Phó Thủ tướng Lê Văn Thành điều hành họp xuyên đêm tại điểm cầu Thừa Thiên Huế
(VOVTV) - Vào lúc 0 giờ ngày 28/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì họp Ban Chỉ đạo tiền phương tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, kết nối trực tuyến với điểm cầu 8 tỉnh, thành phố nằm trong vùng ảnh hưởng của bão để nghe báo cáo diễn biến tình hình và chỉ đạo ứng phó với cơn bão số 4.
Tại buổi họp, ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thuỷ văn cho biết, vào 0 giờ sáng nay (28/9), vị trí bão ở 15,8 độ vĩ Bắc, 109 độ kinh đông, cách Đà Nẵng - Quảng Nam 80km. Bão đã gây gió mạnh ở đảo Lý Sơn cấp 10, giật cấp 12. Bão di chuyển ổn định hướng Tây, khoảng 3-6 giờ tới, bão đổ bộ vào bờ. Khi cập bờ, gió bão cấp 11 đến13, giật cấp 15. Gió mạnh nhất tập trung vào Đà Nẵng, Quảng Nam và Nam Thừa Thiên Huế. Bão số 4 tiếp tục gây mưa lớn đến hết ngày 28/9, gây lũ, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, trọng tâm thuộc các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi và Kon Tum.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương dự báo bị ảnh hưởng bởi thiên tai như Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Trị… đã báo cáo, cập nhật thông tin về công tác ứng phó với thiên tai, bảo vệ an toàn cho người dân, đặc biệt ở các vùng xung yếu. Đến thời điểm hiện tại, dù bão có dấu hiệu suy giảm nhưng vẫn còn ở cấp 12-13, giật cấp 15, một số nơi đã có mưa rất to.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá các địa phương đã có sự chuẩn bị tốt nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát, kiểm tra, kiên quyết không để sót trường hợp người dân ở lại các vùng xung yếu, nguy hiểm và liên tục cập nhật, báo cáo diễn biến của thiên tai. Trong tình hình vừa có mưa, sóng lớn, triều cường dâng trong đêm, nhiệm vụ của các lực lượng phòng chống bão hết sức nặng nề trong việc bảo đảm an toàn cho người dân. Phó Thủ tướng đề nghị các lực lượng tiếp tục tập trung cao độ khi chỉ còn mấy tiếng nữa là bão vào, làm hết sức để hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các địa phương cần chủ động, khi có tình huống xấu, huy động tối đa thiết bị, vật tư, nhân lực bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, đảm bảo an toàn công trình hồ đập, đê điều./.
Tin nổi bật
Tin Video