Phiên tòa xét xử trực tuyến phải bảo đảm chặt chẽ về bảo mật thông tin
Theo luật sư, các thông tin của phiên tòa trực tuyến được đưa lên mạng internet nên đòi hỏi quy định chặt chẽ về bảo mật thông tin.
Chiều 31/3, TAND tỉnh Phú Thọ phối hợp với VKSND và Công an tỉnh tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến đối với bị cáo Dương Xuân Cương (SN 1975, trú tại Yên Lập, Phú Thọ) về tội “Tàng trữ tiền giả”, với 2 điểm cầu, gồm: Điểm cầu trung tâm tại Hội trường xét xử TAND tỉnh và điểm cầu Trại tạm giam Công an tỉnh. Khép lại phiên toà, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Dương Xuân Cương mức án 3 năm tù theo tội danh như đã nêu trên.
Được biết, đây là phiên tòa xét xử đầu tiên được TAND tỉnh Phú Thọ phối hợp với VKSND và Công an tỉnh tổ chức dưới hình thức trực tuyến theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội.
Xét xử trực tuyến là xu thế tất yếu
Là người giữ vai trò chủ tọa, điều hành phiên tòa xét xử trực tuyến trong vụ án “Lưu hành tiền giả” nêu trên, Thẩm phán Tạ Văn Thành cho biết, trước tình hình dịch bệnh Covid-19, việc xét xử trực tuyến sẽ giúp tránh sự lây lan của dịch bệnh.
Theo Thẩm phán, trên địa bàn tỉnh có nhiều nơi giam giữ cách xa trụ sở tòa án, vì vậy, nếu xét xử trực tuyến tại trại tạm giam thì sẽ đảm bảo được thời gian khai mạc và thời gian xét xử theo đúng dự kiến, đồng thời đảm bảo an toàn cho người dẫn giải và bị cáo. Hơn nữa, khi bị cáo không phải đứng trực diện với HĐXX, tâm lý sẽ tốt hơn.
Tuy nhiên, việc xét xử trực tuyến đối với TAND tỉnh Phú Thọ hiện nay vẫn còn một số hạn chế khi Tòa án cần nhiều thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất. Đặc biệt, nếu đường truyền trực tuyến không tốt sẽ ảnh hưởng đến việc xét hỏi cũng như tranh tụng tại phiên tòa.
“Nên xét xử trực tuyến đối với những vụ án mà bị cáo đang bị tạm giam và các vụ án có số người tham gia tố tụng không nhiều thì sẽ thuận lợi hơn, đảm bảo cho tất cả những người tham gia tố tụng” – Thẩm phán Tạ Văn Thành cho biết.
Theo Thẩm phán Vũ Anh Tuấn, Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ, việc xét xử trực tuyến là bước đầu để ngành Tòa án tiến hành chuyển đổi số, tiến tới xây dựng Tòa án điện tử. Đây là xu thế tất yếu không chỉ của riêng Việt Nam mà của ngành Tòa án trên toàn thế giới.
Sau khi có chỉ đạo, hướng dẫn của TAND tối cao, TAND tỉnh Phú Thọ đã tiến hành một số nội dung, trong đó chú trọng đến xét xử trực tuyến và bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin cho các cán bộ tòa án và xây dựng cơ sở vật chất phục vụ chuyển đổi số.
Ngoài nguồn kinh phí được TAND tối cao cấp, TAND tỉnh Phú Thọ có Tờ trình gửi Tỉnh ủy, trao đổi với UBND tỉnh Phú Thọ để hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ công cuộc chuyển đổi số của ngành. Đặc biệt, TAND tỉnh Phú Thọ cũng đã phối hợp với các đơn vị chức năng hỗ trợ về mặt kỹ thuật, lắp ráp các thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến.
Trước khi xét xử trực tuyến, TAND tỉnh Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch của 3 ngành, gồm Công an, VKS và Tòa án để đảm bảo hiệu quả trong công tác xét xử. Hiện TAND tỉnh Phú Thọ đã xét xử trực tuyến được 1 vụ án, trong tháng 4 và những tháng tiếp theo, tòa án sẽ tiếp tục xét xử các vụ án theo hình thức trực tuyến.
“Việc phối hợp giữa 3 ngành là điều rất quan trọng, có tính chất bắt buộc để các cơ quan tố tụng gồm Công an, VKS và Tòa án cùng thực hiện. Vừa rồi, chúng tôi xét xử 1 vụ án, được đánh giá thực hiện hiệu quả” - Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ Vũ Anh Tuấn cho biết.
Ngoài TAND tỉnh Phú Thọ, trước đó một số đơn vị khác cũng đã mở phiên tòa xét xử trực tuyến như TAND tỉnh Bình Dương, TAND TP Thủ Đức, TAND tỉnh Bắc Giang, TAND Cấp cao tại Hà Nội, TAND TP Hải Phòng.
Quy định chặt chẽ về bảo mật thông tin trong xét xử trực tuyến
Có thể thấy, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tận dụng lợi thế của công nghệ thông tin, số hóa và chuyển sang làm việc gián tiếp, trực tuyến đang là xu thế chung của mọi lĩnh vực. Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn biến hết sức phức tạp đã khiến cho hoạt động xét xử của Tòa án bị gián đoạn, làm ảnh hưởng đến chất lượng của hoạt động tư pháp, quyền và lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân. Vì vậy, việc tổ chức các phiên tòa trực tuyến vừa là nhu cầu, vừa là xu hướng phát triển của hoạt động tư pháp ở nước ta.
Theo luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty luật Minh Bạch (đoàn luật sư TP Hà Nội), trực tuyến chỉ là phương thức chuyển tải thông tin, còn tất cả diễn biến phiên tòa vẫn phải trên cơ sở trực tiếp, do những thành viên tham gia phiên tòa trực tiếp làm, từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.
“Mặc dù là xét xử trực tuyến nhưng vẫn đảm bảo các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự, có thẩm phán, hội thẩm, các chứng cứ được đưa ra công khai tại phiên tòa và được xem xét cẩn trọng, đảm bảo nguyên tắc có người bào chữa và quyền tự bào chữa của các bị cáo” – luật sư Trần Tuấn Anh cho biết.
Theo luật sư, một vụ án được đưa ra xét xử có rất nhiều người tham gia, ngoài những người tiến hành tố tụng còn có luật sư, người làm chứng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Vì vậy, khi xét xử trực tuyến, có thể người bào chữa không cần phải đến tòa mà chỉ cần hạ tầng thông tin đảm bảo thì vẫn thực hiện được quyền, nghĩa vụ của mình. Hơn nữa, trong phiên tòa trực tuyến, các bên vẫn được thảo luận, tranh luận, được đề đạt các ý kiến như ở phiên tòa trực tiếp.
Do đó, việc xét xử trực tuyến đem lại nhiều thuận lợi cho những người tiến hành tố tụng cũng như những người tham gia tố tụng, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay. Hơn thế nữa, xét xử trực tuyến đang là xu hướng thay thế dần xét xử trực tiếp đối với những vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản, tài liệu, chứng cứ rõ ràng.
Vẫn theo luật sư, để số hóa trong hoạt động tư pháp, tránh oan sai thì thẩm phán, hội thẩm, những người tham gia tố tụng phải đạt trình độ nhất định về sử dụng công nghệ thông tin; đảm bảo hạ tầng kỹ thuật thông tin cũng như quy định chặt chẽ về bảo mật thông tin.
“Các thông tin của phiên tòa trực tuyến được đưa lên mạng internet nên đòi hỏi quy định chặt chẽ về bảo mật thông tin. Nếu bảo mật không tốt thì có thể bị kẻ xấu xâm nhập, lợi dụng, làm lộ lọt bí mật Nhà nước, bí mật thông tin cá nhân, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân. Do đó, ngành Tòa án cần xem xét và có lộ trình, nghiên cứu làm sao để làm tốt công tác bảo mật” – luật sư Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.