Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội: Nguy cơ lây nhiễm cộng đồng rất cao, khẩn trương truy vết F1, F2
(VOVTV) - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 thành phố cho biết hiện tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, nhiều ca mắc có lịch trình di chuyển phức tạp, cần khẩn trương truy vết F1, F2.
Chiều ngày 6/5, Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội tổ chức họp Phiên thứ 108 nghe các đơn vị báo cáo về tình hình triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn Thành phố. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo tham dự và kết luận chỉ đạo.
Tính từ ngày 4-6/5/2021, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 5 ca mắc tại cộng đồng và 42 ca mắc của chùm ca bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Hiện tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, nhiều ca mắc có lịch trình di chuyển phức tạp, một số ca mắc có biến thể của Ấn Độ, Anh có khả năng lây lan nhanh. Sau kỳ nghỉ Lễ 30/4 và 1/5 người dân từ vùng có dịch trở lại thành phố để làm việc và học tập, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng rất cao.
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo, để thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Hà Nội đặc biệt trong thời gian tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các đơn vị cần tiếp tục làm tốt việc ngăn chặn, cắt đứt nguồn lây, cơ chế lây lan dịch bệnh; tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết, hạn chế tiếp xúc khi ra ngoài, thực hiện nghiêm thông điệp 5K, chấp hành nghiêm chỉ đạo của Thành phố về việc tạm dừng các hoạt động, dịch vụ tại Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 05/5/2021 của Chủ tịch UBND Thành phố; xử phạt nghiêm khắc, công khai thông tin để răn đe, ngăn chặn các trường hợp vi phạm; tích cực hơn nữa, có biện pháp phù hợp, hạn chế các hoạt động, tiếp xúc giữa người với người tại khu vực công cộng, đặc biệt tại các khu vực vườn hoa, công viên.
Khẩn trương truy vết, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F1, F2 có liên quan ca dương tính để kịp thời ngăn chặn việc lây lan trong cộng đồng. Ngay lập tức khoanh vùng cách ly với quy mô phù hợp, sau khi có kết quả xét nghiệm, tổ chức đánh giá lại và thu hẹp dần phạm vi cách ly nhưng vẫn đảm bảo đúng đối tượng.
Tổ chức, bố trí đủ các lực lượng ngoài phạm vi cách ly, có phương án giám sát, quát triệt người dân trong khu cách ly, tuyệt đối không để tiếp xúc trong thời gian cách ly.
Căn cứ các thông báo của Sở Y tế, khẩn trương lấy các mẫu xét nghiệm các đối tượng liên quan tại các khu vực nguy cơ, đặc biệt lưu ý các trường hợp có liên quan yếu tố dịch tễ với ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đợi TW cơ sở 2 (thời gian từ ngày 14/4/2021 đến ngày 05/5/2021) và yêu cầu tất cả các trường hợp này chủ động cách ly y tế tại nhà để có đánh giá về dịch tễ của các cơ quan y tế.
Đối với công tác quản lý các khu các ly tập trung, tổ chức thực hiện quy trình cách ly nghiêm túc đảm bảo quy trình đúng chỉ đạo của Trung ương, Bộ Y tế, Thành phố; thực hiện đầy đủ các quy định, lưu ý triển khai Công điện số 600/CĐ-BCĐ ngày 05/5/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 về việc điều chỉnh thời gian cách ly tập trung; rà soát, phát giác các trường hợp nhập cảnh trái phép; phát huy vai trò Tổ COVID cộng đồng phát giác những trường hợp vi phạm, việc biến động nhân khẩu tại địa bàn, khai báo y tế, việc chấp hành các quy định về công tác phòng chống dịch tại các cơ sở dịch vụ, kinh doanh (tấm chắn, khoảng cách giữa người với người, khai báo y tế qua Mã QRCode,…); xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, khởi tố, truy cứu trách nhiệm theo quy định của pháp luật các đối tượng làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm.
Tổ chức đánh giá mức độ an toàn phòng chống COVID-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Quán triệt các bệnh viện, các cơ sở khám chữa bệnh quy trình, thường xuyên đánh giá mức độ an toàn phòng chống COVID-19. Rà soát để không ngừng hoàn thiện và tổ chức thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch trong phạm vi quản lý phù hợp với tình hình dịch bệnh và yêu cầu thực tế; không để bị động trong các kịch bản bùng phát dịch có thể xảy ra; bảo đảm chặt chẽ, đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, dễ thực hiện, dễ giám sát, dễ kiểm tra và rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân. Tuyệt đối không để xảy ra việc lây nhiễm trong cơ sở khám chữa bệnh và từ cơ sở khám chữa bệnh ra ngoài cộng đồng, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, an sinh xã hôi của Thủ đô, làm giảm niềm tin của Nhân dân với công tác phòng chống dịch chung của Thành phố.
Tại các Khu Công nghiệp có số lượng lao động đông, người giao dịch thường xuyên qua lại, Đề nghị Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương kiểm tra việc khai báo y tế, các yếu tố dịch tễ các trường hợp có liên quan các ổ dịch tại các địa phương trong cả nước có di chuyển về Hà Nội, đặc biệt có liên quan đến ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, đánh giá mức độ ảnh hưởng, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, trong trường hợp cần thiết yêu cầu tạm dừng sản xuất tránh nguy cơ hình thành ổ dịch tại các cơ sở sản xuất trong các Khu công nghiệp.
Đề nghị Cụm cảng hàng không miền Bắc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, chủ động tự đảm bảo các điều kiện theo phương châm 4 tại chỗ.
Sở Y tế, Ban chỉ đạo các quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng phương án đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, sinh phẩm dự phòng trong việc tổ chức cách ly, xét nghiệm; chuẩn bị sẵn các cơ sở cách ly, bộ máy tổ chức, phương án triển khai theo phương châm 4 tại chỗ, chủ động triển khai trước mọi tình huống liên quan COVID-19./.
Tin nổi bật
Tin Video