Đời sống

Phối hợp can thiệp kịp thời cứu một bệnh nhân ho ra máu nặng

(VOVTV) - Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, một bệnh nhân mắc COVID-19 nguy kịch, phải chạy ECMO dài ngày và bị ho ra máu nặng vừa được phối hợp can thiệp nút mạch thành công, cứu sống người bệnh.

Tác giả Kim Dung / VOV TP.HCM
06/10/2021 21:05

Trước đó, ngày 4/10, khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận một bệnh nhân mắc COVID-19 trong tình trạng ho ra máu nặng. Đây là bệnh nhân nữ, 26 tuổi, được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM từ đầu tháng 8 trong tình trạng mắc COVID-19 nguy kịch, thở máy kéo dài 51 ngày, can thiệp ECMO 38 ngày. Tuy nhiên, trong khoảng nửa tháng nay, tình trạng ho ra máu qua mở khí quản vẫn diễn ra liên tục.

Phối hợp can thiệp kịp thời cứu một bệnh nhân ho ra máu nặng - Ảnh 1.

Bệnh nhân mắc COVID-19 nguy kịch, đã thở máy kéo dài 51 ngày, can thiệp ECMO 38 ngày

Sau khi các bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới hội chẩn, đưa ra đánh giá: Tình trạng ho ra máu không đáp ứng điều trị nội khoa và nguy cơ tử vong phẫu thuật là rất cao. 

Ekip điều trị của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã tiến hành hội chẩn với Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Chợ Rẫy để quyết định điều trị can thiệp nội mạch cho bệnh nhân.

Phối hợp can thiệp kịp thời cứu một bệnh nhân ho ra máu nặng - Ảnh 2.

Kết quả chụp mạch DSA cho thấy, hình ảnh tăng sinh mạch từ nhánh động mạch phế quản liên sườn phải, tương ứng với vị trí xuất huyết trên nội soi phế quản

Lần đầu tiên can thiệp nút mạch cấp cứu trên một bệnh nhân COVID-19 nặng bị ho ra máu, ekip can thiệp của Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Chợ Rẫy đã chuẩn bị đầy đủ các bước kiểm soát nhiễm khuẩn, đồ phòng hộ, đảm bảo an toàn, nhanh chóng tiến hành can thiệp cho bệnh nhân ngay khi vừa được chuyển đến. Khi các chỉ số sinh hiệu ổn định, bệnh nhân đã được chuyển về lại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để tiếp tục điều trị COVID-19. 

Hiện bệnh nhân không còn ho ra máu, đã ngừng sử dụng thuốc an thần, bắt đầu hồi tỉnh.

Theo PGS.TS. Lê Văn Phước - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện nay trên thế giới, can thiệp nội mạch nút tắc động mạch phế quản được xem là lựa chọn ưu tiên hàng đầu để điều trị tình trạng ho ra máu. Mỗi năm, khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành can thiệp khoảng 200-300 trường hợp ho ra máu, trong đó có nhiều ca từ các bệnh viện khác chuyển đến. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, kỹ thuật nút mạch được tiến hành trên bệnh nhân COVID-19 bị ho ra máu nặng và đã có kết quả khả quan, mang lại nhiều cơ hội được cứu sống cho bệnh nhân COVID-19 không may bị ho ra máu nặng.

Ho ra máu là cấp cứu thường gặp trong nhiều bệnh lý như giãn phế quản, lao, ung thư… Nếu không kịp xử lý, ho ra máu nặng có tỉ lệ tử vong lên đến 50-75%. Ở bệnh nhân COVID-19, ho ra máu rất ít gặp, ước tính chỉ vào khoảng 3%, tuy nhiên lại có nguy cơ biến chứng và tử vong chiếm tỉ lệ cao hơn.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn