Phú Quốc: Phục hồi du lịch sau đại địch
(VOVTV) - Du lịch là một trong những thế mạnh vượt trội của tỉnh Kiên Giang, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt tại Phú Quốc, nguồn thu từ du lịch chiếm phần lớn doanh thu của thành phố.
Đại dịch Covid-19 kéo dài trong 2 năm qua đã khiến ngành du lịch tỉnh này bị tê liệt, nguồn thu giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội, phát triển kinh tế của địa phương. Hiện nay, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, Kiên Giang, Phú Quốc đang nỗ lực để khôi phục lại ngành du lịch.
Với lợi thế về vị trí và tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, trong giai đoạn 2016 - 2019, lượng khách du lịch đến Kiên Giang tăng bình quân trên 19%/năm, trong đó khách quốc tế tăng bình quân trên 30%/năm, tổng thu từ du lịch tăng bình quân hơn 26%/năm, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.
Tuy nhiên, gần 2 năm kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện đã tác động đến hầu hết các mặt của đời sống xã hội, hoạt động du lịch bị ảnh hưởng rất nặng nề; một số doanh nghiệp lữ hành đã giải thể, cơ sở lưu trú chuyển đổi chủ hoặc cho thuê; lao động du lịch không tìm được việc làm do các cơ sở kinh doanh du lịch ngừng hoạt động trong thời gian dài; các chỉ tiêu du lịch giảm mạnh; công suất phòng đạt thấp, thị trường khách du lịch cả quốc tế và nội địa giảm mạnh, tổng thu từ du lịch bị sụt giảm ước tính hơn 21.000 tỷ đồng.
Trước tình hình đó, việc Phú Quốc được chọn là một trong 5 địa phương thí điểm đón khách quốc tế bằng hộ chiếu vaccine là một trong những giải pháp quan trọng mà Chính phủ đề ra, được kỳ vọng sẽ góp phần phá băng thị trường du lịch, từng bước đạt được các mục tiêu đề ra của Chính phủ về kích cầu, khôi phục các hoạt động kinh tế.
Những chuyến bay quốc tế được kết nối lại là những tín hiệu lạc quan ban đầu để Phú Quốc có niềm tin tiếp tục nỗ lực khôi phục và phát triển du lịch trong bối cảnh bình thường mới.
Cuối năm 2021 đã có nhiều chuyến bay từ Singapore, Malaysia và Hàn Quốc đến Phú Quốc. Đầu năm nay, có từ 10 - 12 chuyến từ Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và Dubai, bình quân mỗi chuyến từ 170 - 200 khách. Kế hoạch năm 2022 tỉnh Kiên Giang dự kiến đón 5,6 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 200.000 lượt.
Mục tiêu của Phú Quốc không chỉ là đón khách quốc tế bằng hộ chiếu vaccine, mà còn thúc đẩy thị trường nội địa vốn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì “nguồn ôxy” cho ngành du lịch.
Thực tế, năm 2020, thị trường nội địa đã trở thành “cứu cánh” cho ngành du lịch, khi thị trường quốc tế bị đóng băng hoàn toàn và Phú Quốc luôn là điểm đến thu hút đông đảo du khách trong nước bậc nhất sau mỗi đợt dịch được kiểm soát.
Đặc biệt, với sự vào cuộc của các nhà đầu tư chiến lược, trong đó có các Tập đoàn lớn như Sun Group, Vingroup, BIM Group, CEO Group…, hạ tầng du lịch Phú Quốc không chỉ tăng nhanh về lượng, mà còn tăng mạnh về chất.
Từ chỗ “trắng khách sạn” tiêu chuẩn từ 3 sao, hiện TP. Phú Quốc đã có hơn 22.000 phòng lưu trú, trong đó hơn một nửa đạt tiêu chuẩn từ 3 - 5 sao, nhiều khách sạn, resort đẳng cấp được vận hành bởi các tập đoàn danh tiếng đã ghi dấu ấn trên trường quốc tế.
5 năm qua, Phú Quốc đã có những dấu ấn tăng trưởng vô cùng ấn tượng. Tốc độ phát triển kinh tế luôn vượt mục tiêu kế hoạch đề ra và duy trì ở mức cao. Thu ngân sách giai đoạn 2015 - 2020 đạt hơn 20.600 tỷ đồng, đứng đầu toàn tỉnh Kiên Giang. Thu nhập bình quân đầu người đạt 113 triệu/người/năm tương đương 5.000 USD, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm chỉ còn 0,38% thấp nhất so với các huyện, TP trong tỉnh Kiên Giang và cả nước.
Với sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, sự quan tâm của Chính phủ, của các bộ ngành Trung ương, Kiên Giang, Phú Quốc đang nỗ lực rất lớn để tạo thời cơ, chiến lược mới sau dịch để vực lại ngành du lịch.
Tin nổi bật
Tin Video