Pháp tiếp tục điều tàu chiến tới Biển Đông
Các tàu sân bay đổ bộ của Pháp sẽ đi qua Biển Đông hai lần và tham gia một cuộc tập trận kết hợp với quân đội Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản vào tháng 5.
Theo SCMP, Hải quân Pháp cho biết, hôm 7/5, tàu sân bay trực thăng Tonnerre và tàu hộ vệ hạm Surcouf đã rời cảng Toulon và sẽ đến Thái Bình Dương trong một sứ mệnh kéo dài 3 tháng. Trong tháng 5, hai chiến hạm này sẽ đi qua Biển Đông hai lần.
Theo lịch trình, tàu sân bay trực thăng Tonnerre và tàu hộ vệ hạm Surcouf sẽ tham gia những cuộc diễn tập quy mô lớn cùng hải quân các quốc gia đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có nhóm “Bộ tứ” - QUAD gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ.
Đại úy Arnaud Tranchant, sĩ quan chỉ huy tàu Tonnerre, cho biết, hải quân Pháp sẽ "làm việc để tăng cường" quan hệ đối tác của Pháp với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.
Năm 2015 và 2017, các tàu hải quân Pháp cũng đã đi qua Biển Đông. Tuy nhiên, các phân tích cho rằng, việc liên tục điều tàu chiến đến Biển Đông là dấu hiệu cho thấy Pháp đẩy mạnh can dự ở khu vực này.
Trước đó, Pháp quyết định điều tàu ngầm tấn công hạt nhân SNA Emeraude cùng chiến hạm hỗ trợ BSAM Seine đã di chuyển qua Biển Đông hôm 8/2.
Pháp có các vùng đặc quyền kinh tế ở Thái Bình Dương bao quanh các lãnh thổ hải ngoại của nước này. Paris cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền tự do hàng hải trong khu vực.
Các cường quốc châu Âu khác như Anh và Đức cũng được cho là sẽ triển khai tàu chiến tới khu vực, thách thức các yêu sách hàng hải phi lý của Trung Quốc. Sự tham gia ngày càng tăng của các cường quốc châu Âu vào địa chính trị khu vực phù hợp với các ưu tiên chiến lược của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông Biden nhấn mạnh cam kết "làm việc với các đồng minh và đối tác" dựa trên "các quy tắc, luật lệ quốc tế".
Các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông và nỗ lực tiến vào Ấn Độ Dương của nước này được coi là thách thức hệ thống dựa trên luật lệ đã được thiết lập. Trong vài tháng qua, Trung Quốc đã gia tăng các hoạt động hàng hải ở cả Biển Đông và biển Hoa Đông. Đây được xem là phản ứng của Bắc Kinh nhằm đáp lại sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Washington trong khu vực.
Tin nổi bật
Tin Video