Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: "Ứng phó với bão số 3 phải nghiêm túc, trách nhiệm"
Chiều 5/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đồng chủ trì cuộc họp với các bộ, ban ngành và trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố để ứng phó với bão số 3 (tên gọi quốc tế Yagi).
Khoảng chiều và đêm 7/9, bão sẽ di chuyển vào các tỉnh Bắc Bộ
Phát biểu tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: "Cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết các cơ quan quốc tế đều nhận định siêu bão Yagi tiếp tục duy trì cấp siêu bão khi tiếp cận đảo Hải Nam (Trung Quốc). Khi di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ, có thể bão Yagi duy trì cấp 13-14 và giật cấp 16. Vào đến đất liền, bão Yagi duy trì cường độ cấp 9-10 và giật cấp 13-14. Đây là cơn bão mạnh, hoàn lưu lớn, tăng cấp nhanh. Trong khuôn khổ hợp tác giữa các cơ quan khí tượng thủy văn trong khu vực, sáng nay Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản đã có cuộc thảo luận về bão Yagi. Đánh giá lại 48 giờ qua giữa Việt Nam và quốc tế về bão Yagi đều giống nhau về quỹ đạo và cường độ".
Theo ông Mai Văn Khiêm, tại cuộc thảo luận, các chuyên gia dự báo bão của Trung Quốc nhận định bão Yagi khi đổ bộ vào vùng ven biển nước ta sẽ mạnh cấp 10-13 và gây ra mưa lớn ở Bắc Bộ với lượng mưa khoảng 250-300mm. Còn chuyên gia dự báo bão của Nhận Bản nhận định, bão Yagi khi vào vùng ven biển nước ta sẽ mạnh cấp 12 và gây mưa lớn ở Bắc Bộ.
"Khoảng đêm 6/9, bão Yagi đi qua đảo Hải Nam, Trung Quốc tiến vào vịnh Bắc Bộ. Khoảng chiều và đêm 7/9, bão sẽ di chuyển vào các tỉnh Bắc Bộ rồi suy yếu và tan dần", Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định.
Do đó, trưa 6/9, vùng biển phía Đông của vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) có gió mạnh dần lên cấp 6-7. Từ đêm 6/9, khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13-14, giật cấp 17; biển động dữ dội.
"Với kịch bản hiện nay, trên đất liền, vùng trọng tâm, tác động trực tiếp nhất của bão Yagi là từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, đặc biệt là khu vực ven biển. Sáng 7/9, vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình và một phần tỉnh Nam Định có gió mạnh cấp 10-12 giật cấp 14", ông Mai Văn Khiêm nhận định thêm.
Miền Bắc hứng chịu một đợt mưa rất lớn
Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của bão số 3, khu vực sâu trong đất liền Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.
"Qua theo dõi vệ tinh ước lượng lượng mưa khi cơn bão đi qua trong 24 giờ qua luôn duy trì 200-300mm. Do đó, khi cơn bão di chuyển vào trong đất liền nguy cơ xảy ra mưa lớn là rất nghiêm trọng. Việc phân tích tác động của mưa trong cơn bão này cơ quan khí tượng thủy văn cũng đánh giá, nhận định tính tương tự với một số cơn bão trong quá khứ. Song cơn bão Yagi có hướng di chuyển lệch Bắc hơn rất nhiều so với các cơn bão trước và có tốc độ nhanh hơn. Vì thế, bão số 3 có nhiều yếu tố bất lợi có thể tạo ra cực đoan về mưa và cường độ gió so với các cơn bão trong quá khứ. Với kịch bản mưa như vậy dự báo các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có thể ngập lụt diện rộng, sạt lở đất", ông Mai Văn Khiêm chia sẻ.
Bão Yagi có thể gây ra lượng mưa từ 300 đến 400mm đối với các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa. Do đó, các tỉnh này cần lưu ý về lũ quét và sạt lở đất ở nhiều điểm. Khi di chuyển vào đất liền, dự báo trong 24-48 giờ tới, bão Yagi bị chi phối chính bởi hoàn lưu cao cận nhiệt đới ở phía Bắc đang di chuyển xuống phía Nam.
"Hiện có một số phương án với xác suất thấp trong trường hợp cơn cao cận nhiệt đới rút ra phía Tây nhanh thì bão Yagi có thể di chuyển lệch hơn về phía Bắc. Nếu may mắn bão Yagi đi lệch về phía Bắc chúng ta sẽ hạn chế tác động của mưa và gió mạnh do bão Yagi gây ra. Do đặc điểm của cơn bão có hoàn lưu tương đối rộng và trong những ngày qua thời tiết đất liền nóng, độ ẩm cao là điều bất lợi có thể xuất hiện mưa dông trước khi bão đến. Gió mạnh trong lốc xoáy có thể ngang bằng với gió trong cơn bão mạnh nên cần lưu ý để phòng, chống dông lốc", ông Mai Văn Khiêm cho biết thêm.
Cần nghiêm túc, trách nhiệm để ứng phó với bão số 3
Sau khi lắng nghe ý kiến các cơ quan và các địa phương liên quan, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết sáng 5/9 bão số 3 đã được chính thức đánh giá là siêu bão.
"Theo dự báo, cấp độ và tính nguy hiểm của bão, cá nhân tôi cho rằng bão sẽ phức tạp và tình hình căng thẳng hơn vì trường nhiệt độ khu vực bão tiến vào đang thuận lợi cho bão thêm năng lượng. Từ hôm qua tới hôm nay bão đã thành siêu bão", Phó thủ tướng nhận định.
Để giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão gây ra, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu trước hết, cơ quan dự báo khí tượng cần duy trì công tác dự báo thường xuyên; trao đổi với cơ quan khí tượng các nước để có thông tin đầy đủ, chính xác trong dự báo. Từ đó cung cấp đầy đủ thông tin dự báo, cảnh báo để các lực lượng và người dân chủ động phòng tránh.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh phương châm phòng chống bão là chủ động phòng ngừa hết sức chặt chẽ, nghiêm khắc với tinh thần không có hối tiếc. Phó Thủ tướng lưu ý việc phát huy tinh thần "4 tại chỗ" trong việc phòng, chống bão Yagi. Cần thực hiện phòng chống bão nghiêm túc, trách nhiệm. Nếu xảy ra việc người dân còn ở lại khu vực trọng yếu, nguy hiểm, lồng bè nuôi trồng thủy sản thì người được phân công phụ trách khu vực đó phải chịu trách nhiệm. Nếu cơ quan dự báo cung cấp bản tin dự báo chính xác mà không được truyền đạt kịp thời thì phải quy trách nhiệm.
"Từ trưa mai bão tác động vịnh Bắc Bộ và đất liền nên dự báo kết hợp với hải văn, thủy văn. Hoàn lưu của bão rất lớn nên phải dự báo mưa lớn do bão gây ra. Đây là lúc nguy hiểm sau khi chống bão mệt mỏi, giảm sức lực. Đề nghị các bản tin dự báo bão cần cập nhật thường xuyên dự báo khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở. Đề nghị trong ngày 5 đến trưa 6/9 các địa phương phải vận động, cưỡng chế du khách rời đảo để đảm bảo an toàn. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phân công để ngày mai có các đoàn công tác đi các địa phương kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với bão. Bản thân tôi theo phân công của các đồng chí để đến trực tiếp những địa phương đang triển khai phòng chống bão", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.