Phong vị Tết Huế
(VOVTV) - Phong tục đón Tết cổ truyền là một nét đẹp lưu truyền từ xa xưa trong mỗi gia đình người Việt nói chung và các gia đình người Huế nói riêng. Sống tại kinh đô xưa, người Huế có nhiều phong tục truyền thống tốt đẹp trong ngày Tết được các thế hệ gìn giữ, bảo tồn.
Tết đến, gia đình nào ở Huế cũng lo quét dọn sạch sẽ từ trong nhà ra ngoài ngõ, đặc biệt nơi thờ cúng tổ tiên được dọn dẹp chu đáo.
Tiến sĩ Thái Kim Lan ở phường Hương Long, thành phố Huế cho biết, đến bây giờ, người dân xứ Huế vẫn giữ được nét đặc trưng trong gia đình ngày Tết. Tết là dịp người phụ nữ trong gia đình Huế trổ tài nữ công gia chánh. Mâm cỗ Tết dâng lên bàn thờ gia tiên của người Huế được chuẩn bị rất kỹ, gồm mâm hoa quả, mâm bánh ngọt, mâm bánh mặn và mâm thức ăn.
Theo Tiến sĩ Thái Kim Lan, truyền thống tốt đẹp trong ngày Tết được người Huế duy trì, gìn giữ từ bao đời nay nên hàng năm, dù có đi làm ăn xa thì đến ngày Tết ai cũng tìm về đoàn tụ với gia đình.
Xuất thân từ một gia đình Hoàng tộc, gia đình ông Tôn Thất Tùng ở phường Vĩ Dạ, thành phố Huế luôn giữ truyền thống xưa để con cháu noi theo. Ông Tùng cho biết, ngày Tết, việc thờ cúng ông bà, tổ tiên luôn được gia đình ông đặc biệt coi trọng từ việc chuẩn bị bàn thờ chu đáo, thể hiện lòng biết ơn, sự tôn kính của gia đình đối với ông bà, tổ tiên… Những đồ cúng trong ngày Tết là sản phẩm của các làng nghề truyền thống ở Huế như: mứt gừng Kim Long, bánh chưng Nhật Lệ, bánh tét làng Chuồn...
Với ông, việc cúng ông bà trong ngày Tết ở Huế có một ý nghĩa thiêng liêng, giáo dục con cháu lòng biết ơn tổ tiên và các bậc sinh thành.
Người Huế rất coi trọng việc thờ cúng trong 3 ngày Tết. Trước Tết là “Cúng ông Táo” vào 23 tháng Chạp. Từ ngày 25 tháng Chạp trở đi, cũng là lúc người Huế bắt đầu lễ “Cúng tổ nghề”. Mỗi phường nghề có một ngày cúng tổ riêng. Sau lễ cúng này, đa phần các nghề tạm ngưng hoạt động để đón Tết.
Trước Tết, các gia đình người Huế tổ chức cho con cháu đi thăm các phần mộ ông bà, thắp hương mời ông bà, tổ tiên cùng về ăn Tết. “Lễ cúng cỗ lên nêu” rước ông bà về ăn Tết của các gia đình thường diễn ra vào ngày 30 Tết.
Sau lễ cúng, các thành viên trong gia đình tụ họp bên mâm cơm ngày cuối năm. Tất cả mọi chuyện không vui, không hay trong năm cũ đều được bỏ qua. Vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người Huế lại có “Lễ cúng Giao thừa”. Lễ cúng diễn ra vào thời khắc chuyển sang năm mới, để cầu xin trời đất phù hộ cho con cháu trong gia tộc một năm mới may mắn.
Từ mùng Một Tết trở đi, mỗi ngày đều phải có mâm cơm cúng ông bà, sau là để các thành viên trong gia đình quây quần, đầm ấm. Kết thúc 3 ngày Tết, nhà nào cũng làm mâm cỗ “cúng đưa”, tiễn ông bà về chốn cũ.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho biết, các gia đình không chỉ vui Tết trong gia đình mình mà còn đến nhà thờ của dòng họ để thắp hương, quây quần với con cháu. Với người Huế, mồng 1 họ đi Tết cha, mồng 2 Tết mẹ, mồng 3 Tết thầy.
“Ngày 30 Tết là ngày rước ông bà, nhà nào cũng làm một mâm cơm để cúng rước ông bà. Từ ngày rước ông bà cho đến ngày đưa ông bà, bàn thờ của người Huế luôn luôn được hương chong đèn lạng và người ta giả định như bàn thờ mình đang có tổ tiên, ông bà người thân đang về cùng con cháu để đón Tết. Vì vậy suốt trong những ngày Tết đến bữa ăn bao giờ cũng đặt thức ăn lên trên bàn thờ,” nhà nghiên cứu giải thích.
Người Huế thường ít khi ra khỏi nhà trước và sau khi giao thừa để tránh lệ “đạp đất”. Theo quan niệm, nếu người đến “đạp đất” đầu tiên vào sáng mồng Một Tết là những người nhẹ vía, thì năm đó tài lộc, may mắn sẽ theo đến với gia đình suốt cả năm. Ngày nay, đa phần trong giới trẻ ở Huế thường ra khỏi nhà vào đêm 30 Tết để tham gia các hoạt động vui chơi, chào đón năm mới.
Ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cho biết: Tết ngày nay của người dân Huế cũng thừa hưởng phần nào từ những cái Tết trong Hoàng cung xưa.“Tết người Huế có truyền thống phải thờ cúng gia tiên cho tốt, phải thăm bà con và sau đó là thăm những người lớn tuổi, những thầy cô của mình... Bởi vì một năm quần quật vất vả lao động thì ngày Tết là có được khoảng thời gian người ta sống chậm lại và lắng lại làm những việc mà cả năm không làm được,” ông Trung kể.
Ngày Tết, mọi gia đình ở Huế đều hướng về tổ tiên, ông bà, tri ân công lao của các bậc tiền nhân. Phong tục truyền thống tốt đẹp ấy luôn được các thế hệ gìn giữ, tạo nên bản sắc văn hóa riêng của người Huế và của dân tộc Việt Nam./.
Tin nổi bật
Tin Video