Tin tức

Phóng sự điều tra - Kỳ 2: Lật tẩy những chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội

(VOVTV) - Các đối tượng lừa đảo trên mạng xã hội với chiêu trò tuyển mẫu ảnh thời trang, mẫu ảnh nhí trong thời gian qua đã làm thế nào để đưa nạn nhân vào tròng?

Tác giả PV / VOVTV
15/12/2022 16:25

Theo thông tin mà phóng viên Truyền hình Đài Tiếng nói Việt Nam tiếp nhận được, số tiền những nạn nhân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt lên đến nhiều tỉ đồng. Điều hết sức khó tin, tưởng chừng như phi lý là chỉ trong 3-4 tiếng đồng hồ, các đối tượng có thể khiến cho những con mồi sập bẫy, chuyển khoản hàng tỉ đồng. Các đối tượng lừa đảo trên mạng xã hội với chiêu trò tuyển mẫu ảnh thời trang, mẫu ảnh nhí trong thời gian qua đã làm thế nào để đưa nạn nhân vào tròng. Thâm nhập vào một trong những đường dây lừa đảo theo phương thức trên, chúng tôi tìm được lời giải cho câu hỏi này.

Số tiền những nạn nhân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt lên đến nhiều tỉ đồng. Điều hết sức khó tin, tưởng chừng như phi lý là chỉ trong 3-4 tiếng đồng hồ, các đối tượng có thể khiến cho những con mồi sập bẫy, chuyển khoản hàng tỉ đồng.

Sử dụng mạng internet, các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo và telegram; sử dụng các nick ảo, tài khoản ngân hàng thật giả lẫn lộn, số điện thoại "ma", ẩn danh và núp bóng dưới những nhãn hiệu nổi tiếng, uy tín để làm "mồi câu"… là những công cụ và thủ đoạn mà các nhóm đối tượng tiếp cận các nạn nhân.

Chỉ cần gõ các từ khóa tìm kiếm như "người mẫu ảnh", "tuyển mẫu ảnh bé", "mẫu ảnh nhí"… Hàng loạt các trang fanpage mới hoạt động tháng 9 đến nay nhanh chóng tiếp cận và đưa ra những lời chào mời hấp dẫn.

Sau những lời chào hỏi, tư vấn viên của mỗi trang sẽ nhanh chóng hướng dẫn nạn nhân đăng nhập qua zalo hoặc telegram để được hỗ trợ. Từ đây, các mê hồn trận bắt đầu được cài đặt theo một công thức định sẵn và có format bài bản, chuẩn chỉ đến từng lời giới thiệu và cách thức thực hiện.

Sau khi các nạn nhân đồng ý tham gia và gửi hồ sơ đăng ký dự tuyển người mẫu ảnh cho bản thân hoặc cho con cái, lập tức đối tượng sử dụng đồ họa làm thành những hồ sơ "chuyên nghiệp".

Được chấp nhận qua vòng sơ loại, các nạn nhân được hướng dẫn vào 1 nhóm telegram với khoảng gần 100 thành viên thực hiện các công đoạn tiếp theo, với mong muốn cho bản thân hay con cái trở thành mẫu ảnh với mức lương chào mời hấp dẫn từ 5-15 triệu/tháng cộng thêm hoa hồng từ việc quảng cáo cho các nhãn thời trang có tiếng. Game show chính thức bắt đầu….

Mỗi nạn nhân khi đăng nhập vào nhóm sẽ thấy có hàng trăm nick đăng nhập và nhiều nạn nhân lầm tưởng đó là những "phụ huynh" như mình. Nhưng đây mới là thưc tế. Người điều phối hay quản trị viên sẽ là người đưa ra các nhiệm vụ để các nạn nhân thực hiện.

Những "phụ huynh" trong nhóm telegram khi hoàn thành việc like ảnh mẫu theo yêu cầu, sẽ được chuyển thưởng 50.000 vào tài khoản cá nhân và theo hình ảnh trên nhóm thì khá nhiều "phụ huynh" đã được hưởng khoản thưởng chỉ với 1 động tác bấm like đơn giản.

Nhưng ngược lại, cũng có những phụ huynh không hoàn thành sẽ phải thực hiện nhiệm vụ bù đơn và theo như nhận định của nhóm phóng viên thì những phụ huynh phải bù đơn này sẽ chính là các nạn nhân mà nhóm lừa đảo nhắm đến. Lần thứ nhất thực hiện nhiệm vụ bù đơn không phải chỉ với thao tác bấm like ảnh sản phẩm mẫu mà nạn nhân còn phải chuyển một số tiền tương đương với sản phẩm được giới thiệu trên trang web, với mục đích mà tư vấn viên giải thích, là nhằm tăng số lượng người mua online.

Nạn nhân nhanh chóng hoàn thành đơn và nhận lại số tiền mình đã chuyển đi cộng thêm số tiền hoa hồng và tiền thưởng như đã hứa. Niềm tin lại tăng thêm một bậc.

Chuyển sang nhiệm vụ thứ 2, lúc này các nạn nhân được đưa vào nhóm chỉ có 6-8 thành viên.

Giống hình thức nhiệm vụ bù đơn, tức là mua sản phẩm theo link gửi sẵn, chuyển khoản tiền để được nhận lại chính khoản tiền đã chuyển đi cộng thêm hoa hồng 10% và 50.000 đồng cảm ơn, chỉ khác là số tiền giá trị sản phẩm tăng lên gấp 3 lần sau nhiệm vụ bù đơn thứ nhất.

Nếu còn do dự ư? Một phụ huynh trong nhóm sẽ động viên bạn ngay lập tức bằng việc chat riêng thuyết phục. Tiền vẫn được chỉ định chuyển vào những tài khoản cá nhân.

Việc làm giả hóa đơn ngân hàng được thực hiện trong tích tắc. Tiền cứ liên tục chuyển đi đến khi các nạn nhân bay hơi hết số tiền trong tài khoản, phải chờ đến ngày hôm sau để được gia hạn chuyển tiền, cho thêm thời gian để đi vay mượn người thân, bạn bè, làm cho đúng cú pháp chuyển tiền thì sẽ rút lại được số tiền bị treo trên hệ thống. Với niềm tin ấy, các nạn nhân đã tiếp tục chuyển tiền cho các đối tượng "tên không biết, mặt chưa từng quen".

Với số tiền chuyển cho các đối tượng lên đến nhiều tỷ đồng, là các khoản tích góp để hiện thực hóa đời sống cá nhân: mua nhà, mở cửa hàng kinh doanh thời trang hay đầu tư cho tương lai thì giờ đây nhiều nạn nhân đã trở về con số 0, thậm chí là âm bởi vướng vào nợ nần với số tiền "khủng". Đa phần các nạn nhân sau khi xác định mình đã bị lừa đều rơi vào trạng thái hoang mang, lo sợ, tuyệt vọng, có người còn muốn tìm đến cái chết khi bế tắc không biết mình cần phải làm gì, gặp ai để có thể giúp đỡ.

Nhiều năm làm việc trong lĩnh vực an ninh mạng, chuyên gia Nguyễn Thành Đạt cũng đưa ra quan điểm về sử dụng mạng xã hội. Theo anh, xuất phát điểm không hẳn là những đối tượng phạm tội mà lại phải xuất phát từ chính người sử dụng.

Thật giả

Giả thật

Các nạn nhân bị cuốn vào mê hồn trận

Có người tan cửa nát nhà

Có người trở thành con nợ của tín dụng đen, xã hội đen hoặc may mắn hơn thì là con nợ của người thân, bạn bè

Tinh vi và biến đổi không lường, sẽ còn nhiều chiêu trò mà các đối tượng sẽ tiếp tục tung lên không gian mạng để lừa đảo hòng chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân một cách dễ dàng, nhanh chóng, nếu mỗi người không đề cao cảnh giác và tự mình đặt hàng rào bảo vệ chính bản thân mình./.

 Kỳ 1: Lừa đảo trên mạng xã hội, ai cũng có thể là nạn nhân 

Theo dõi các chương trình đã phát sóng trên Truyền hình VOV tại đây.

Ý kiến của bạn