Phát hiện di tích người tiền sử cách ngày nay khoảng 10.000 năm
Các chuyên gia, nhà khảo cổ mới đây đã phát hiện tại hang Dơi xã Gia Tường, huyện Nho Quan (Ninh Bình) có di tích người tiền sử. Di tích này có niên đại trên dưới 10.000 năm cách ngày nay.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình cho biết, trong quá trình thực hiện đề án "Nghiên cứu lịch sử vùng đất từ ngã ba sông Bôi đến Kinh đô Hoa Lư trong giai đoạn đầu Công nguyên đến thời kỳ Nhà nước Đại Cồ Việt", các chuyên gia đến từ Viện Khảo cổ học; Viện sử học và Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình đã phát hiện tại hang Dơi có di tích người tiền sử.
Khu vực hang Dơi - nơi phát hiện di tích người tiền sử nằm bên dòng sông Na, thuộc dãy núi Bài Ngô (thôn Đầm Bái, xã Gia Tường, huyện Nho Quan, Ninh Bình), có cửa hang ở độ cao khoảng 30m so với bề mặt ruộng.
Trong lòng hang có diện tích khoảng 200m2, các chuyên gia, nhà khảo cổ phát hiện xuất hiện nhiều hố sụt, bên vách hang có xuất lộ những lớp trầm tích dày khoảng 2m gồm: vỏ ốc núi, ốc suối, nhuyễn thể nước ngọt (trai, hến) nhuyễn thể biển (hầu, sò) cùng những mảnh xương động vật cháy xém cho thấy có dấu tích sử dụng lửa.
Theo nhận định ban đầu của các chuyên gia, di tích này có niên đại trên dưới 10.000 năm cách ngày nay.
Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình cho hay, việc phát hiện di tích người tiền sử ở hang Dơi có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh môi trường thời tiền sử ở giai đoạn trên dưới 10.000 năm. Nó tiếp tục cung cấp những thông tin thú vị về cuộc sống của người tiền sử tại Ninh Bình.
Trước đó, cũng tại khu vực này, các nhà khoa học đã phát hiện di tích hang Bụt (Xã Lạc Vân) có niên đại khoảng 6.000 năm cách ngày nay. Và trong không gian rộng hơn đã phát hiện hàng loạt các di tích khảo cổ học tiền sử có niên đại từ 4.000 đến 30.000 năm cách ngày nay ở Quần thể danh thắng Tràng An và Núi Kỳ Lân (xã Gia Phương, huyện Gia Viễn).
Tin nổi bật
Tin Video