Tin tức

Phù phép đất đồi thành đất vàng tại Đắk Nông: Sai phạm tràn lan, xử lý nửa vời - Kỳ 1

(VOVTV) - Tình trạng “sốt đất” tại các tỉnh Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Nông nói riêng từ cuối năm ngoái đến nay vẫn chưa hạ nhiệt. Trong bối cảnh đó, hàng loạt những quả đồi, ngọn núi đã và đang bị băm vằm để lấy mặt bằng phục vụ nhu cầu buôn bán, sang nhượng.

Tác giả Công Bắc / VOV Tây Nguyên
13/04/2022 15:58

Dọc theo những con đường quốc lộ, những trục đường chính, đường nhánh, nhất là những khu vực gần các hồ đập, sông suối, hoạt động san đồi, bạt núi, san lấp mặt bằng trái phép đang diễn ra một cách rầm rộ, ngang nhiên trong sự yếu kém, có phần buông lỏng quản lý, thậm chí có dấu hiệu tiếp tay cho sai phạm.  

Kỳ 1: Đắk Nông tràn lan san đồi, bạt núi trái phép

Kỳ 1: Đắk Nông tràn lan san đồi, bạt núi trái phép - Ảnh 2.

Con đường thảm nhựa trái phép vào khu đất đồi bị san ủi tráp phép tại thôn 6, xã Trúc Sơn, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông

Tại xã Trúc Sơn, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông thời điểm này rất nhiều quả đồi, ngọn núi đã và đang bị san ủi trái phép. Ngay bên cạnh hội trường thôn 6 của xã, một con đường thảm nhựa dài hơn 300m được mở trái phép từ Quốc lộ 14 vào một quả đồi đã bị san ủi và phân lô, tách thửa. Tại đây, nhiều hạng mục đang được thi công chuẩn bị hình thành một khu đất kiểu “nghỉ dưỡng” phục vụ cho giới săn view. 

Ông Trần Đình Nam, Chủ tịch UBND xã Trúc Sơn cho biết, khu đất đồi này hiện trạng là đất nông nghiệp. Mặc dù UBND xã và UBND huyện đều đã lập biên bản, xử phạt hành chính về hành vi huỷ hoại đất và chủ đất cũng đã cam kết dừng thi công, khắc phục hậu quả, nhưng sau đó ông này vẫn ngang nhiên tái diễn vi phạm và rao bán là không chấp nhận được.

“Họ làm việc mà mình cũng không tưởng tượng được. Khi họ san gạt dưới 500m2 thì xã đã xử lý, sau đó họ san gạt hơn cũng đã đề nghị huyện, huyện đã xử lý 20 triệu rồi. Về việc họ cứ nói một đằng, làm một nẻo này cũng rất khó cho địa phương. Họ cứ làm mà trong lúc mình đang nhiều việc, không phải suốt ngày chú trọng vào chỗ đấy. Hiện nay huyện đã tạm dừng giao dịch thửa đất đấy”, ông Nam thông tin.

Kỳ 1: Đắk Nông tràn lan san đồi, bạt núi trái phép - Ảnh 3.

Một khu đất kiểu "nghỉ dưỡng" phục vụ giới săn view đã hình thành tại xã Trúc Sơn sau khi một quả đồi bị san ủi trái phép

Cũng theo ông Trần Đình Nam, hoạt động san đồi, bạt núi trên địa bàn xã Trúc Sơn diễn ra phức tạp từ cuối năm ngoái đến nay, khi thị trường bất động sản trên địa bàn trở nên “sốt” lạ thường. Những ngọn đồi, quả núi ở xã vốn chủ yếu là đá sỏi, rất khó canh tác, chỉ vài chục triệu một sào thì bỗng được thổi giá lên nhiều lần, thậm chí hàng chục lần, nhiều người đổ xô đi mua. Sau đó, chúng bị san ủi với lý do cải tạo đất để canh tác. Nhưng nhiều nơi có dấu hiệu phân lô, tách thửa để buôn bán, sang nhượng không phải với mục đích canh tác.

Dọc theo Quốc lộ 14 từ huyện Cư Jút qua huyện Đắk Mil, huyện Đắk Song, đến thành phố Gia Nghĩa và huyện Đắk R’Lấp của tỉnh Đắk Nông trên quãng đường dài hơn 100km, hoạt động san đồi, bạt núi diễn ra tràn lan. Nhiều quả đồi thậm chí đã bị san phẳng, nhiều ngọn núi đang bị san ủi nham nhở. Là điểm nóng về san lấp trái phép của huyện Đắk Song, ông Phạm Quang Nam, Phó chủ tịch UBND xã Nậm N’Jang cho biết, hoạt động này diễn ra cả trên đất nông nghiệp và đất rừng. Một số đối tượng bất chấp, cố tình vi phạm khi giá bất động sản “view đồi” ở địa bàn tăng quá cao.

Kỳ 1: Đắk Nông tràn lan san đồi, bạt núi trái phép - Ảnh 4.

Hàng loạt quả đồi dọc theo Quốc lộ 14 của tỉnh Đắk Nông đang bị băm vằm, phục vụ cho hoạt động buôn bán bất động sản

Ông Nam nói: “Vi phạm trong việc san lấp, đổ đất trên diện tích đất rừng cũng có mà đất nông nghiệp cũng có, để tiến hành kinh doanh, buôn bán, sang nhượng, chuyển nhượng đất trái phép thì cũng có. Xã đang phối hợp với các ban ngành của huyện, các cơ quan chuyên môn, trong đó có phòng tài nguyên, phòng kinh tế hạ tầng, công an huyện, hạt kiểm lâm, tiến hành các đề án, phương án kiểm tra, xử lý các vi phạm.”

Sự bất chấp, ngang nhiên và quy mô thể hiện rõ nhất ngay tại thành phố Gia Nghĩa, trung tâm tỉnh Đắk Nông. Tại khu vực thác Cá Sấu nằm giữa phường Nghĩa Tân và Nghĩa Trung, suốt nhiều tháng qua có một số đối tượng ngang nhiên san đồi, phá núi, kè đá nắn suối, chiếm dòng thác để mở khu du lịch ‘chui’. Hàng nghìn mét khối đất đá đã bị san ủi từ phần dương, đổ xuống phần âm để tạo mặt bằng và làm đường đi lối lại. 

Kỳ 1: Đắk Nông tràn lan san đồi, bạt núi trái phép - Ảnh 5.

Sau khi san lấp thành công, đất đồi sẽ được phù phép thành đất vàng

Dọc suối Đắk Nông các đối tượng cũng đã làm kè bê tông, kè rọ đá trái phép phục vụ cho khu du lịch chui này. Đáng chú ý, ngay sau khi đi thực địa, nhóm phóng viên đặt câu hỏi với lãnh đạo địa phương thì chiều cùng ngày, một người đàn ông xưng tên Trọng tự nhận đang đầu tư tại khu vực này gọi điện thoại dùng những lời lẽ tục tĩu, thóa mạ phóng viên và đe dọa ‘xin cánh tay”. Đối tượng này cho rằng nhóm phóng viên tác nghiệp làm ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng trái phép tại đây.

Hoạt động san đồi, bạt núi một cách rầm rộ, kéo dài, nhiều đối tượng bất chấp, ngang nhiên, thậm chí xem thường pháp luật, đe doạ phóng viên cho thấy, việc xử lý sai phạm tại địa phương đang có vấn đề. Trong khi đó, những khu vực là điểm nóng về san lấp trái phép thường là những khu vực có giá bất động sản khá cao, khoảng vài ba trăm triệu/sào với hiện trạng là đồi núi. Khi san lấp mặt bằng thành công, đất đồi đã được phù phép thành đất vàng, giá trị khu đất lại được đẩy lên nhiều lần, có thể đến trên dưới 1 tỷ đồng/sào, thậm chí vài tỷ đồng/sào và nhiều đối tượng thu lợi rất lớn từ hoạt động phi pháp này.

Có thể thấy, thực trạng san đồi, bạt núi trái phép tại tỉnh Đắk Nông diễn ra một cách rầm rộ, phá vỡ quy hoạch, cảnh quan cũng như phá vỡ kết cấu tự nhiên của địa hình, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đồi núi, nguy cơ tắc nghẽn, thay đổi dòng chảy tự nhiên của các kênh, rạch, suối. 

Sự ngang nhiên, bất chấp của nhiều đối tượng vi phạm cho thấy cùng với sự yếu kém, buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền địa phương cũng còn có những lổ hổng về luật pháp, chế tài xử lý vi phạm và công tác điều hành, quản lý cán bộ ở địa phương. Vấn đề này, chung tôi sẽ đề cập trong kỳ sau với nhan đề “Đắk Nông làm gì để ngăn chặn phù phép đất đồi thành đất vàng”.


Ý kiến của bạn