Pháp tiếp tục chia rẽ sâu sắc sau khi ban hành Luật cải cách hưu trí mới
(VOVTV) - Nước Pháp tiếp tục rơi vào chia rẽ sâu sắc sau khi Luật cải cách hưu trí mới được ban hành.
Tổng thống Emmanuel Macron dự kiến sẽ có bài diễn văn giải thích cũng như xoa dịu sự phẫn nộ của người dân, trong khi lực lượng đối lập và các nghiệp đoàn lao động từ chối đối thoại và tuyên bố sẽ tiếp tục đấu tranh phản đối.
Trước làn sóng phẫn nộ đối với Luật cải cách hưu trí mới vừa được ban hành, Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết, ông Emmanuel Macron sẽ có bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình trước người dân Pháp vào tối nay (17/4).
Trong bài phát biểu, Tổng thống Pháp Macron sẽ đề cập tới những tác động đối với nước Pháp trong hơn 3 tháng đầy sóng gió vừa qua, đồng thời sẽ nhấn mạnh những mặt tích cực mà luật cải cách hưu trí mới sẽ đưa đến cho người dân, nhất là giúp giải quyết công ăn việc làm và giảm thuế khoá.
Tại Hội nghị đảng “Phục hưng” của Tổng thống Macron hôm qua, Thủ tướng Pháp bà Elisabeth Borne cũng nhấn mạnh quyết tâm đẩy nhanh cải cách hưu trí, đồng thừa nhận đây là cải cách khó khăn nhưng cần thiết.
Theo bà Elisabeth Borne: “Sẽ không có bên thắng bên thua. Tôi biết rằng cải cách này sẽ khó khăn. Tôi cũng hiểu rằng cải cách này đòi hỏi sự cố gắng của tất cả người dân Pháp bởi nó liên quan đến từng người. Nhưng đây là cải cách cần thiết để đảm bảo tương lai của hệ thống hưu trí của chúng ta”.
Thủ tướng Pháp bà Elisabeth Borne cho biết sẽ nỗ lực lần lượt thúc đẩy những vấn đề ưu tiên khác đặt ra từ đầu nhiệm kỳ như tạo việc làm cho mọi người dân, đảm bảo công bằng xã hội, thúc đẩy vấn đề y tế và giáo dục và hướng tới một nền công nghiệp xanh.
Người đứng đầu chính phủ Pháp cũng khẳng định sẵn sàng đối thoại với các nghiệp đoàn lao động và giới chủ Pháp để xây dựng lộ trình triển khai trong thời gian tới.
Trong khi đó, các cuộc biểu tình tự phát tiếp tục diễn ra trên toàn nước Pháp, nhất là tại trung tâm thủ đô Paris và thành phố Rennes khi một số trung tâm thương mại đã bị đập phá hôi của, nhiều xe ô tô bị đốt cháy và xảy ra xô xát giữa người biểu tình và lực lượng an ninh.
Các nghiệp đoàn lao động Pháp đã từ chối đề nghị đối thoại từ Tổng thống Emmanuel Macron và chỉ trích ông Macron đã xem thường ý kiến của người dân lao động khi vội vã ký ban hành luật cải cách hưu trí mới.
Các nghiệp đoàn lao động Pháp tuyên bố cuộc đấu tranh vẫn chưa kết thúc và sẽ phát động Ngày đình công và tuần hành thứ 13 vào ngày 28/4 và đặc biệt là kêu gọi toàn thể người dân Pháp hưởng ứng tham gia Ngày quốc tế lao động 1/5 tới để tạo ra “Cơn sóng thần nhân dân”.
Các đảng cánh tả đối lập (NUPES) gọi ông Emmanuel Macron là Tổng thống của sự hỗn loạn và kêu gọi người dân Pháp xây dựng nền Cộng hòa thứ VI để giảm bớt quyền lực của Tổng thống.
Đảng cực tả “Nước Pháp bất khuất” (LFI) cho biết sẽ liên kết với các nghị sĩ độc lập trong Quốc hội (LIOT) gửi kiến nghị bất tín nghiệm đối với Thủ tướng Elisabeth Borne ngay khi Quốc hội họp trở lại vào ngày 20/4 tới. Trong lần kiến nghị gần nhất, chính phủ đương nhiệm suýt bị lật đổ chỉ nhờ hơn 9 lá phiếu ủng hộ.
Các nhà phân tích địa bàn nhận định nước Pháp đang bị chia rẽ toàn diện cả về chính trị, kinh tế và xã hội. Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy 60% người Pháp ủng hộ các cuộc tuần hành tiếp tục diễn ra và 71% phản đối luật cải cách hưu trí mới.
Theo lộ trình, luật cải cách hưu trí mới sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 9/2023./.