Phong tỏa Thượng Hải và những tác động nhìn từ Trung Quốc và Nhật Bản
(VOVTV) - Lệnh phong tỏa tại Thượng Hải và nhiều thành phố khác tại Trung Quốc đang tạo ra những thách thức nghiêm trọng đối với hoạt động vận tải, logistics nội địa, làm trầm trọng thêm những tác động tiêu cực về tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh Bắc Kinh kiên định chính sách “không Covid” (zero-Covid). Do Thượng Hải đóng một vai trò lớn trong nền kinh tế toàn cầu nên nhiều cảnh báo được đưa ra về tác động của đợt phong tỏa lần này đến các hoạt động thương mại và kinh tế toàn cầu.
Thượng Hải được biết đến là một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng nhất của Trung Quốc. Với tư cách là một trung tâm kinh tế, việc Thượng Hải đóng cửa có ảnh hưởng rất lớn đến Trung Quốc, cũng như chuỗi công nghiệp, chuỗi cung ứng toàn cầu. Năm 2021, sản lượng container của cảng Thượng Hải sẽ vượt 47 triệu TEU, đứng đầu thế giới trong 12 năm liên tiếp. Cùng năm, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp thuộc các tỉnh và thành phố ở đồng bằng sông Dương Tử qua các cảng Thượng Hải là 8,18 nghìn tỷ nhân dân tệ (NDT), chiếm 81,1% tổng giá trị xuất nhập khẩu của cảng. Việc Thượng Hải thực hiện “quản lý tĩnh toàn khu vực” hồi đầu tháng, không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho thành phố lên đến gần 10 tỷ NDT mỗi ngày, mà còn làm suy giảm niềm tin của các bên đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Theo thông tin do lãnh đạo chính quyền Thượng Hải vừa công bố sáng 22/4, trong tuần qua, 70% trong số 666 doanh nghiệp trọng điểm trong “danh sách trắng” đã hoạt động trở lại, dựa trên một văn bản hướng dẫn do Ủy ban Kinh tế và Công nghệ Thông tin thành phố công bố tối 16/4. Tuy nhiên, việc này có thể bị dừng bất cứ lúc nào nếu dịch tái bùng phát, điều này được thể hiện qua văn bản hướng dẫn không phải do chính quyền Thượng Hải ban hành, mà là một đơn vị cấp thấp hơn công bố và không tuyên truyền rầm rộ. Lãnh đạo thành phố vẫn phải để lại một đường lùi và mối đe dọa gián đoạn nguồn cung vẫn hiện hữu.
Tác động tại Trung Quốc
Có thể nói, Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với tình hình dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu năm 2020. Hiếm khi nào Covid-19 lại tác động mạnh đến lưu thông hàng hóa ở Trung Quốc như đợt bùng phát lần này tại Thượng Hải. Thương mại điện tử ở Trung Quốc cực kỳ phát triển, năng lực vận chuyển rất nhanh, nhưng đợt dịch này đã tác động nghiêm trọng đến ngành này. Thời gian qua, rất nhiều mặt hàng mua online bị giao chậm, thậm chí phải hủy đơn. Cảnh tượng những chiếc xe chở hàng xếp hàng dài trên đường cao tốc 9-10 ngày, những lái xe bật khóc khi được tiếp tế đồ ăn sau nhiều ngày phải ăn uống tạm bợ thường xuyên xuất hiện trên mạng xã hội và cả truyền thông.
Ngay cả khi Vũ Hán phong tỏa trong đợt bùng phát đầu tiên hồi năm 2020 mọi chuyện dường như cũng chưa nghiêm trọng đến vậy. Từ đầu năm đến nay, dịch đã lặp đi lặp lại hết nơi này đến nơi khác, khiến chính sách phòng chống dịch ở nhiều nơi thắt chặt đáng kể. Một trong những tác động mặt trái là toàn bộ chuỗi vận chuyển hàng hóa đường bộ bị hạn chế, trong khi vận tải hàng hóa đường bộ chiếm tới hơn 70% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa của Trung Quốc.
Hàn Thái Lượng, một tài xế chở hàng thường xuyên lui tới khu vực đồng bằng sông Dương Tử cho biết, theo quy định, chỉ những xe tải có “giấy thông hành” mới được chạy trên đường cao tốc Thượng Hải. Trong khi đó, một khi đã đi qua Thượng Hải, mã hành trình sẽ có sao – tức từng ở nơi có dịch, thì về cơ bản lái xe sẽ không thể đi vào đường cao tốc ở những nơi khác.
Hà Tiểu Bằng, Chủ tịch công ty Xiaopeng Motors, từng đăng dòng trạng thái trên tài khoản WeChat thốt lên rằng, nếu các công ty chuỗi cung ứng ở Thượng Hải và các địa phương lân cận không thể tìm ra cách để khôi phục sản xuất, tất cả các xưởng lắp ráp ô tô ở Trung Quốc có thể phải ngừng sản xuất vào tháng 5. Dư Thừa Đông, Chủ tịch điều hành của Huawei, cũng cho rằng: “Nếu Thượng Hải không thể khôi phục sản xuất, tất cả các ngành công nghệ và công nghiệp liên quan đến chuỗi cung ứng của Thượng Hải sẽ đóng cửa hoàn toàn sau tháng 5, đặc biệt là ngành ô tô.”
Chỉ số PMI sản xuất tháng 3, chỉ báo kinh tế quan trọng giúp đo lường hoạt động kinh tế của ngành sản xuất do Caixin Trung Quốc công bố, chỉ đạt 48,1, tức dưới ngưỡng 50 điểm, cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc đang suy giảm.
Theo các nhà phân tích, các lĩnh vực dịch vụ tiếp xúc nhiều như vận tải, khách sạn và ăn uống bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Chỉ số hoạt động kinh doanh dịch vụ chung do Caixin Trung Quốc (PMI dịch vụ) công bố giảm mạnh xuống 42 điểm vào tháng 3 từ mức 50,2 điểm trong tháng 2. Đây là mức suy giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát lần đầu ở Trung Quốc.
Chỉ số đơn đặt hàng mới của ngành dịch vụ cũng tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020. Theo phản ánh của các doanh nghiệp tham gia khảo sát, sự bùng phát trở lại của Covid-19 và việc thắt chặt các biện pháp phòng chống dịch là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này. Dịch bệnh ở nước ngoài cũng khiến nhu cầu bên ngoài giảm và chỉ số đơn đặt hàng xuất khẩu mới trong tháng 3 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020.
Sự thu hẹp của cả hai ngành sản xuất và dịch vụ, đã kéo chỉ số PMI tổng hợp của Caixin Trung Quốc giảm xuống 43,9 điểm trong tháng 3 từ mức 50,1 điểm của tháng trước, thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Điều này cho thấy đợt dịch mới do Omicron ở Trung Quốc đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp tục thu hẹp.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế quý I của nước này tốt hơn dự kiến, nhưng dữ liệu tháng 3 cho thấy nguy cơ suy giảm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang gia tăng. Các nhà quan sát Trung Quốc ước tính tình hình dịch bệnh ở Thượng Hải có thể khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tiếp tục xấu đi trong tháng 4 và tháng 5.
Trong khi đó, theo tính toán của các giáo sư Đại học Trung Văn Hong Kong, Đại học Thanh Hoa, Đại học Chiết Giang, Đại học Princeton và Đại học Kinh tế Thương mại Đối ngoại Trung Quốc, việc phong tỏa kéo dài ở Thượng Hải có thể làm giảm GDP hàng tháng của Trung Quốc từ 2,5 đến 3%.
Tác động từ Nhật Bản
Nhật Bản là quốc gia có nhiều công ty đặt tại Trung Quốc và nhập khẩu nhiều nguyên liệu, linh kiện, hàng hóa được vận chuyển thông qua cảng tại Thượng Hải. Trong hơn 2 năm qua có nhiều công ty của Nhật Bản đã phải tạm dừng hoạt động và mới chỉ bắt đầu hoạt động trở lại bình thường thời gian gần đây. Do đó, tuy Thượng Hải không phải là nơi tập trung đông nhất các nhà máy sản xuất, nhưng lại tập trung các hệ thống bán lẻ, dịch vụ, tài chính hàng đầu của Nhật Bản, nên ảnh hưởng của việc phong tỏa thành phố không hề nhỏ.
Chỉ trong thời gian đầu Thượng Hải phong tỏa, hơn 50 cửa hàng của thương hiệu bán lẻ Muji phải ngừng hoạt động. 8 cửa hàng quần áo của Uniqlo và GU đóng cửa. Gần 90% cửa hàng tiện lợi của Lawson đóng cửa tạm thời.
Trong số các nhà sản xuất, các công ty như Sony, Mitsubishi, và Sharp đã tạm ngừng hoạt động các nhà máy có trong thành phố. Không chỉ ở Thượng Hải, do chuỗi cung ứng không đủ đáp ứng, các công ty Mazda, Mitsubishi cũng đã phải tạm đóng cửa hàng tuần trong tháng 4 này.
Về giao thông, các một số chuyến bay chở hàng trên tuyến Thượng Hải - Nhật Bản và ngược lại đã bị hủy do khó đảm bảo thợ máy hoặc nhân viên có thể bốc dỡ máy bay. Mặt khác, Nhật Bản thường vận chuyển chất bán dẫn đến Thượng Hải, nên hoạt động ở đây bị đình trệ, đồng nghĩa với việc hàng loạt hoạt động của các công ty Nhật Bản trên toàn Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Những nỗ lực của Trung Quốc và sự lo ngại của cộng đồng quốc tế
Rõ ràng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang đứng trước thách thức giữa ổn định kinh tế và “không Covid”. Nhưng phải khẳng định rằng, Trung Quốc chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy sẽ điều chỉnh các chính sách chống dịch. Chủ tịch nước này Tập Cận Bình đã tái khẳng định không nới lỏng các biện pháp kiểm soát Covid-19 khi đang thăm đảo Hải Nam ngày 13/4. Ông yêu cầu phải duy trì chính sách nghiêm ngặt hiện nay, nhưng cũng nhấn mạnh cần nỗ lực giảm thiểu tác động đối với kinh tế xã hội.
Do vậy, ngay khi phát hiện ra các vấn đề về chuỗi cung ứng, đặc biệt trong vấn đề lưu thông hàng hóa sau khi dịch bùng phát nghiêm trọng ở Thượng Hải, chính phủ nước này đã phải liên tục ra các thông báo, chỉ thị, biện pháp về việc đảm bảo công tác vận chuyển hàng hóa và giao thông đường bộ.
Ngày 11/4, tại cuộc họp với lãnh đạo một số địa phương, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc đẩy nhanh tiến độ triển khai các biện pháp hỗ trợ, từ cắt giảm thuế, phát hành trái phiếu đặc biệt đến đảm bảo nguồn cung năng lượng, nhằm ổn định tăng trưởng kinh tế trước những áp lực của làn sóng bùng phát Covid-19 và bất ổn toàn cầu.
Ông yêu cầu phải khắc phục tình trạng hậu cần, giao thông vận tải trong nước và quốc tế kém hiệu quả gây tác động xấu đến sự lưu thông của nền kinh tế - một vấn đề nổi cộm sau khi Thượng Hải bị phong tỏa do Covid-19 bùng phát mạnh, nhằm duy trì ổn định chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng. Hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp trọng điểm và các khâu then chốt bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh.
Ngày 15 và 18/4, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã tham dự 2 cuộc họp về đảm bảo hậu cần và thúc đẩy sự ổn định của chuỗi công nghiệp chuỗi cung ứng, trong đó tại hội nghị gần nhất tổ chức tại Bắc Kinh ông đã công bố 10 biện pháp quan trọng, nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Đáng chú ý, chính phủ nước này đã cho lập một “danh sách trắng” gồm các doanh nghiệp chủ chốt trong các lĩnh vực trọng điểm như ô tô, bán dẫn, điện tử tiêu dùng, chế tạo máy, vật tư nông nghiệp, thực phẩm, dược phẩm, cho phép các công ty hoạt động trong các lĩnh vực được coi là quan trọng về mặt chiến lược đối với kinh tế xã hội có thể tiếp tục sản xuất và hoạt động.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng đã ra thông báo sẽ cắt giảm lượng tiền mặt mà các ngân hàng phải dự trữ lần đầu tiên trong năm nay từ ngày 25/4, giải phóng khoảng 530 tỷ nhân dân tệ (83,25 tỷ USD) thanh khoản dài hạn để ngăn đà giảm của nền kinh tế, đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, tăng chi tiêu tài khóa và thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng.
Mới đây nhất, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Cục Quản lý Ngoại hối Quốc gia cũng đã ban hành “Thông báo về việc làm tốt các dịch vụ tài chính để phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế xã hội”, đề xuất 23 biện pháp chính sách nhằm tăng cường các dịch vụ tài chính và gia tăng hỗ trợ cho nền kinh tế thực thể, như mở rộng cung cấp các khoản vay, thúc đẩy các nguồn lực tài chính hỗ trợ doanh nghiệp, ngành nghề và vùng miền bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, linh hoạt thời gian trả nợ, gia hạn thời hạn cho vay và hoãn trả nợ gốc cho những đối tượng khó khăn.
Tuy nhiên, mặc cho Trung Quốc tập trung vực dậy nền kinh tế bị đình trệ, những tác động từ đợt dịch mới và các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt vẫn chưa thể xua tan lo ngại của các tổ chức quốc tế về nền kinh tế Trung Quốc. Sau khi dữ liệu kinh tế quý I được công bố, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các ngân hàng như UBS, Barclays và Standard Chartered đã hạ dự báo GDP cả năm của Trung Quốc.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới công bố ngày 19/4, IMF cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể sẽ phải hứng chịu những tác động tiêu cực lớn hơn trong vài tuần tới khi Bắc Kinh đang phải đẩy căng nỗ lực ngăn chặn lây lan của Covid-19. Tổ chức này đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2022 còn 4,4%, giảm so với mức 4,8% được đưa ra tại kỳ báo cáo tháng 1.
Đà suy thoái kéo dài có thể làm phát lộ những điểm yếu mang tính cấu trúc tại Trung Quốc, như tình trạng nợ chính quyền địa phương tăng cao, đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp bất động sản, nợ hộ gia đình cũng như hệ thống ngân hàng chưa thực sự vững chắc – IMF nhận định.
Theo IMF, xu hướng trên kết hợp với sự xuất hiện của các biến thể có khả năng lây nhiễm cao cùng chính sách zero-Covid (Không Covid) có thể sẽ tiếp tục cản trở hoạt động kinh tế, làm tăng tính bất chắc. Đứt gãy lớn hơn có thể ảnh hưởng tới các hoạt động thương mại cốt lõi, trong đó có việc phong tỏa các cảng biển.
Báo cáo của UBS của Thụy Sĩ cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay từ 5% xuống 4,2%. Ngân hàng Barclays của Anh cũng hạ từ 4,5% xuống 4,3%; Ngân hàng Standard Chartered hạ từ 5,3% xuống 5%. Cơ sở để đưa ra những điều chỉnh này của các ngân hàng là giống nhau: lo ngại về thiệt hại đối với nền kinh tế Trung Quốc do dịch bệnh và các biện pháp phong tỏa gây ra.
Tin nổi bật
Tin Video