hiện đúng khung lịch thời vụ để tạo bước chuyển biến tích cực, diện tích gieo cấy lúa vượt kế hoạch, diện tích lúa lai, lúa chất lượng cao tăng đáng kể, chiếm trên 80% diện tích gieo cấy. Diện tích áp dụng SRI đạt cao cũng như đẩy mạnh đầu tư thâm canh trong sản xuất được tăng cường. Bên cạnh đó, tích cực triển khai nhiều mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới đạt kết quả tốt như: mô hình lúa chất lượng cao, mô hình ngô chất lượng cao, mô hình trồng cà chua trong nhà lưới có mái che, nuôi cá có thâm canh, nuôi gà an toàn sinh học sử dụng men vi sinh xử lý chất thải…

Xã Thanh Hà là một ví dụ tiêu biểu khi vận động nhân dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao vào trồng lúa chất lượng cao như J02, thiên ưu… đi đầu trong việc thử nghiệm giống lúa mới ST25 trồng trên một ha ở khu đồng trước. Quần chúng xã Thanh Hà đã đóng góp công lao động, hiến đất và hoa màu trên đất để làm hàng km đường giao thông nông thôn với hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Phú Thọ: Huyện Thanh Ba tiến sát đích nông thôn mới - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Chí Thành - Chủ tịch UBND Huyện Thanh Ba

Đến nay, cả huyện Thanh Ba đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM và 18/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100%. Đáng chú ý, huyện đã có 2 xã (Thanh Hà, Đồng Xuân) được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022. Năm 2023, huyện tiếp tục chỉ đạo xây dựng thêm 2 xã (Đông Thành, Chí Tiên) đạt chuẩn NTM nâng cao. Các chỉ tiêu, tiêu chí đang trong quá trình hoàn thiện để được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023. Dự kiến năm 2023, Thanh Ba công nhận 21 khu NTM kiểu mẫu.

Chất lượng quy hoạch NTM về cơ bản đáp ứng được yêu cầu, công tác công khai, quản lý và tổ chức thực hiện theo quy hoạch bước đầu được các xã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Theo dự kiến đến hết 2023, huyện sẽ tổ chức thẩm định và công nhận đạt chuẩn 21 khu NTM kiểu mẫu cho 18 xã trong huyện.

Nỗ lực của huyện Thanh Ba là đáng được ghi nhận khi để có được những thành quả đó, địa phương đã phải vượt qua nhiều khó khăn. Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn mới chủ yếu vẫn dựa vào vốn ngân sách nhà nước trong khi nguồn lực hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước còn rất hạn chế. Nguồn lực huy động từ doanh nghiệp và sức dân hết sức khó khăn, không có kinh phí duy tu và bảo dưỡng các công trình hạ tầng sau khi đưa vào sử dụng.

Ông Nguyễn Chí Thành – Chủ tịch UBND huyện Thanh Ba cho biết, các cấp, các ngành trong huyện đã chỉ đạo triển khai đồng bộ, tích cực các nội dung của chương trình như quán triệt, phổ biến, hướng dẫn cụ thể hóa các nội dung của chương trình; thành lập Ban chỉ đạo, quản lý điều hành thực hiện chương trình ở các cấp; Ban hành kế hoạch giữa các đơn vị, đi kèm với phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình cũng được quan tâm sát sao.

"Trong nửa cuối năm, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên địa bàn từng xã gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất tăng thu nhập cho nông dân. Ngoài ra, cũng khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến, hiệu quả nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới" – ông Thành cho biết.

Ý kiến của bạn