Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: TP.HCM cần tính đến phương án cách ly F1 tại nhà
Theo Phó Thủ tướng, hiện công suất các khu cách ly tập trung đã đạt khoảng 70%, vì vậy, TP.HCM cần tính đến phương án mở rộng cách ly F1 tại nhà. TP.HCM đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn linh hoạt trong vấn đề này.
Sáng 12/7, tại cuộc giao ban trực tuyến giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 cùng “Sở Chỉ huy chống dịch” TP.HCM, với sự tham gia của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, trong vòng 24h (tính đến 6h sáng 12/7), thành phố ghi nhận thêm 1.489 ca mắc COVID-19. Trong đó, có 29 ca phát hiện qua tầm soát cộng đồng, 189 ca qua sàng lọc ở các bệnh viện, còn lại chủ yếu ở các khu cách ly, khu phong tỏa.
Sở Y tế TP.HCM đã kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ, cung cấp 18 danh mục trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, để đảm bảo thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, đến nay, thành phố đã thiết lập 12 chốt kiểm soát ở cửa ngõ ra vào thành phố, 144 chốt cấp quận, huyện và 400 chốt tại 312 phường/xã/thị trấn. Theo đó, từ 0h ngày 12/7, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có sử dụng lao động đang sinh sống tại Long An đã chủ động phương án bố trí cho ăn, nghỉ cho lao động tại công ty.
Về vận tải, thành phố đã cấp phép cho thêm 5 đơn vị vận tải, với 2.800 xe để đảm bảo vận chuyển hàng hóa thiết yếu cho người dân thành phố. Tại cuộc giao ban, lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM khẳng định, sẽ có nhiều kênh cung cấp thực phẩm cho người dân có thu nhập thấp để vừa đảm bảo phòng, chống dịch vừa đảm bảo người dân vẫn có nguồn nhu yếu phẩm thiết yếu. Trong đó, TP.HCM đã triển khai lại các “Siêu thị mini 0 đồng”, hoạt động tại 6 địa điểm với mục tiêu hỗ trợ 16.000 người dân nghèo đi siêu thị và mua hàng theo nhu cầu thực tế.
Bên cạnh đó, “chợ online nghĩa tình” hay hệ thống bán lẻ đang hoạt động hết công suất, huy động các lực lượng vận tải đưa xe lưu động vào bán hàng tại các khu vực chợ truyền thống đóng cửa. Thành phố đang triển khai “Chương trình bán hàng bình ổn lưu động”, với dự kiến trong ngày 12/7, sẽ có 30 xe bán hàng lưu động và sẽ tăng gấp đôi con số xe… bán hàng với giá tận gốc, thậm chí giá thấp hơn giá bình ổn. TP.HCM cũng triển khai điểm trung chuyển hàng hóa có điều kiện hoạt động nghiêm ngặt, để xe vận tải rau củ quả, thủy hải sản sẽ có điểm tập trung, chia nhỏ và đưa hàng hóa đi khắp thành phố.
Trên tinh thần “không để bất cứ người dân nào thiếu đói”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị TP.HCM quan tâm đến những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bên cạnh sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể, thành phố cần kêu gọi, phát động các doanh nghiệp, người dân hỗ trợ người khó khăn ở xung quanh.
Trước thực tế ghi nhận số ca mắc nhiều trong các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý xem xét lại mật độ giãn cách tại đây và yêu cầu phải giãn tối đa mật độ để đảm bảo phòng, chống dịch. Hiện, công suất các khu cách ly tập trung đã đạt khoảng 70%, vì vậy, thành phố cần tính đến phương án mở rộng cách ly F1 tại nhà. TP.HCM đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn linh hoạt trong việc thực hiện cách ly những trường hợp này theo tình hình thực tế.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý TP.HCM có hướng dẫn mới trong thực hiện yêu cầu về giấy xét nghiệm COVID-19 sau khi áp dụng Chỉ thị 16. “Mục đích của yêu cầu có giấy xét nghiệm là nhằm ngăn chặn người mắc COVID-19 mang mầm bệnh vào vùng an toàn. Với TP.HCM và các địa phương đang thực hiện giãn cách nghiêm ngặt sau khi áp dụng Chỉ thị 16, Bộ Y tế cần xét linh hoạt quy định này, theo đó, chỉ giới hạn các biện pháp chống dịch ở các vùng đã an toàn, chỉ kiểm soát chặt người từ vùng không an toàn đi vào vùng an toàn, đồng thời tạo điều kiện lưu thông hàng hóa”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Theo nhận định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, TP.HCM đã cơ bản thiết lập kỷ cương chống dịch với người dân, thiết lập hệ thống phân phối lưu thông hàng hóa và thành phố cần tập trung kiểm soát chống dịch tại khu vực sản xuất, đặc biệt là các khu công nghiệp và khu chế xuất. Đảm bảo sản xuất an toàn, trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp có đơn hàng; có khả năng quản lý người lao động từ nơi cư trú đến nơi làm việc theo một chu trình khép kín và khả năng cách ly ngay trong doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất.
Tại cuộc giao ban, các chuyên gia cũng đề nghị TP.HCM xem xét ưu tiên tiêm vaccine trước cho các vùng đệm và ở khu vực sản xuất, nhất lại tại các nhà máy đã tổ chức sản xuất an toàn.
Tin nổi bật
Tin Video