Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Mở rộng đối tượng tiếp cận nhà ở xã hội
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư tính toán chi phí hợp lý, đưa ra các sản phẩm nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có giá bán phù hợp.
Tại cuộc họp về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp sau khi các luật mới được ban hành: Luật đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, các nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản phải nhìn nhận trách nhiệm của mình trong khắc phục “nghịch lý” thừa phân khúc cấp cao, thiếu phân khúc bình dân, giải quyết tình trạng “thổi giá”, “đẩy giá”…
Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, đối với khó khăn, vướng mắc về tín dụng, quy hoạch, tình trạng pháp lý, hoạt động kinh doanh bất động sản…, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp cần đánh giá kỹ hiệu quả thực thi của các cơ chế, chính sách, pháp luật.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, doanh nghiệp BĐS và ngân hàng đã tập trung thảo luận các giải pháp nhằm xác định mức giá hợp lý cho nhà ở thương mại phân khúc cao cấp; đánh giá thị trường BĐS dành cho khách hàng có thu nhập trung bình và thấp.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, vướng mắc trong gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ là việc tạo điều kiện để “cầu tiếp cận được nguồn cung” và đẩy mạnh nguồn cung. Theo ông Tú, đối với ngành bất động sản, rủi ro chính là đầu cơ và thổi giá khiến khó tiêu thụ sản phẩm, không luân chuyển được dòng vốn, khó thu hồi nợ.
“Do vậy, cần giải quyết vấn đề vốn để thị trường BĐS có được giá cả hợp lý, phù hợp với nhu cầu. Thúc đẩy cung trong thị trường BĐS, tránh tình trạng lũng đoạn, đầu cơ, thao túng, trục lợi thị trường BĐS”, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước nói.
Ông Tú cho biết, ngày 12/3, Ngân hàng Nhà nước cùng Bộ Xây dựng và hiệp hội các doanh nghiệp tiếp tục thảo luận vì sao gói 120.000 tỷ còn có vướng; chỉ đạo hạ lãi suất của các ngân hàng thương mại; tiếp tục giãn, hoãn nợ...
Đại diện các ngân hàng cũng cho biết, khó khăn trong giải ngân gói tín dụng thương mại 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội là khả năng đáp ứng của chủ đầu tư về năng lực tài chính, tài sản đảm bảo, tính thanh khoản của dự án, giới hạn về tỷ suất lợi nhuận của các dự án nhà ở xã hội…
Một số doanh nghiệp kiến nghị rút ngắn thời gian rà soát thủ tục pháp lý, nguồn gốc sử dụng đất dự án nhà ở xã hội; đơn giản hoá quy trình, thủ tục hành chính; nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng cho chủ đầu tư và người mua có thu nhập trung bình và thấp…
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu tổ công tác phải thống kê số dự án bất động sản đã được giao đất nhưng đang vướng mắc về thủ tục; xây dựng tiêu chí nhà đầu tư bất động sản có năng lực.
Bên cạnh đó, mở rộng đối tượng tiếp cận nhà ở xã hội cho người có thu nhập trung bình và thấp, doanh nghiệp trong khu công nghiệp; hướng dẫn đầy đủ cho địa phương thực hiện theo cơ chế, chính sách đã có về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư, xác định giá đất…
Đối với nguồn vốn dành cho các dự án nhà ở xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách tài khóa hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp và người dân.