Phát triển xe đạp công cộng tại Hà Nội: Căn cơ từ quy hoạch hạ tầng
(VOVTV) - Hà Nội đang nghiên cứu, triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng để phục vụ người dân và khách du lịch trong năm nay. Tuy nhiên, để thúc đẩy người dân đi xe đạp, sử dụng xe đạp công cộng lâu dài, vấn đề căn cơ là phải quy hoạch mạng lưới, thiết kế đường chuyên biệt cho phương tiện này.
Từ năm 2014, Hà Nội đã tiến hành thí điểm đề án cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng tại 4 điểm trường Đại học. Mục tiêu của đề án đưa ra giúp giảm ùn tắc giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguồn nhiên liệu để hướng tới Thủ đô xanh - sạch - đẹp. Tuy nhiên, các điểm cho thuê xe đạp này chỉ hoạt động trong một thời gian rất ngắn rồi bị “đắp chiếu” do “ế” khách và thiếu nguồn lực để duy trì dịch vụ. Mới đây, Hà Nội đang chuẩn bị tiếp tục triển khai “mô hình xe đạp công cộng” đang thu hút được sự quan tâm lớn từ người dân Hà Nội.
Bên cạnh việc mong đợi được trải nghiệm cũng có nhiều câu hỏi đặt ra: Liệu dự án có thành công sau thất bại của mô hình này năm 2014?
Những băn khoăn của người dân là có cơ sở bởi trong quy hoạch đô thị, Hà Nội hầu như chưa tạo ra các làn đường dành riêng cho xe đạp và có những ưu tiên nhất định cho loại phương tiện này. Việc thiếu hạ tầng cho xe đạp đã phần nào ngăn cản người dân sử dụng thường xuyên hơn loại phương tiện này, cũng như khiến dịch vụ xe đạp công cộng khó phát triển.
Xu hướng phát triển đô thị bền vững trên thế giới đang đề cao vai trò của xe đạp - loại phương tiện xanh, sạch, thân thiện môi trường, hỗ trợ dịch vụ vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn. Nhiều nước trên thế giới như: Hà Lan, Đức, Pháp… khuyến khích xe đạp bằng cách xây cầu, làn đường dành riêng cho xe đạp hay có bãi đỗ xe cố định cho loại hình này. Các chuyên gia cho rằng, TP Hà Nội cũng cần có những chính sách xây dựng hệ thống hạ tầng mang tính chất định hướng cho phát triển xe đạp tại khu vực trung tâm đô thị rồi mới phát triển rộng rãi.
Phát triển hệ thống vận tải công cộng bằng xe đạp đô thị đến thời điểm này là cần thiết đối với Hà Nội. Nhưng để triển khai bài bản, bền vững, đòi hỏi thành phố phải xác định được tầm nhìn, mục tiêu phát triển. Từ đó chuẩn bị điều kiện về hạ tầng, về chính sách ưu tiên sử dụng đường riêng, chính sách đảm bảo an toàn, an ninh cho người sử dụng… Nếu không, dự án thí điểm thực hiện sẽ có nguy cơ thất bại như những lần trước đó.