Phía sau con số hàng trăm tỷ của điện ảnh Việt
Trong 7 năm, điện ảnh Việt có thêm 13 tác phẩm đạt doanh thu hơn 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, đằng sau sự tăng trưởng về doanh thu là nguy cơ tiềm ẩn.
Ngày 23/3, Bố già của Trấn Thành và đạo diễn Vũ Ngọc Đãng chính thức cán mốc doanh thu 300 tỷ đồng, một kỷ lục vô tiền khoáng hậu của điện ảnh Việt. Phim của Trấn Thành, chuyển thể từ web drama cùng tên, là tác phẩm Việt thứ 13 đạt doanh thu vượt 100 tỷ đồng.
Kịch bản chuyển thể chiếm đa số trong loạt phim trăm tỷ
Năm 2014, điện ảnh Việt ghi nhận bộ phim đạt doanh thu trên 100 tỷ đầu tiên là Để mai tính 2 của đạo diễn Charlie Nguyễn. Sau 7 năm, danh sách tăng lên 13 phim, với tác phẩm đầu tiên cán mốc 200 tỷ là Hai Phượng (2019) và 300 tỷ là Bố già.
Trong danh sách phim này, Gái già lắm chiêu 3 (2020), Lật mặt: Nhà có khách (2019) và Để mai tính 2 là phần hậu truyện của các thương hiệu đã thành công trước đó. Cua lại vợ bầu (2019), Hai Phượng, Siêu sao siêu ngố (2018) và Em chưa 18 (2017) là những bộ phim có kịch bản mới.
Số còn lại, gồm Bố già, Tiệc trăng máu (2020), Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử (2020), Mắt biếc (2019) và Em là bà nội của anh (2015), đều là các phim có kịch bản chuyển thể. Trạng Quỳnh ra mắt năm 2019 không phải chuyển thể nhưng cũng được phóng tác từ giai thoại về Trạng Quỳnh.
Cơ cấu phim Việt đạt doanh thu 100 tỷ đồng có thể phân chia như sau: 46% là kịch bản chuyển thể, 23% là phần tiếp theo của một thương hiệu ăn khách trước đó và 31% là kịch bản sáng tạo mới. Nói cách khác, tỷ lệ kịch bản chuyển thể và kịch bản gốc là 46% - 54%.
Năm 2017, có 34 phim Việt Nam ra rạp với 11 tác phẩm kịch bản chuyển thể hoặc dựa trên tác phẩm có trước. Năm 2018, con số lần lượt là 46 phim và 9 kịch bản. Sang năm 2019, con số nâng lên 49 phim với 10 kịch bản.
Năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19, 23 phim điện ảnh Việt ra rạp. Bốn trong số này (Truyền thuyết về Quán Tiên, Bằng chứng vô hình, Tiệc trăng máu và Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử) không phải kịch bản gốc. Ba tháng đầu năm 2021, trong số bảy bộ phim Việt đã ra rạp, Cậu Vàng, Bố già và Kiều @ là ba tác phẩm có kịch bản chuyển thể hoặc phóng tác.
Có thể thấy, số lượng các bộ phim làm từ kịch bản chuyển thể (truyện ngắn, tiểu thuyết, web drama, phim ngước ngoài, tác phẩm sân khấu...) đang tăng tỷ lệ thuận với số phim điện ảnh ra rạp.
Chi phí quảng bá được xem trọng
Trong số 13 bộ phim đạt doanh thu 100 tỷ đồng, đạo diễn Đức Thịnh có Siêu sao siêu ngố. Thu Trang, Trấn Thành hay Kiều Minh Tuấn là những gương mặt nữ, nam chính có tới ba tác phẩm đạt thành tích này.
Tương quan cho thấy thành công của một bộ phim trăm tỷ đồng trước hết đến từ cái tên diễn viên xuất hiện trên poster thay vì chất lượng tác phẩm hay tên tuổi đạo diễn. Việc quảng bá bộ phim dựa trên những tên tuổi lớn đang đóng vai trò ngày càng quan trọng với thành bại của một tác phẩm.
Tháng 9/2020, trả lời phỏng vấn, nhà làm phim Đức Thịnh chia sẻ đa phần phim Việt có vốn sản xuất từ 20 tỷ đồng đổ lại. Con số này rất khó để tạo ra tác phẩm điện ảnh mãn nhãn.
“Với số tiền 20 tỷ đồng, chúng ta chỉ làm được bộ phim giải trí ở mức độ nào đó, thực hiện bộ phim mãn nhãn thì khó vô cùng", đạo diễn Đức Thịnh nói.
Năm 2019, Kiều Minh Tuấn từng hoàn trả nhà sản xuất phim Chú ơi, đừng lấy mẹ con toàn bộ khoản thù lao nam chính mình được nhận. Con số, được tiết lộ trên báo chí, có giá trị 900 triệu đồng.
Kiều Minh Tuấn chưa phải gương mặt có giá trị thương hiệu lớn nhất thị trường điện ảnh Việt Nam. Nhưng mức thù lao vô tình được tiết lộ của anh đã phần nào giúp khán giả ước tính kinh phí nhà sản xuất phải trả để mời một gương mặt nổi tiếng vào một bộ phim.
Với những tác phẩm quy tụ dàn diễn viên nhiều ngôi sao như Tiệc trăng máu, Cua lại vợ bầu hay Gái già lắm chiêu… con số này có thể lên tới nhiều tỷ đồng, chiếm 10% hoặc hơn kinh phí sản xuất 20 tỷ đồng mà đạo diễn Đức Thịnh từng đề cập.
Bên cạnh thù lao diễn viên, chi phí quảng bá cũng chiếm % không nhỏ trong kinh phí đầu tư của một phim điện ảnh. Đây là con số mà ít nhà sản xuất tại Việt Nam tiết lộ cụ thể.
Tuy nhiên, từ chia sẻ của đạo diễn Lý Hải về thiệt hại sau nhiều lần dời lịch phát hành Lật mặt: 48h, khán giả có thể ước tính con số này. Nói về khoản đầu tư cho khâu quảng bá phim mới, Lý Hải chia sẻ với PV mỗi lần Lật mặt: 48h lùi lịch chiếu, đoàn phim thiệt hại từ 5-7 tỷ đồng.
Có thể thấy trong những năm qua, chi phí quảng bá các tác phẩm điện ảnh Việt đã tăng lên đáng kể, chiếm khoảng trên dưới 10% chi phí sản xuất. Tác phẩm quy mô càng đồ sộ, tầm phủ sóng càng rộng, thì kinh phí quảng cáo càng lớn.
Việc một tác phẩm điện ảnh bị lùi lịch chiếu nhiều lần như hiện nay cũng khiến chi phí quảng bá bị đội lên đáng kể. Việc một bộ phim phải tiến hành truyền thông nhiều lần - mà Lật mặt: 48h là một ví dụ - sẽ khiến chi phí quảng cáo tăng lên đáng kể so với con số 10% ban đầu..
Với kinh phí sản xuất khiêm tốn, chi phí quảng bá tăng cùng khoản tiền không nhỏ trả cho các diễn viên và trang thiết bị, phần đầu tư cho kịch bản và hậu kỳ của phim điện ảnh Việt chỉ ở mức khiêm tốn.
Thêm vào đó, ảnh hưởng của Covid-19 tới thị trường điện ảnh Việt Nam trong năm 2020 và những biến động khó lường trong năm 2021 có thể tiếp tục tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng kịch bản phim điện ảnh Việt.
Khan hiếm biên kịch
Chia sẻ với PV, ông Jung Tae Sun, Tổng giám đốc CJ HK Entertainment, nhận định điện ảnh Việt Nam có rất ít biên kịch.
Ông cho biết mức thù lao dành cho biên kịch cũng ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng kịch bản phim điện ảnh. Nhà đầu tư lấy ví dụ mức lương dành cho biên kịch tự do tại Hàn Quốc rơi vào khoảng 50-100.000 USD cho mỗi kịch bản (chưa tính lợi nhuận nếu phim thành công).
Theo thông tin từ IMDb, kinh phí sản xuất Parasite - bộ phim điện ảnh Hàn Quốc chiến thắng tại hạng mục Phim xuất sắc Oscar 2020 - rơi vào khoảng 11,4 triệu USD. Mức thù lao giả định (chưa bao gồm lợi nhuận) 100.000 USD mà biên kịch được nhận sẽ bằng 0,8% tổng chi phí sản xuất.
Giả định một biên kịch điện ảnh Việt Nam được trả thù lao tương ứng 0,8% kinh phí sản xuất một bộ phim, họ có thể bỏ túi 160 triệu đồng cho mỗi dự án phim 20 tỷ đồng.
Kay Nguyễn, đồng sáng lập A Type Machine - nhóm biên kịch chấp bút cho kịch bản các phim điện ảnh Cô Ba Sài Gòn (2017) và Mắt Biếc (2019) - cho biết: “Có những cái giá thấp ‘trời ơi đất hỡi’, nghe thấy hết hồn, chất xám và công sức của nhà biên kịch bỏ ra mà chỉ được bây nhiêu đó.
Nhưng sẽ có những cái giá làm cho người ta bất ngờ, xứng đáng với thời gian, công sức của bao nhiêu con người xúm vào. Mức thù lao được trả cho nhà biên kịch (Việt Nam) theo trình độ, hay khoảng thời gian họ vào nghề…”.
Theo lời chia sẻ của đạo diễn Lương Đình Dũng, mức thù lao cho nhà biên kịch sẽ phụ thuộc vào tổng kinh phí dành để sản xuất bộ phim: “Nếu nhà sản xuất chỉ có kinh phí 3-5 tỷ đồng cho một bộ phim, thì chi phí cho kịch bản hay dựng phim được phân bổ sẽ ít đi.
Việc trả thù lao thế nào thì vô cùng, nhưng bây giờ không phải là nhà dựng phim hay nhà biên kịch không biết được vị trí và cả mức thù lao họ đáng được nhận”.
Từ chia sẻ của hai nhà làm phim, có thể kết luận năng lực của biên kịch quyết định mức thù lao họ được nhận. Nhưng mức thù lao cũng phụ thuộc vào kinh phí thực hiện bộ phim. Vốn đầu tư càng nhỏ, đồng nghĩa với thù lao biên kịch càng thấp, chất lượng kịch bản càng khó bảo đảm.
Cùng một công việc sáng tác kịch bản có với thời lượng khoảng 90 phút, chênh lệch giữa khoản thù lao vài chục triệu so với vài trăm triệu, hay 100 triệu so với 500 triệu sẽ làm nên cách biệt lớn, quyết định chất lượng nội dung điện ảnh.
Một khi chất lượng kịch bản thấp, dù phim có quy tụ nhiều gương mặt tài tử, minh tinh ăn khách, cánh cửa thành công của tác phẩm đã đóng lại một nửa. Bởi khán giả có thể tới rạp vì ngôi sao, nhưng sức sống của tác phẩm lại hoàn toàn phụ thuộc vào cảm nhận của họ khi phim kết thúc.
Kết quả, bên cạnh những bộ phim kịch bản gốc có doanh thu chục tỷ, trăm tỷ, mỗi năm, điện ảnh Việt cũng xuất hiện không ít phim thảm họa với doanh thu chưa đủ bù kinh phí sản xuất.
Năm 2020, Đỉnh mù sương chưa thu nổi 1 tỷ đồng khi ra rạp. Tôi là não cá vàng, Thang máy, Người cần quên phải nhớ thua lỗ nặng nề. Đầu 2021, điện ảnh Việt mở màn đìu hiu với thất bại về cả chất lượng lẫn doanh thu của Võ sinh đại chiến và Sám hối.
Trong khi đó, những bộ phim với cốt truyện chuyển thể hoặc kịch bản làm lại từ tác phẩm nước ngoài lại chứng minh tính vượt trội về nhiều mặt.
Chúng ít rủi ro hơn phim kịch bản gốc vì thành công của nguyên tác - yếu tố nhà phát hành sẽ bám vào để quảng bá phiên bản làm lại/chuyển thể. Thêm vào đó, độ lùi của thời gian và phản ứng của khán giả với nguyên tác sẽ giúp biên kịch biết được câu chuyện trên màn ảnh của mình cần hạn chế hay cải thiện điều gì.
Cuối cùng, cốt truyện có sẵn giúp tiết kiệm thời gian sáng tác cũng như không đòi hỏi ở biên kịch quá nhiều kỹ thuật để xử lý. Biên kịch Bình Bồng Bột (30 chưa phải Tết) chỉ mất 7 ngày để Việt hóa toàn bộ kịch bản Tiệc trăng máu. Trong quy trình sản xuất công nghiệp, rút ngắn thời gian đồng nghĩa với tiết kiệm chi phí.
Sự gia tăng về số lượng, cũng như hiệu quả kinh tế (hơn 50% phim có doanh thu trên 100 tỷ) của kịch bản chuyển thể khiến các bộ phim Việt xây dựng từ kịch bản gốc trở thành cuộc đầu tư nhiều rủi ro - nhất là thời kỳ hậu Covid-19, khi nhà đầu tư cần nhiều hơn những dự án điện ảnh chắc chắn đạt doanh thu cao.
Về lâu dài, việc thiếu vắng các kịch bản gốc chất lượng và nền điện ảnh phụ thuộc quá nhiều vào phim chuyển thể hay làm lại đồng nghĩa với sự suy giảm về chất lượng đội ngũ biên kịch trong nước. Việc nhà sản xuất chuộng các bộ phim làm lại từ kịch bản nước ngoài cũng tiềm ẩn nguy cơ làm phai nhạt bản sắc điện ảnh Việt Nam.