Phim Việt và quyền lực của công chúng
Nếu phim Việt 2020 chứng kiến sự sụt giảm mạnh về doanh thu, do số lượng phim bị hoãn chiếu khá nhiều và thiếu phim chất lượng... thì đến thời điểm này, thị trường điện ảnh 2021 lại đang vấp phải làn sóng tẩy chay diễn ra khá mạnh mẽ.
Hiện tượng này rộ lên từ năm ngoái (trường hợp của Vu quy đại náo, Hạnh phúc của mẹ, Ngôi nhà bươm bướm), với lý do liên quan đến đời tư diễn viên, cách làm việc thiếu chuyên nghiệp, thiếu tôn trọng khán giả của những người liên quan cũng như việc vi phạm bản quyền.
Phản ứng này cho thấy khán giả ngày càng ý thức về quyền lực của mình, và việc họ lựa chọn thái độ quay lưng để những người làm phim điều chỉnh thái độ, làm việc chuyên nghiệp, đúng pháp luật… âu cũng là cần thiết.
Nguy cơ bị “quay lưng”
Theo kế hoạch, một số phim dự kiến ra rạp những tháng đầu năm 2021 có Cậu Vàng, Lật mặt: 48h, Trạng Tí phiêu lưu ký, Bố già, Gái già lắm chiêu V, Kiều… Chưa biết khán giả sẽ đón nhận những tác phẩm điện ảnh trong năm mới này như thế nào, nhưng đến thời điểm này, có một làn sóng tẩy chay phim đang diễn ra, tập trung vào phim Cậu Vàng và Trạng Tí phiêu lưu ký.
Cậu Vàng lấy cảm hứng từ những tác phẩm văn học của nhà văn Nam Cao. Đây là phim đầu tiên của Việt Nam lấy chú chó làm một trong những nhân vật trung tâm, điểm kết nối các nhân vật khác. Cậu Vàng là tâm nguyện cuối đời của NSND Bùi Cường, được con rể ông là đạo diễn Trần Vũ Thủy thực hiện, định ngày khởi chiếu là 8/1/2021.
Trước đó, phim gặp phải sự phản đối của một bộ phận không nhỏ cư dân mạng, lý do là đoàn phim dùng giống chó Shiba của Nhật Bản để đóng cậu Vàng thay vì dùng chó ta. Bên cạnh đó, đại diện truyền thông của đoàn phim đã dùng lời lẽ không lịch sự đối với khán giả phản đối chuyện dùng chó Nhật.
Phim Kiều của Mai Thu Huyền dự kiến khởi chiếu ngày 8/3 cũng bị cộng đồng mạng phản ứng khi phim mắc nhiều lỗi liên quan đến lịch sử, cộng thêm nhà sản xuất Mai Thu Huyền có phát ngôn thể hiện kiến thức sai lệch về lịch sử. Dù phim không bị kêu gọi tẩy chay nhưng đã khiến khán giả “mất hứng”.
Bộ phim đang vấp phải làn sóng phản ứng dữ dội nhất là Trạng Tí phiêu lưu ký của Ngô Thanh Vân, đã ấn định ngày khởi chiếu 12/2/2021 (nhằm Mùng 1 Tết). Dự án nhận được nhiều quan tâm của khán giả về bản quyền phim sau ồn ào giữa họa sĩ Lê Linh và Công ty Phan Thị liên quan đến vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt trước đó.
Đến thời điểm Ngô Thanh Vân tung trailer chính thức, nhiều khán giả cho rằng đơn vị sản xuất đang vi phạm quyền tác giả và kêu gọi tẩy chay phim.
Tuy nhiên, có thể thấy một bộ phận khán giả dường như đang… hơi quá đà. Với Trạng Tí phiêu lưu ký, những chỉ trích nặng nề cho rằng phía NSX đã bắt tay với Công ty Phan Thị khi chuyển thể 5 tập trong bộ truyện Thần đồng đất Việt mà không phải là hợp tác với Lê Linh, đã bộc lộ hiểu biết sai lệch về vấn đề tác quyền.
Về pháp luật, Phan Thị là đơn vị sở hữu tài sản và có quyền thực hiện các tác phẩm phái sinh, nên phía NSX phim làm việc với Phan Thị là đúng pháp luật. Sự giận dữ của công chúng trước những phát ngôn thiếu cẩn trọng của người quản lý truyền thông trong Cậu Vàng là đúng, buộc đoàn phim phải lên tiếng xin lỗi, nhưng việc đòi tẩy chay phim cho thấy phản ứng này còn có phần cảm tính.
Mỏi mắt chờ phim hay
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hàng loạt phim đã phải hoãn chiếu như Lật mặt 5, Trạng Tí phiêu lưu ký, Thanh Sói, Song Song, Tà Năng Phan Dũng,… Số lượng phim công chiếu chỉ còn khoảng một nửa so với năm 2020 với hơn 20 phim, trong số này, một số phim tạo được hiệu ứng tích cực, thắng lớn ở phòng vé như Ròm (25/9), Tiệc trăng máu (20/10) và những ngày cuối năm 2020 là Người cần quên phải nhớ, Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử (25/12) cũng được đánh giá là “xem được”, giải tỏa phần nào cơn khát phim ảnh kéo dài suốt một năm trời.
Trước đó, Gái già lắm chiêu 3 ra rạp giữa tháng 1/2020, nổi trội nhờ “bung” vào thời điểm hàng loạt phim Tết khá mờ nhạt. Đến tận tháng 9, Ròm xuất hiện cũng được coi là rơi vào thời điểm “thiên thời, địa lợi” nên lập được kỳ tích doanh thu phòng vé.
Tuy nhiên Ròm chỉ phù hợp một bộ phận khán giả và vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về đề tài, nội dung phim, nên vẫn chưa thỏa mãn hết thảy người xem. Đến tháng 10 Tiệc trăng máu xuất hiện, lập tức trở thành phim có doanh thu cao nhất thị trường điện ảnh Việt năm 2020. Dựa trên kịch bản gốc từ bộ phim của Ý có tên Perfect Strangers (2016), tác phẩm lập kỷ lục Guinness thế giới với việc được remake tới 19 bản khác nhau.
Tuy lập thành tích cao về doanh thu và soán ngôi phòng vé 2020 nhờ nội dung hợp “gu” của nhiều đối tượng khán giả, đề tài hiện đại, dàn diễn viên chuyên nghiệp, hiệu ứng của truyền thông… nhưng đây cũng chưa phải là thành tích thật sự của điện ảnh Việt bởi dẫu sao đây cũng không phải điện ảnh thuần Việt.
Bên cạnh đó, cũng như Ròm, doanh thu của Tiệc trăng máu còn nhờ vào yếu tố may mắn khi phim ra rạp đúng lúc dịch Covid-19 lắng xuống, không có đối thủ cạnh tranh từ phim ngoại đến phim nội.
Bắt đầu từ tháng 1/2021 và dịp Tết Tân Sửu, số lượng phim Việt dự đoán khởi chiếu sẽ ngày một tăng. Tình hình hiện tại cho thấy, cũng như năm 2020, phim bom tấn nước ngoài thì liên tục hoãn chiếu, Covid và năng lực chống dịch tốt của Việt Nam vô tình trở thành yếu tố quan trọng “bảo hộ” phim Việt, khi lần đầu tiên sau nhiều năm, quá nửa tác phẩm đạt top doanh thu phòng vé trong năm 2020 là tác phẩm nội địa. Liệu các nhà làm phim Việt có thể bật lên nhờ “cơ hội” này?
Điện ảnh Việt đã trải qua một năm khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 nên rất cần sự động viên, chia sẻ từ công chúng. Quyền phản ứng nên thể hiện ở thái độ nghiêm túc, góp ý để nhà làm phim làm tốt hơn, tuy nhiên, cần tránh những miệt thị, kêu gọi tẩy chay một cách cảm tính, quá đà để chung tay phát triển một thị trường phim Việt chất lượng và thực sự lành mạnh.
Tin nổi bật
Tin Video