Phạt gã vỗ mông phụ nữ 200.000 đồng, làm sao đủ sức răn đe?
Mức phạt 200.000 đồng chưa đủ răn đe so với những gì nạn nhân phải hứng chịu là chưa tương xứng, điều này cũng không đủ sức ngăn chặn kẻ đồi bại tái phạm.
Công an phường An Phú (quận 2, TP.HCM) vừa xử phạt gã ngoại quốc 200.000 đồng về hành vi vỗ mông phụ nữ trong thang máy ở chung cư The Sun Avenue.
Mức phạt này dựa trên quy định tại Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP về Vi phạm quy định về trật tự công cộng. Vụ việc gợi nhớ đến người đàn ông sàm sỡ, cưỡng hôn cô gái trong thang máy chung cư ở Hà Nội gây ồn ào vào tháng 3 vừa qua. Gã này cũng chỉ nhận mức phạt 200.000 đồng.
Nhạo báng nhân phẩm phụ nữ
Trao đổi với Zing, luật sư Nguyễn Ngọc Việt (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng xử lý hành vi quấy rối tình dục với mức phạt hành chính 200.000 đồng là không thỏa đáng và không đủ sức răn đe với người khác.
Với những sự vụ mang tính nhạy cảm và làm tổn hại đến tinh thần con người thì bồi thường tiền bạc chỉ là thủ tục hành chính. Theo luật sư Việt, mức phạt này là một sự nhạo báng nhân phẩm phụ nữ bởi đa phần các vụ sàm sỡ, quấy rối tình dục (QRTD) thì nạn nhân đều là nữ.
Nạn nhân bị xâm hại cả về thể chất, danh dự và chịu nhiều tổn thương về tinh thần, còn thủ phạm thì chỉ mất khoản tiền 200.000 đồng để thỏa mãn dục vọng.
"Nếu luật không thay đổi thì ngày càng nhiều những vụ quấy rối tình dục như hành vi vỗ mông, sàm sỡ trong thang máy. 'Cùng lắm chỉ bị phạt 200.000 đồng' sẽ nằm trong suy nghĩ của những cá nhân có ý định quấy rối phụ nữ", luật sư Việt nói.
Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng việc quấy rối, sàm sỡ rất dễ bắt gặp trong cuộc sống, nhưng các chế tài xử lý hành vi quấy rối tình dục ở Việt Nam chưa rõ ràng. Điều này bắt nguồn từ nguyên nhân khó tìm ra bằng chứng, chứng cứ.
Các vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục cũng phải cần xác định nạn nhân bị xâm hại ở mức độ nào, thiệt hại ra sao mới có thể xử lý. Nếu không chứng minh được thiệt hại thì không có căn cứ truy cứu hình sự. Đó là nguyên nhân khiến việc xử lý hành vi quấy rối tình dục chưa tồn tại trong Bộ luật Hình sự.
Theo Nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ, nếu người bị sàm sỡ, quấy rối trên 16 tuổi thì người bị tố cáo chỉ phải chịu mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng nếu có lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
"Như vậy, mức phạt cho hành vi quấy rối tình dục chỉ bằng khoản tiền xử phạt hành chính các lỗi vi phạm giao thông nhẹ", luật sư so sánh.
Mức phạt chưa đủ răn đe so với những gì nạn nhân phải hứng chịu là chưa tương xứng. Điều này cũng không đủ ngăn chặn kẻ đồi bại tái phạm.
Luật sư Giáp cho rằng để quấy rối tình dục không còn là vấn nạn của xã hội, pháp luật cần phải nâng mức phạt và điều chỉnh khắt khe, cụ thể hơn các quy định, chế tài xử lý hành vi này.
Các nước xử phạt hành vi quấy rối ra sao?
Tháng 9/2019, Bộ Công an công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 167/2013 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội…) để lấy ý kiến góp ý rộng rãi.
Tại dự thảo, lần đầu tiên Bộ Công an bổ sung quy định xử phạt người có hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục (QRTD); khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng với mức phạt 3-5 triệu đồng.
Ngoài mức phạt tiền tương xứng, dự thảo cũng đưa ra hình thức phạt bổ sung, buộc người vi phạm phải xin lỗi công khai khi có hành vi sàm sỡ, QRTD.
Hình phạt này được nhiều chuyên gia đánh giá trực tiếp tác động danh dự, nhân phẩm của người vi phạm trước cộng đồng, có tính răn đe cao.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 167/2013 đã tách biệt các hành vi sàm sỡ, QRTD với hành vi có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm khác.
Tuy nhiên đến nay, dự thảo này vẫn chưa đi vào thực tế.
Trong khi đó, các nước phương Tây quy định rất rõ các định nghĩa và khung hình phạt cho từng tội danh liên quan đến tình dục, tùy thuộc mức độ nghiêm trọng.
Phạt gã vỗ mông phụ nữ 200.000 đồng, làm sao đủ sức răn đe
Sau khi bị vỗ mông trong thang máy chung cư, chị H.L. cho biết người đàn ông nước ngoài gây ra việc này còn liên tục gọi điện đe dọa.
Ở Mỹ, luật pháp từng bang cũng có sự khác biệt, trong đó bang Texas được cho là có luật pháp hà khắc nhất cho tội phạm tình dục.
Các bang ở Mỹ đều xếp tội phạm tình dục vào nhóm rất nghiêm trọng. Ở Texas, khi bị kết tội liên quan đến tấn công tình dục, một người có thể chịu án tù từ 2 năm đến chung thân với mức tiền phạt lên đến 10.000 USD (khoảng 230 triệu đồng).
Luật pháp Mỹ cũng quy định rất rõ các tội liên quan đến quấy rối tình dục như hành vi động chạm đến thân thể người khác mà không được cho phép nhằm thỏa mãn nhục dục hay có lời nói, cử chỉ mang tính nhục dục xâm phạm đến thân thể, nhân phẩm của người khác. Người vi phạm có thể bị phạt tù đến 2 năm và phạt tiền đến 10.000 USD.
Ngoài hình phạt tù và phạt tiền, luật pháp Mỹ cũng có thêm nhiều các hình thức quản chế sau khi người bị kết án ra tù. Những hình phạt này sẽ không được thẩm phán đưa ra tại tòa nhưng luôn được áp dụng với tất cả tội phạm tình dục sau khi bị kết tội.
Những người bị kết án sẽ phải ghi án tích một cách công khai là tội phạm tình dục kể cả sau khi mãn hạn tù. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, án tích có thể kéo dài từ 10 năm đến vĩnh viễn.
Canada cũng xếp các loại tội phạm tình dục vào nhóm rất nghiêm trọng với 4 mức độ, thấp nhất là 6 tháng tù và tiền phạt là 2.000 CAD (khoảng 38 triệu đồng) cho đến chung thân. Hai hình thức phạt tội nặng nhất là tấn công tình dục nghiêm trọng và dùng vũ khí tấn công tình dục, tấn công thân thể, đe dọa đến bên thứ 3.
Các hành vi như động chạm đến thân thể, bộ phận nhạy cảm hoặc có các lời nói, cử chỉ ám chỉ đến các hoạt động tình dục mà không được sự đồng ý của nạn nhân cũng bị coi là quấy rối tình dục và người vi phạm bị phạt tù đến 2 năm.
Ngày 11/7, chị H.L. đi vào thang máy để trở về căn hộ tại chung cư thì gặp ông M.J. (44 tuổi, quốc tịch Estonia). Quen biết nhau trước đó, hai người chào hỏi, trò chuyện trong lúc chờ thang máy.
Khi chị L. ra khỏi thang máy, người đàn ông nước ngoài bất ngờ vỗ vào mông chị. Sau sự việc, chị đã đến cơ quan công an với ý định tố cáo ông M.J. vì hành vi quấy rối nơi công cộng. Tuy nhiên, theo chị L., chủ căn hộ mà vợ chồng M.J. đang thuê đã gặp mặt và thuyết phục L. hòa giải, hứa hẹn rằng sẽ chấm dứt hợp đồng thuê nhà tại căn hộ này vào tháng 11/2020. Do đó, chị đã chấp nhận hòa giải.
Tuy nhiên, 4 tháng sau sự việc, chị L. thấy người đàn ông này vẫn chưa rời đi. Chị quyết định làm đơn tố cáo gửi đến công an.