Phụ huynh cần tỉnh táo trước những chiêu lừa đảo qua điện thoại
(VOVTV) - Những ngày qua, tại TP.HCM rộ lên nhiều trường hợp bị các đối tượng xấu mạo danh, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Với kịch bản "con bị tai nạn, đang cấp cứu tại bệnh viện", bọn chúng yêu cầu người nhà phải chuyển tiền gấp thì mới có thể tiến hành phẫu thuật.
- Phụ huynh ở TP.HCM bị lừa vì kịch bản con đang cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy
- Phụ huynh được gọi điện 'con bị tai nạn' kể lại thủ đoạn tinh vi ít ai ngờ của kẻ lừa đảo
Nhiều phụ huynh vì quá lo lắng đã mất cảnh giác, bị sập bẫy lừa của những kẻ bất lương. Nhiều câu hỏi được đặt ra, như: Vì sao các đối tượng nắm được khá tường tận thông tin của phụ huynh, học sinh? Và cần phải làm gì khi tiếp nhận cuộc gọi có nội dung tương tự?
Đánh cắp thông tin từ nhiều nguồn
Theo ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc Công ty bảo mật Nam Trường Sơn, hiện nay việc có được danh sách phụ huynh không khó, bởi một phần việc bảo mật ở các trường học không được nghiêm ngặt, các đối tượng xấu có nhiều cách để lấy thông tin từ các nguồn khác nhau.
Cụ thể là danh sách học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa của trường, hay danh sách học viên tại các trung tâm ngoại ngữ… đều có số điện thoại của cha mẹ. Hoặc chúng giả mạo là nhân viên cơ sở giáo dục, hay trung tâm Anh ngữ... gọi điện thoại mời trải nghiệm học miễn phí, khi đó nhiều phụ huynh dễ dàng cung cấp số điện thoại cá nhân và thông tin của con em mình.
Ông Vũ phân tích: “Danh sách mà những kẻ xấu đang thực hiện lừa đảo thì liên quan đến danh sách của các trường nhiều hơn. Nhưng không phải nhà trường làm rò rỉ thông tin đó mà có thể là thông qua các hoạt động ngoại khoá, các nhóm zalo, group… Khi mà tin tặc đã nhắm tới việc thu thập thông tin thì chúng sẽ tìm cách và sẽ làm được”.
Cùng quan điểm cho rằng, bọn tội phạm có được danh sách, số điện thoại từ nhiều nguồn khác nhau chứ không chỉ từ trường học, cô Lê Thị Thanh Giang, Hiệu trưởng trường THCS Trần Văn Ơn (Quận 1) cho biết, một phụ huynh của trường nhận được cuộc gọi báo tin con mình đang cấp cứu ở Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức).
Tuy nhiên, đối tượng này lại không nói học sinh đang học trường nào và liên lạc theo số điện thoại mà phụ huynh dùng để đăng ký hộ khẩu ở Quận 2 cũ, trong khi gia đình đã chuyển đến nơi ở mới từ rất lâu. Đồng thời, phụ huynh này cũng không đăng ký tin nhắn điện tử của trường mà chỉ trao đổi qua nhóm lớp bằng một số điện thoại khác. Bọn tội phạm lợi dụng tâm lý hốt hoảng của nạn nhân, liên tục gọi điện thoại khiến phụ huynh lo lắng, chuyển 100 triệu vào tài khoản của người lạ mà chưa kịp xác nhận thông tin với nhà trường hay giáo viên chủ nhiệm.
Hiện nay, nhà trường đã phổ biến đến tất cả các nhóm lớp, hội phụ huynh và từng cha mẹ học sinh để cảnh báo nạn lừa đảo, cũng như cách thức liên lạc để xác minh khi có sự cố, tránh bị kẻ gian lợi dụng.
Cô Lê Thị Thanh Giang cho biết: “Nhà trường thực hiện ý kiến của Sở Giáo dục và Đào thông báo đến phụ huynh tuyệt đối không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân, có gì cần thì liên hệ giáo viên chủ nhiệm, hoặc số điện thoại của nhà trường đã được công bố. Chúng tôi cũng rà soát, nhìn nhận lại công tác quản lý và tuyên truyền đến giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và chi hội của các lớp”.
Phụ huynh cần tỉnh táo
Chị Thu Hằng, có con đang học tại một trường tiểu học ở Quận Bình Thạnh cho biết, những ngày gần đây, giáo viên chủ nhiệm liên tục nhắc nhở trong nhóm phụ huynh của lớp về việc không chuyển tiền cho người lạ, phải liên lạc theo số điện thoại của trường để xác minh lại thông tin. Theo chị Hằng, phụ huynh cần bình tĩnh, thực hiện đúng quy trình đã được hướng dẫn.
“Có thể do nhiều người thiếu tỉnh táo nên mới bị lừa gạt. Khi nhận được những cuộc gọi báo tin dữ như vậy thì mình cần phải xác minh, thường thì con đi học có bảo mẫu, giáo viên chủ nhiệm. Các thầy có sẽ có trách nhiệm thông báo tình hình của con mình, nếu có người khác mạo nhận thì phải xác minh lại”, chị Hằng nói.
Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng công tác xã Hội, Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin, sau khi xảy ra nhiều trường hợp phụ huynh đến bệnh viện để tìm con từ những cuộc gọi lừa đảo, bệnh viện đã báo ngay cho cơ quan chức năng để công bố rộng rãi đến mọi người dân, cảnh giác chiêu thức lừa đảo của kẻ xấu. Hiện nay, tại Bệnh viện Chợ Rẫy cũng như nhiều cơ sở y tế khác, quy trình cấp cứu đối với các ca nhập viện trong tình trạng nguy cấp là bác sĩ trưởng khoa sẽ ra y lệnh cần thiết, như chụp CT, mổ cấp cứu..., quan trọng nhất là tranh thủ thời gian "vàng" để cứu sống bệnh nhân, chứ không chờ đợi người nhà. Do vậy, ông Lê Minh Hiển khuyến cáo người dân cần cảnh giác, xác minh xem con mình có đúng là đang cấp cứu tại bệnh viện hay không, trước khi có phương án tiếp theo.
“Ở đây chúng tôi không đợi phụ huynh hay thân nhân vào để đóng tiền, như vậy sẽ mất đi thời gian "vàng". Từ những sự việc này, chúng tôi muốn nhắn nhủ các bậc phụ huynh hãy yên tâm, vì bệnh viện luôn ưu tiên cứu bệnh nhân trước hết”, ông Lê Minh Hiển cho hay.
Đa số các trường hợp nhận được cuộc gọi lừa đảo vào đúng giờ lên lớp, khiến phụ huynh khó liên lạc được với giáo viên. Hiện nay, Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM và các trường đã cảnh báo tình trạng trên, kèm theo số điện thoại đường dây nóng để kiểm chứng thông tin.
Liên quan đến vụ việc này, Công an TP.HCM cho biết, bước đầu lực lượng chức năng đã nắm thông tin về hành vi lừa đảo xảy ra với phụ huynh học sinh thông qua hình thức gọi điện thoại và đang khẩn trương điều tra làm rõ. Công an TP.HCM đề nghị người dân khi bị lừa đảo hoặc phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn, cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất, hoặc liên hệ Trực ban Công an Thành phố (qua số điện thoại 069.3187.344), Trực ban Phòng Cảnh sát hình sự (qua số điện thoại 069.3187.200) để cung cấp thông tin, giúp cơ quan công an nhanh chóng điều tra, xử lý.
Tin nổi bật
Tin Video