Phẫu thuật kéo chân để tăng chiều cao có đáng để mạo hiểm?
Với hy vọng đẩy sự nghiệp của mình lên một “tầm cao” mới, chuyên viên tư vấn bán hàng Amit đã chấp nhận trải qua cuộc phẫu thuật “phá xương” để kéo dài chiều cao cơ thể.
Với chiều cao 1,6 mét, Amit (một cái tên giả) cảm thấy như tất cả mọi người đều cao ngất ngưởng phía trên mình. Đang chờ nhận một công việc mới ở Mỹ, anh quyết định thử thay đổi bản thân với bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình và chuyên gia tăng chiều cao Amar Sarin.
“Có thể tôi đúng, có thể tôi sai… thời gian sẽ trả lời. Nhưng vì sự tự tin của chính bạn, tôi nghĩ rằng vài centimet cũng xứng đáng”, Amit, 36 tuổi, cho biết.
Amit đã được bắt dây thép xuyên qua chân, rồi kẹp một chiếc đinh cố định vào khung kim loại bên ngoài - vốn được khoan bắt vào xương chày (hay xương ống chân).
Sau khi phẫu thuật, các thanh đinh cố định khung được mở rộng mỗi ngày để xương tái tạo sẽ lấp đầy khoảng trống giữa các vết gãy trên xương chày.
Đối với Amit, quá trình kéo chân kéo dài hàng tháng với đầy những thấp thỏm. Khi thấy mình tăng chiều cao ít hơn mong đợi, Amit đã yêu cầu gỡ bỏ khung sớm hơn một tuần so với lịch trình.
Với những nỗ lực đầy đau đớn, Amit đã tăng được 3,5 cm. Anh mong sớm được đi lại bình thường và đi du lịch cùng vợ và gia đình.
Kéo dài chân tay không phải là một thủ thuật mới, nhưng việc sử dụng nó vì lý do thẩm mỹ đang gây tranh cãi hơn bao giờ hết.
Ông Dhananjay Gupta, một thành viên của Hiệp hội Chỉnh hình Delhi, cho biết phẫu thuật có yếu tố rủi ro và chỉ nên được thực hiện khi cần thiết, chẳng hạn như cho những bệnh nhân có chiều dài các chi không bằng nhau.
Thật khó để biện minh nếu phẫu thuật kéo chân được thực hiện vì lý do thẩm mỹ, đặc biệt là nếu các biến chứng xảy ra, ông Gupta nói. Trong những trường hợp như vậy, khả năng xảy ra kiện tụng cũng cao hơn.
“Vì sự tự ti hay nhu cầu chính đáng. Ý tôi là, với một người cao 1,52m, tốt thôi, nếu anh ta muốn cao 1,57, 1,60m. Nhưng với một người đã cao 1,67, còn muốn cao lên 1,75 thì đúng là có vấn đề”, ông Gupta nói.
Tuy nhiên, nhu cầu về phẫu thuật kéo chân vẫn tiếp tục tăng ở Ấn Độ, nơi chiều cao rất quan trọng trong ngành công nghiệp người mẫu, showbiz hay tìm kiếm bạn đời.
Không có quy tắc nào ở nước này xác định ai đủ hoặc không đủ điều kiện để kéo dài chân tay.
Sarin, bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật kéo chân cho gần 400 người trong hơn 20 năm, đã nhận được nhiều yêu cầu hơn bình thường vào năm ngoái. Nhiều người làm việc tại nhà trong đại dịch COVID-19 đã tranh thủ khoảng thời gian này để có thể kín đáo phẫu thuật và hồi phục.
Có trụ sở tại Delhi, ông Sarin được đào tạo theo phương pháp Ilizarov, được đặt theo tên bác sĩ vùng Siberia (Nga) Gavriil Ilizarov, người đã phát minh ra phương pháp kéo chân vào năm 1951. 9 trong số 10 yêu cầu mà Sarin nhận được là từ nam giới.
Bệnh nhân của ông, đến từ khắp nơi trên thế giới, thường kéo chân tăng chiều cao từ 7 đến 14 cm. Sarin thường tính phí 20.000 USD một ca, thấp hơn nhiều so với mức 75.000 USD mà một bệnh nhân có thể phải trả ở Mỹ.
Khi thực hiện kéo dài chân tay vì lý do thẩm mỹ, ông cho biết ranh giới đạo đức của y học hiện đại đã thay đổi. Lấy ví dụ về những yêu cầu như hạ xương gò má hay gọt cằm – những phẫu thuật phù phiếm, Sarin đặt câu hỏi: “Phẫu thuật kiểu đó thì có đạo đức hay không?”. “Chuyện này rất tế nhị, và chỉ có một ranh giới rất mỏng giữa chúng. Tôi muốn nói rằng đó là một lựa chọn cá nhân, không phải lựa chọn của tôi”, ông giải thích.
Bác sĩ Sarin cho biết, tăng chiều cao có thể giúp mọi người cảm thấy như được trao quyền. Những người tìm đến ông đều có lý do và rất khó để từ chối họ.
Tuy nhiên, Sarin vẫn từ chối phần lớn các yêu cầu kéo dài chân tay và thảo luận với các đồng nghiệp bác sĩ tâm thần và nhà tâm lý học trước khi quyết định có thực hiện phẫu thuật hay không.
Ông nói đùa rằng mình có sự cạnh tranh từ con gái Kamna, một nhà tâm lý học lâm sàng. Kamna tư vấn cho những người đang nghĩ đến việc kéo dài chân tay và giúp họ giải quyết những suy nghĩ tiêu cực.
Tuy nhiên, khi Kamna 16 - 17 tuổi - và thấp hơn nhiều so với chị gái, cô suốt ngày đòi cha làm cho mình cao hơn.
“Ở trường, các bạn gái xung quanh tôi đã cao vọt. Tôi luôn lùn nhất giữa tất cả bạn bè của mình ”, Kamna nhớ lại. Nhưng sau khi cân nhắc về cơn đau và nhiều tháng phải bất động sau ca phẫu thuật, Kamna quyết định việc đó là không đáng.
Cô nói rằng phẫu thuật có thể là một giải pháp dễ dàng. “Nhưng nó đến từ khoảng trống bên trong, và nếu bạn không bắt tay vào giải quyết khoảng trống đó, thì cứ chạy theo giải quyết từ bên ngoài. Và nó có thể trở thành một chứng nghiện nào đó".
“Bạn có thể đã có những gì bạn muốn trong rất nhiều năm; bạn đã có chiều cao mà bạn muốn. Nhưng nếu bạn vẫn không hạnh phúc, thì sao?", Kamna nêu vấn đề.
Một người khác cũng ủng hộ việc chấp nhận chiều cao tự nhiên của một người là Ajay Patel, sau khi rút được bài học đau đớn từ chính bản thân.
Patel đã bỏ qua những lời khuyên của bác sĩ về kéo dài chân để tăng chiều cao. Cuối cùng anh bị nhiễm trùng sau ca phẫu thuật và phải trải qua nhiều cuộc mổ khác. Có lúc, anh cảm thấy mình sẽ không bao giờ hồi phục và thậm chí còn nói với mẹ: “Hãy đầu độc con để con được chết”.
Patel cuối cùng gặp một chuyên gia khác và trải qua ca phẫu thuật thứ sáu. May mắn là anh đã đi lại được vài tháng sau đó.
Patel tin rằng vị bác sĩ đầu tiên đã thử nghiệm trên cơ thể anh, dù bà bác sĩ tuyên bố tất cả các cuộc phẫu thuật đều được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn.
Sau đó, Patel được biết rằng sự kém phát triển chiều cao của anh là do xương hông không phát triển đúng cách. Ngày nay, anh vẫn cao 1,52 mét và không còn tin vào việc tăng chiều cao “bằng vũ lực”.
“Nếu chiều cao của bạn không tăng thì đó không phải là vấn đề lớn. Bạn chỉ cần học tốt và tích cực với cuộc sống của mình. Bất kể người khác nói gì, đừng để điều đó chiếm lấy tâm trí của bạn”, anh nói.
Tin nổi bật
Tin Video