Phao cứu sinh sẽ được treo ở đầu cầu thay vì giữa cầu như trước đây
Đơn vị quản lý các cầu ở Hà Nội đồng ý cho nhóm thiện nguyện CLB Bơi Khám phá treo những chiếc phao cứu sinh ở hai đầu thay vì khu vực giữa cầu như trước đây.
Thông tin về buổi làm việc của mình với đơn vị quản lý sau khi đơn vị này thực hiện tạm thu những chiếc phao cứu sinh do nhóm tình nguyện của CLB Bơi Khám phá treo trên cầu, anh Nguyễn Ngọc Khánh, Chủ nhiệm CLB cho biết ngày 23/5 anh đã được làm việc trực tiếp cùng các giám đốc quản lý trực tiếp các cầu tại Hà Nội thuộc Công ty cổ phần công trình giao thông Hà Nội.
“Tôi rất cảm ơn vì họ cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ CLB thực hiện việc lắp phao cứu sinh trên các cầu là hoàn toàn cần thiết và rất có ý nghĩa với Hà Nội. Tuy nhiên có một điểm thay đổi đó là vị trí lắp đặt. Bây giờ phao cứu sinh sẽ được lắp ở khu vực đầu cầu và có chỉ dẫn chỗ có phao. Khu vực giữa cầu sẽ không được lắp vì họ có chia sẻ là theo một quy trình cần phải có một bộ văn bản”, anh Khánh chia sẻ.
“Quy trình bao gồm thiết kế lắp đặt, hướng dẫn sử dụng và các tình huống có thể xảy ra và cuối cùng là diễn tập. Sau khi trải qua đủ 4 bước đấy, chúng ta mới có thể lắp ở khu vực giữa cầu. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với họ. Trong một vài tháng tới, anh em trong câu lạc bộ sẽ phối hợp với các đơn vị quản lý xây dựng các thiết kế các kịch bản để trình bày với Sở Giao thông vận tải Hà Nội để được chấp thuận việc lắp phao cứu sinh trên dọc cầu luôn”, anh Khánh chia sẻ.
Chia sẻ về ý tưởng độc đáo treo phao cứu sinh trên các cầu dọc sông Hồng từ thượng nguồn là tỉnh Lào Cai đến cuối nguồn là tỉnh Thái Bình, anh Nguyễn Ngọc Khánh, Chủ nhiệm CLB Bơi Khám phá cho biết, anh và các thành viên trong câu lạc bộ đã chứng kiến rất nhiều những tai nạn đuối nước thương tâm ngay trên dòng sông Hồng, nơi mà họ thường xuyên bơi lội.
“Chúng tôi mong muốn có thể đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội một thứ gì đó. Các anh em đã thống nhất là sẽ lắp đặt những chiếc phao cứu sinh ở trên các cây cầu để mong rằng có thể đem lại hy vọng cho những người bị đuối nước, hay góp thêm sức mạnh giúp cho những người muốn cứu người đuối nước”, anh Khánh nói.
“Điều rất may mắn là sau khi triển khai, chúng tôi được rất nhiều người ủng hộ, nhiệt tình tham gia hỗ trợ. Khó khăn nhất của chúng tôi là không biết làm cách nào để có thể liên lạc với cơ quan chức năng phụ trách quản lý cầu… bởi nền hành chính của Việt Nam có rất nhiều cấp bậc khác nhau. Rất may mắn nhờ sự ủng hộ, lan tỏa của các cơ quan truyền thông, chúng tôi đã được làm việc trực tiếp với các cấp quản lý để có những phương án cụ thể giúp hiện thực hóa chương trình Tình yêu sông Hồng của nhóm”, chủ nhiệm CLB Bơi Khám phá bày tỏ.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Điện tử VOV về việc phản ứng của các tỉnh thành khác khi nhóm thực hiện treo phao cứu sinh trên cầu, anh Khánh cho hay các địa phương cũng hết sức ủng hộ các hoạt động nhân văn này, đồng thời còn mời anh cùng các thành viên câu lạc bộ chia sẻ kiến thức bơi an toàn và dạy bơi cho các bạn nhỏ.
“Thực tế tôi đã đi qua 4 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Nội và mọi người rất ủng hộ và muốn sẽ cùng phối hợp làm những chương trình lớn hơn. Mới đây, tôi đã nhận được lời mời từ Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Đông Anh về việc thực hiện chương trình phòng, chống đuối nước, chia sẻ kiến thức cho các em 5 trường ở gần sông để các cháu có thể an toàn hơn trong mùa hè này”, anh Khánh cho hay.
Khi được hỏi, liệu anh có cảm thấy mệt mỏi với công việc “vác tù và hàng tổng” trong khi sẽ có không ít ý kiến trái chiều về chương trình hay những hoạt động do câu lạc bộ khởi xướng, anh Khánh bày tỏ: “Tôi đã thực hiện nhiều hành trình thiện nguyện và tôi cũng hiểu vấn đề là khi mình làm một việc tốt nhưng người khác có thể nghĩ là không tốt. Nhưng nếu vì mọi người nghĩ theo chiều hướng như vậy mà không làm thì mọi chuyện sẽ không bao giờ xảy ra được”.
“Dù hành trình thiện nguyện “Tình yêu sông Hồng” thực hiện có một chút trục trặc, nhưng chúng tôi vẫn sẽ thực hiện bởi vì chúng tôi tự tin vào những việc làm tốt, con người thật. Chúng tôi sẽ nghiêm túc nhìn lại, sửa và thực hiện làm sao để hài hòa nhất có thể. Chúng tôi không sợ mắc sai lầm. Mục tiêu lớn nhất của nhóm là làm sao giảm số lượng tử vong và đuối nước ở trẻ em”, anh Khánh nhấn mạnh.
Tin nổi bật
Tin Video