Phạt nguội còn bất cập?
(VOVTV) - Việc phạt nguội hiện đang còn nhiều điểm bất cập, gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi thực thi công vụ cũng như người vi phạm khi chấp hành xử phạt.
Xử phạt hành chính về vi phạm luật giao thông được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Hiện nay, hình thức phạt nguội là xử phạt sau hành vi vi phạm, được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, hình thức xử phạt này không được thực hiện cùng thời điểm vi phạm.
Tuy nhiên, việc phạt nguội hiện đang còn nhiều điểm bất cập, gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi thực thi công vụ cũng như người vi phạm khi chấp hành xử phạt.
Điều 56 - 57, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản và có lập biên bản. Các trường hợp vi phạm được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật thì phải lập biên bản và được tiến hành ngay khi xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm.
Trên thực tế, có trường hợp xe vi phạm nhưng cơ quan chức năng không gửi giấy báo phạt cho chủ xe, mà chuyển thẳng đến đơn vị đăng kiểm. Đến khi chủ xe đi đăng kiểm mới phát hiện mình vi phạm. Theo luật quy định như hiện nay, người vi phạm cho dù cách xa nơi vi phạm đến đâu cũng vẫn phải đến tận nơi để xử lý theo quy định.
Anh Nguyễn Đức Anh, nhà ở Hà Nội, cho hay: "Tôi đi qua Tuyên Quang bị xử lý vi phạm lỗi quá tốc độ. Sau đó mới nhận được thông báo nên phải quay lại để xử lý vi phạm mất thời gian, công sức..."
Cách phạt nguội hiện nay là khi phát hiện phương tiện vi phạm qua thiết bị camera, máy đo tốc độ, lực lượng cảnh sát sẽ trích xuất biển số xe, gửi kèm thông báo về công an địa phương, nơi phương tiện đăng ký để báo cho chủ xe đi nộp phạt. Nếu quá thời hạn, chủ phương tiện chưa nộp phạt, cơ quan chức năng sẽ gửi giấy báo phạt đến đơn vị đăng kiểm. Những xe chưa nộp phạt sẽ bị cơ quan đăng kiểm từ chối đăng kiểm.
Thiếu tá Lê Duy Hiển, Phó Đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Tuyên Quang, cho biết: "Vi phạm quá tốc độ thì phải có hình ảnh chứng minh người vi phạm. Theo quy định thì người vi phạm phải đến trụ sở xem hình ảnh chứng minh bị vi phạm sau đó mới xử lý."
Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định, biên bản vi phạm hành chính phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản, họ, tên, chức vụ người lập biên bản, họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm.
Biên bản được lập thành ít nhất 2 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký.
Như vậy, trong trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ sau đó tiến hành phạt nguội, các yêu cầu về lập biên bản nội dung của biên bản… đều không đáp ứng được các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Ông Đỗ Văn Lai, Chánh Văn phòng Ban an toàn giao thông tỉnh Tuyên Quang, nêu ý kiến: "Ví dụ tôi ở Tuyên Quang vi phạm ở Hà Nội thì tôi có thể nộp phạt tại Kho bạc tỉnh Tuyên Quang, sau đó gửi bên lai qua bưu điện cho Công an Hà Nội biết để trả bằng lái cho tôi qua bưu điện để đỡ tốn thời gian..."
Hiện nhiều trường hợp vi phạm bị xử phạt hành chính, nhưng lại chịu thêm hình thức phạt tạm giữ giấy phép lái xe một vài tháng, thậm chí tạm giữ phương tiện. Vấn đề đặt ra là người vi phạm không nhận được thông báo, bị “treo” bằng vài tháng khi người vi phạm tiếp tục điều khiển phương tiện chẳng may gây ai nạn giao thông thì các cơ quan chức năng sẽ xử lý như thế nào?
Hiện nay, pháp luật quy định hình ảnh trích xuất trong camera chỉ là một nguồn tài liệu để phục vụ giúp cho việc xác định vi phạm, chỉ để làm cơ sở giúp cho việc củng cố chứng cứ phạm tội. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, theo hướng tách các quy định về sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc xử lý vi phạm hành chính sẽ nâng cao hiệu quả và tiết kiệm chi phí cho xã hội.
Tin nổi bật
Tin Video