Pháp: Liên tiếp các vụ việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm
(VOVTV) - Trang điện tử “Nhắc nhở tiêu dùng” (Rappel Conso) của chính phủ Pháp ngày 15/5 đã thông báo khẩn cấp về một loại bánh mì ngũ cốc do chuỗi siêu thị Lidl của Đức sản xuất từ ngày 3-13/5 bị nghi ngờ nhiễm kim loại và cần được thu hồi.
Đây là vụ việc gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm thứ 3 xảy ra chỉ trong thời gian ngắn gần đây tại Pháp.
Trong thông báo khẩn đưa ra tối 15/5, trang tin điện tử “Nhắc nhỏ tiêu dùng” (Rappel Conso) thuộc chính phủ Pháp khuyến cáo người dân không tiêu thụ sản phẩm bánh mì làm từ ngũ cốc loại 250g và không có nhãn mác do chuỗi siêu thị lớn LIDL của Đức sản xuất và phân phối tại Pháp trong thời gian từ ngày 3 đến 13/5. Theo trang tin, loại bánh mì này bị nghi ngờ chứa một thành phần kim loại gây tổn hại sức khoẻ người tiêu dùng.
Tập đoàn LIDL ngay sau đó ra thông báo thu hồi sản phẩm trên toàn nước Pháp và sẽ hoàn tiền cho người tiêu dùng đã mua bánh mì bị nghi nhờ nhiễm kim loại trên. Một đường dây nóng cũng được thiết lập để tiếp nhận khiếu nại và hướng dẫn khách hàng xử lý trong trường hợp bị ngộ độc.
Chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua, Pháp đã liên tiếp xảy ra các vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Đầu tháng 4/2022, nhà chức trách Pháp phát hiện hàng loạt ca nhiễm khuẩn salmonella liên quan đến kẹo trứng socola nhãn hiệu Kinder thuộc công ty Ferrero của Italia sản xuất tại Bỉ. Cơ quan Y tế công Pháp cho biết đến nay đã ghi nhận tổng 81 ca nhiễm khuẩn salmonella, trong đó 22 trường hợp phải nhập viện.
Vụ viêc nghiêm trọng nhất là ngày 13/4, các công tố viên Pháp đã khám xét một nhà máy sản xuất pizza đông lạnh của công ty Buitoni ở miền Bắc bị nghi là nguồn gây nhiễm khuẩn E.coli(Escherichia coli). Trước đó, cơ quan quản lý Y tế Pháp ghi nhận hơn 70 trường hợp nhiễm khuẩn E.coli sau khi ăn loại pizza có tên gọi “Fraich'Up” do công ty Buitoni sản xuất, trong đó phần lớn trường hợp bị ngộ độc là trẻ em và đã có 2 ca tử vong.
Gần nhất là vụ việc thương hiệu B & S Cuisine phải thu hồi sản phẩm hạt dẻ cười vì bị phát hiện có dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá ngưỡng cho phép của Liên minh châu Âu (EU).
Tin nổi bật
Tin Video