Pháp: Tranh cãi về trách nhiệm hình sự của các quan chức xử lý đại dịch Covid-19
(VOVTV) - Vụ việc cựu Bộ trưởng Y tế Pháp, Agnès Buzyn bị chính thức điều tra tư pháp liên quan vì trách nhiệm xử lý đại dịch Covid-19 đang làm nổ ra nhiều tranh luận tại Pháp và châu Âu về trách nhiệm hình sự của các quan chức chính quyền trong xử lý đại dịch.
Cựu Bộ trưởng Y tế Pháp, bà Agnès Buzyn chính thức bị Tòa án công lý Cộng hòa của Pháp đặt vào diện điều tra tư pháp hôm 10/9 với cáo buộc “đặt sinh mạng người khác vào tình thế nguy hiểm” do cách quản lý gây nhiều tranh cãi trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19 tại Pháp, đặc biệt là thời điểm tháng 2/2020, khi dịch đã bùng phát tại Trung Quốc và các ca mắc Covid-19 đầu tiên xuất hiện tại Pháp.
Sự việc này đang gây ra rất nhiều tranh luận tại Pháp. Những người ủng hộ chính quyền lo ngại việc điều tra bà Agnès Buzyn sẽ kéo theo hiệu ứng domino, buộc Tòa án công lý Cộng hòa của Pháp điều tra thêm nhiều quan chức khác có liên quan, bao gồm cựu Thủ tướng Pháp Édouard Philippe, người từ chức vào tháng 7/2020, đương kim Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran và Tổng cục trưởng Tổng cục Y tế Pháp, Jérôme Salomon.
Từ nhiều tháng qua, những quan chức này đã phải đối mặt với nhiều chỉ trích, cáo buộc và đơn kiện liên quan đến việc xử lý yếu kém đại dịch Covid-19, trong đó nổi bật nhất là việc thiếu vật tư y tế, thâm hụt kho dự trữ khẩu trang chiến lược vào đầu năm 2020 cũng như việc chậm trễ trong đặt mua và triển khai chiến lược tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Các nhân vật này đều đã phải xuất hiện trong các phiên điều trần của Quốc hội Pháp thời gian qua và đối mặt nguy cơ bị điều tra tư pháp như bà Agnès Buzyn. Nếu kịch bản này xảy ra, các quan chức này hoàn toàn có thể sẽ bị Tòa án công lý Cộng hòa (CJR) Pháp kết án. Theo ông Didier Rebut, Giáo sư luật tại trường Đại học Paris 2, Panthéon-Assas, việc các quan chức bị xét xử trách nhiệm vì những gì đã làm khi đương chức đang trở nên phổ biến hơn tại Pháp.
“Việc xét xử các quan chức tương đối hiếm nhưng đang có xu hướng gia tăng. Việc này có khả năng thực hiện được là nhờ sự thành lập Tòa án công lý Cộng hòa tại Pháp từ hơn 20 năm qua. Dù có rất ít vụ được xử nhưng cũng đã có những vụ được xét xử và kết án. Có thể thấy là xu hướng này đang gia tăng tại Pháp", Giáo sư Didier Rebut cho hay.
Tại Pháp, Tòa án công lý Cộng hòa được thành lập năm 1993 và được giao chức trách là thiết chế tư pháp duy nhất xét xử các quan chức chính quyền vì các sai phạm mà những quan chức này mắc phải trên cương vị chính quyền của mình.
Mặc dù được coi là một bước tiến lớn nhằm gia tăng trách nhiệm của các quan chức chính quyền, buộc những người này phải chịu trách nhiệm hình sự nếu phạm phải các sai lầm lớn trong thực thi chức trách nhưng nhiều chuyên gia luật tại Pháp cũng cho rằng, việc có quá ít quan chức Pháp bị xét xử trong hơn 2 thập kỷ qua có thể khiến người dân Pháp đánh mất lòng tin vào hệ thống tư pháp khi cho rằng các quan chức có đặc quyền tư pháp riêng.
Bà Agathe Cagé, chuyên gia chính trị học, cho rằng, vụ việc điều tra tư pháp bà Agnès Buzyn vì việc xử lý đại dịch Covid-19 có thể là bước ngoặt để đẩy hệ thống tư pháp của Pháp tiến thêm một bước, đó là xét xử các quan chức chính quyền bằng các tòa án giống như dân thường.
“Cần phải tăng cường lòng tin của dân chúng vào các thiết chế và hành động của chính phủ. Muốn như thế, cần phải xóa bỏ Tòa công lý Cộng hòa và khi đó, các thành viên chính phủ sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự trước các Tòa án thông thường. Tòa công lý Cộng hòa đáp ứng được các nhu cầu khi nó được thành lập năm 1993 nhưng hiện nay điều nghịch lý là nó đang được nhìn nhận như một đặc quyền tư pháp giúp các thành viên chính phủ thoát khỏi các Tòa án thông thường”, bà Agathe Cagé đánh giá.
Tuy nhiên, cũng đang có nhiều tiếng nói lên tiếng chỉ trích việc Tòa công lý Cộng hòa Pháp điều tra khởi tố cựu Bộ trưởng Y tế Agnès Buzyn. Chủ tịch vùng Ile-de France, đồng thời là ứng cử viên Tổng thống Pháp, bà Valerie Pécresse cho rằng việc này có thể làm tê liệt hệ thống chính quyền do các quan chức sẽ ngần ngại thực thi chức trách do lo ngại bị khởi tố hình sự nếu sai phạm.
Nhiều tiếng nói khác cũng cho rằng, hành động của Tòa án công lý Cộng hòa Pháp đang làm xói mòn vai trò kiểm tra và giám sát của Quốc hội Pháp, tạo ra nguy cơ xung đột giữa các nhánh quyền lực.
Ông Bernard-Henri Levy, một triết gia nổi tiếng tại Pháp nhận định: “Đang có một bầu không khí hình sự đầy dân túy. Với việc lục soát nhà các Bộ trưởng, rồi bây giờ là việc điều tra tư pháp với bà Agnès Buzyn, tôi nghĩ là ngành tư pháp đang trên đà vượt quá các quyền hạn của mình”.
Không chỉ giới hạn trong các tranh luận tại Pháp, việc cựu Bộ trưởng Y tế Pháp Agnès Buzyn bị điều tra và đối mặt các án phạt hình sự liên quan đến việc xử lý đại dịch Covid-19 đang dấy lên câu hỏi tại nhiều nước khác tại châu Âu về trách nhiệm của các quan chức, đặc biệt khi châu Âu là một trong các khu vực chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất của đại dịch Covid-19 trong hai năm qua.
Tại Anh, nước có hơn 134.000 người thiệt mạng vì Covid-19, cao nhất châu Âu, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã phải chấp nhận mở một cuộc điều tra độc lập về cách thức chính phủ Anh xử lý đại dịch. Cuộc điều tra này sẽ tiến hành từ đầu năm 2022. Tại Italy, chính quyền nhiều vùng ở miền Bắc Italy cũng đã bị kiện ra Tòa vì để đại dịch Covid-19 hoành hành dữ dội tại đây trong giai đoạn tháng 3 - 4/2020.
Tin nổi bật
Tin Video