Tin tức

Pháp: Biểu tình bạo lực ngày Quốc tế lao động 1-5, hơn 100 cảnh sát bị thương

(VOVTV) - Hàng triệu người Pháp đã xuống đường tham gia các cuộc diễu hành, biểu tình nhân ngày Quốc tế lao động 1/5 với khẩu hiệu chính là chống luật hưu trí mới vừa được ban hành. Nhiều vụ đụng độ bạo lực đã diễn ra ở nhiều thành phố, khiến hơn 100 cảnh sát bị thương và gần 300 người bị bắt.

Tác giả thường trú Pháp
02/05/2023 10:05

Các cuộc diễu hành, biểu tình đã bắt đầu từ 9h sáng và kéo dài đến gần 21h tối ngày 1/5 tại hơn 300 địa điểm trên toàn nước Pháp. Con số thống kê do Bộ Nội vụ Pháp công bố tối ngày 1/5 cho biết, tổng cộng đã có 782 ngàn người Pháp tham gia các cuộc xuống đường ngày 1/5, trong đó tại thủ đô Paris là 112 ngàn người. 

Tuy nhiên, các công đoàn đưa ra con số cao hơn nhiều lần, cụ thể là 2,3 triệu người trên khắp nước Pháp và 550 ngàn người riêng tại thủ đô Paris. Dù là con số nào, đây cũng là các cuộc diễu hành ngày Quốc tế lao động 1-5 lớn nhất tại Pháp trong nhiều thập kỷ qua, gấp ít nhất 10 lần con số của năm 2022.

Pháp: Biểu tình bạo lực ngày Quốc tế lao động 1-5, hơn 100 cảnh sát bị thương   - Ảnh 1.

Biểu tình bạo lực khiến hơn 100 cảnh sát Pháp bị thương

Đúng như e ngại của chính quyền Pháp, các cuộc biểu tình đã tập trung vào một chủ đề duy nhất là chống lại luật hưu trí mới được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ký ban hành cách đây nửa tháng. Các công đoàn xem đây là đợt tổng đình công, biểu tình thứ 13 của phong trào đấu tranh yêu cầu chính quyền của Tổng thống Macron huỷ bỏ bộ luật gây tranh cãi này.

Trong bối cảnh đó, bầu không khí căng thẳng đã xuất hiện ngay từ đầu các cuộc diễu hành trưa ngày 1/5. Tại Lyon, thành phố lớn thứ 3 nước Pháp, nhiều phần tử cực đoan đã đập phá nhiều cửa hiệu, tấn công cảnh sát. Theo các quan chức chính quyền thành phố Lyon, trong số 45 ngàn người biểu tình tại thành phố này trong ngày 1/5, có ít nhất 2 ngàn phần tử gây rối, bao gồm cả 1 ngàn đối tượng thuộc nhóm “black blocks” chuyên mặc đồ đen, cực kỳ cực đoan và manh động.

Trong chiều tối ngày 1/5, thủ đô Paris tiếp tục là tâm điểm của các vụ đụng độ bạo lực. Các phần tử quá khích đã ném rất nhiều bom xăng, pháo hoa và gạch đá về phía lực lượng cảnh sát, đồng thời đốt cháy các trạm sạc xe đạp điện, thùng rác công cộng và mặt tiền của một toà nhà ở Quảng trường Dân tộc (Nation), địa điểm tập kết của các cuộc diễu hành ngày 1-5 tại thủ đô Paris. Để đáp trả, lực lượng cảnh sát Pháp đã phải sử dụng hơi cay, vòi rồng, đồng thời huy động cứu hoả để dập tắt các đám cháy.

Tại nhiều địa phương khác như Nantes, Rennes, Bordeaux, Toulouse, Marseille… nhiều vụ đập phá cũng đã diễn ra trong các cuộc xuống đường. Tổng cộng, theo Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin, đã có hơn 100 cảnh sát, hiến binh Pháp bị thương trong các vụ đụng độ ngày 1-5, trong đó có 1 người bị thương nặng. 

Nhà chức trách Pháp cũng thông báo đã bắt giữ gần 300 phần tử quá khích. Cả Thủ tướng Pháp, Elisabeth Borne lẫn Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin đều lên án gay gắt các vụ bạo lực, cho rằng đây là điều không thể chấp nhận nổi. Các công đoàn cảnh sát Pháp cũng lên tiếng yêu cầu chính quyền Pháp sớm ban hành các bộ luật chống lại các phần tử đập phá trong các cuộc biểu tình, đồng thời cho phép cảnh sát Pháp sử dụng nhiều công cụ hơn để trấn áp.

Trong khi đó, lãnh đạo các công đoàn tại Pháp đánh giá, các cuộc diễu hành ngày Quốc tế lao động 1-5 năm nay đã đi vào lịch sử. Bà Sophie Binet, Tổng thư ký Tổng Công đoàn lao động CGT tuyên bố các công đoàn sẽ không dừng bước khi nào chính phủ Pháp chưa huỷ bỏ luật hưu trí mới.

Theo kế hoạch, lãnh đạo các công đoàn lớn nhất tại Pháp sẽ nhóm họp trong sáng ngày hôm nay, 2/5, nhằm quyết định bước đi tiếp theo của phong trào chống cải cách hưu trí. Các công đoàn hiện đang cố gắng gây sức ép buộc Hội đồng Hiến pháp của Pháp chấp nhận sáng kiến tổ chức trưng cầu ý dân một khi có đủ số lượng công dân ký tên yêu cầu, qua đó bắt buộc chính phủ Pháp tổ chức trưng cầu ý dân về luật hưu trí mới. Hội đồng Hiến pháp Pháp sẽ công bố quyết định trong ngày mai, 3/5.

 

Ý kiến của bạn