Phao cứu sinh trên các cầu không bị mất mà tạm thu lại
Đơn vị quản lý 3 cầu Chương Dương, Nhật Tân và Vĩnh Tuy cho biết, đơn vị đã tạm thu số phao cứu sinh treo trên các cầu này do chưa làm việc trực tiếp với nhóm thiện nguyện để có phương án cụ thể.
Trước thông tin cho rằng nhiều phao cứu sinh do nhóm tình nguyện câu lạc bộ Bơi khám phá lắp đặt trên 6 cầu trong nội thành Hà Nội bị lấy trộm, đại diện Công ty cổ phần công trình giao thông Hà Nội, đơn vị quản lý 3 cầu Chương Dương, Nhật Tân và Vĩnh Tuy cho biết không có chuyện phao lắp đặt trên cầu bị lấy trộm.
“Do nhóm tình nguyện chủ động treo nhưng chưa làm việc, thống nhất với đơn vị quản lý, chúng tôi buộc phải tạm thu. Đơn vị đã liên hệ, mời trưởng nhóm tình nguyện lên làm việc, nhưng người này bận công tác, hẹn sang tuần sẽ tới. Khi đó hai bên sẽ đưa ra phương án phối hợp cụ thể và tốt nhất về việc lắp đặt”, đại diện đơn vị quản lý cho hay.
Riêng 3 cầu còn lại do không thuộc phạm vi quản lý, đơn vị không can thiệp.
Về mục đích lắp phao cứu người, đại diện Công ty cổ phần công trình giao thông Hà Nội hoàn toàn ủng hộ, vì đây là một việc tốt nhưng cần có phương án cụ thể, hợp lý chứ không muốn việc làm này nhanh chóng bị lãng quên.
Trao đổi với Báo Điện tử VOV (VOV.VN), anh Nguyễn Ngọc Khánh, chủ nhiệm Câu lạc bộ Bơi khám phá - nhóm tình nguyện thực hiện hoạt động treo phao cứu sinh - cho biết, tối 19/5 anh đã liên lạc với bên quản lý cầu và dự kiến sáng 23/5 sẽ lên làm việc cùng họ.
Từ ngày 6 - 15/5, nhóm tình nguyện của anh Nguyễn Ngọc Khánh đã lắp hơn 100 trong số 400 chiếc phao cứu sinh trên những cầu bắc qua sông Hồng của 10 tỉnh, trong đó có 6 cầu thuộc Hà Nội là Thăng Long, Chương Dương, Nhật Tân, Long Biên, Vĩnh Tuy và Thanh Trì. Mỗi cầu được treo 5-6 phao cứu sinh. Dự kiến hoạt động treo phao cứu sinh sẽ được hoàn thành vào tháng 7 tới.
Những chiếc phao được lắp ở đây với mong muốn cung cấp công cụ cho những người đuối nước có thêm hy vọng sống, người muốn cứu nạn có thêm công cụ hỗ trợ an toàn, thay vì chỉ đứng trên cầu hô hoán, hay “khi nhảy xuống mới hối hận”.
Theo anh Khánh, trong đầu tuần tới, bên huyện Đông Anh có mời nhóm của anh đến để hướng dẫn và giúp đỡ các em học sinh của 5 trường từ cấp 1 đến cấp 2 về việc học bơi và ứng cứu khi xảy ra đuối nước. Nhân tiện chuyến đi này, nhóm tình nguyện sẽ mang theo phao cứu sinh để lắp đặt bù lại số phao đã bị đơn vị quản lý cầu thu trước đó, ngoài ra anh Khánh cũng sẽ tiếp tục lắp đặt thêm phao cứu sinh tại một số cây cầu khác như cầu Đông Trù ở sông Đuống.