Tin tức

Phối hợp tháo gỡ ùn ứ hàng nông sản tại Lạng Sơn

(VOVTV) - Tính đến sáng 21/12, tổng lượng xe hàng nông sản xuất khẩu tồn tại 3 khu vực cửa khẩu: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma (tỉnh Lạng Sơn) là hơn 4.400 xe. Để giải bài toán "Bao giờ hàng thôi tắc nghẽn ở cửa khẩu", ngoài những giải pháp trước mắt, cần những giải pháp căn cơ, đồng bộ và mang tính lâu dài hơn.

Tác giả Duy Thái / VOV Đông Bắc
21/12/2021 17:27

Tại Lạng Sơn, hiện duy nhất cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đang thông quan, cửa khẩu Tân Thanh đã tạm dừng thông quan từ 18/12, cửa khẩu Chi Ma tạm dừng từ 8/12. Phía nước bạn Trung Quốc cũng thông báo 14 ngày trước và sau Tết Nguyên đán 2022 sẽ không thực hiện thủ tục thông quan hàng bảo quản lạnh.

Lượng hàng nông sản đang ùn ứ tại các cửa khẩu tại tỉnh Lạng Sơn chủ yếu là dưa hấu (tỉnh Quảng Ngãi), thanh long (tỉnh Bình Thuận), chuối xanh (tỉnh Tiền Giang), mít (tỉnh Đắk Lắk, Tiền Giang), xoài (tỉnh Bình Định)... Phải chờ đợi quá lâu, nhiều mặt hàng bị hư hỏng, xuống cấp, nhiều chủ hàng phải lựa chọn giải pháp quay đầu xe, chuyển tiêu thụ nội địa nhằm gỡ gạc phần nào chi phí.

Phối hợp tháo gỡ ùn ứ hàng nông sản tại Lạng Sơn - Ảnh 1.

Phải chờ đợi quá lâu, nhiều mặt hàng bị hư hỏng, xuống cấp, nhiều chủ hàng phải lựa chọn giải pháp quay đầu xe, chuyển tiêu thụ nội địa nhằm gỡ gạc phần nào chi phí

Một chủ hàng kinh doanh hàng trái cây xuất khẩu hơn 5 năm nay cho biết: "Tính đến thời điểm hiện tại gia đình tôi đã có gần 20 container phải quay đầu do chờ đã trên 20 ngày tại cửa khẩu nhưng vẫn chưa thể thông quan được nên buộc phải đầu để bán với giá rẻ để lấy chi phí đi lại cho tài xế, và hiện tại còn rất nhiều xe vẫn đang chờ tại Tân Thanh. Dù đã làm nghề này nhiều năm nhưng chưa bao giờ tôi thấy tình cảnh khó khăn và bi đát như hiện tại, chỉ riêng tháng này tôi chúng tôi đã thua lỗ hơn 6 tỷ đồng".

Nước bạn siết chặt các biện pháp phòng dịch, trong khi lượng phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu lên các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã vượt quá khả năng thông quan trong thời điểm hiện tại.

Phối hợp tháo gỡ ùn ứ hàng nông sản tại Lạng Sơn - Ảnh 2.

Nhìn những trái cây được dán tem truy xuất nguồn gốc, vốn dĩ thuộc hệ “xuất ngoại” nhưng giờ phải vứt bỏ chỏng chơ nơi góc đường đầy khói bụi khiến nhiều người không khỏi xót ra

Mặc dù tỉnh Lạng Sơn đã tích cực khuyến cáo, tuy nhiên chưa có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các địa phương, doanh nghiệp để điều tiết hàng hóa xuất khẩu đưa lên biên giới. Điều này đã gây áp lực rất lớn đến công tác quản lý quản lý điều hành trong việc đảm bảo ANTT, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, cũng như áp lực lên hạ tầng bến bãi…

Ông Nguyễn Hồng Cương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hữu Nghị Xuân Cương, nói: "Trước thực trạng như vậy, chúng tôi cũng đã đề xuất báo cáo tỉnh Lạng Sơn 1 số phương án để tháo gỡ như việc bàn giao phương tiện XNK của 2 bên tại Mốc số 0, từ đó thống nhất các phương án lưu thông hàng hóa thuận lợi, giảm chi phí cũng như doanh nghiệp bến bãi 2 bên phải chịu trách nhiệm trước các doanh nghiệp XNK về điều kiện hàng hóa và phương tiện…

Phối hợp tháo gỡ ùn ứ hàng nông sản tại Lạng Sơn - Ảnh 3.

Tỉnh Lạng Sơn kiến nghị cần thay đổi tập quán kinh doanh xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch với các điều khoản rõ ràng, minh bạch giữa các bên…

Về những giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài, chúng tôi đã làm phương án trình lên UBND tỉnh xin mở rộng diện tích bãi xe 100 ha để đầu tư những hạng mục hiện đại, ứng dụng khoa học và công nghệ… để giải quyết vấn đề ách tắc tại cửa khẩu. Cùng với khu trung chuyển hàng hóa của tỉnh đang được xúc tiến hoàn thành, khi đi vào hoạt động các bãi xe sẽ đảm bảo được lợi thế của tỉnh Lạng Sơn trong hoạt động XNK."

Ông Nguyễn Hữu Vượng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, nhận định: "Để giải quyết tình trạng ùn ứ, chúng ta cần đẩy nhanh việc buôn bán với phía Trung Quốc theo thông lệ quốc tế, chứ không theo thông lệ hiện nay là mua bán tiểu ngạch, trao đổi hàng hóa giữa cư dân biên giới. Điều này đã rất đến nhiều thiệt hại như chúng ta đã biết là có thể bị ép giá, xuống cấp về chất lượng, khó khăn trong công tác quản lý của 2 bên, gây rất nhiều thiệt hại đối với người dân và doanh nghiệp".

Phối hợp tháo gỡ ùn ứ hàng nông sản tại Lạng Sơn - Ảnh 4.

Tỉnh Lạng Sơn cũng tăng cường trao đổi, hội đàm với các cơ quan chức năng phía Trung Quốc để tháo gỡ những khó khăn cho hoạt động XNK hàng hóa

Hằng năm, Chính phủ, Bộ NN&PTNT nên tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trên phạm vi cả nước ngay từ đầu năm để có những phương án, giải pháp chủ động hơn.

Tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị Bộ NN&PTNT sớm ký kết Nghị định thư với phía Trung Quốc về kiểm dịch thực vật đối với các loại hoa quả để giảm bớt các thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu. Giải pháp quan trọng nữa là nên thay đổi tập quán kinh doanh xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch với các điều khoản rõ ràng, minh bạch giữa các bên…

Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, đề xuất: "Chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ sẽ có những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các tỉnh biên giới, đặc biệt như Lạng Sơn là địa bàn trọng điểm trong xuất khẩu nông sản của Việt nam, có điều kiện để đầu tư cơ sở hạ tầng, bến bãi, dịch vụ logistics để đảm bảo hàng hóa của chúng ta khi bị ùn ứ, không thông quan được ngay thì nhờ đó có điều kiện để bảo quản, đảm bảo chất lượng hàng hóa không bị hư hỏng, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp XNK".

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, ngay sau khi nắm bắt thông tin, Bộ đã có đoàn công tác phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn và các đơn vị chức năng tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, khẩn trương làm rõ nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng ùn ứ hàng hóa xuất khẩu chưa thông quan.

Đồng thời đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, thành phố; Hiệp hội Rau quả Việt Nam; Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam về việc phối hợp điều tiết xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản sang Trung Quốc.

Từ đó có phương án cân đối lại, chủ động biện pháp tạm thời để giảm thiểu những rủi ro, chi phí cho doanh nghiệp. Việc một số doanh nghiệp không thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế, dẫn đến trường hợp một số lái xe phát hiện nhiễm Covid-19. Đây là một trong những nguyên nhân khiến phía Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hơn, thậm chí kiểm dịch cả hàng hóa khiến ùn tắc xe chở nông sản.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh: "Về một số giải pháp để giải quyêt tình trạng ùn ứ tại 1 số tỉnh biên giới trong thời gian tới, chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề kiểm soát tại các nhà máy chế biến, cần kiểm soát, quản lý công nhân sản xuất chặt chẽ để đảm bảo không bị lây nhiễm sang hòa hóa, đồng thời cần kiên quyết không làm thủ tục thông quan cho các doanh nghiệp không đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch bệnh. Chúng tôi cũng tập trung tiếp tục triển khai, đẩy mạnh các giải pháp để cấp mã số vùng trồng cho các vùng nguyên liệu để đảm bảo yêu cầu xuất khẩu sang các nước, trong đó có Trung Quốc".

Ý kiến của bạn