Kinh doanh

Phản ứng của thị trường chứng khoán sau quyết định tăng lãi suất của Fed

(VOVTV) - Tâm lý của các nhà giao dịch trên toàn cầu cũng được nâng lên sau khi Trung Quốc cam kết sẽ tung ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế hơn nữa và giữ cho thị trường ổn định.

17/03/2022 09:20

Thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt tăng điểm trong phiên ngày 16/3, sau quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đồng thời ngân hàng này đánh tín hiệu cho thấy sẽ có nhiều đợt tăng lãi suất hơn nữa để ứng phó với lạm phát, qua đó đặt dấu chấm hết cho chính sách tiền tệ nới lỏng được triển khai trong thời gian dịch COVID-19.

Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC), hội đồng gồm các quan chức Fed chịu trách nhiệm thiết lập chính sách tiền tệ, đã tăng lãi suất liên bang thêm 0,25 điểm phần trăm lên phạm vi 0,25 - 0,5%, và dự báo lãi suất liên bang sẽ chạm mức 1,75-2% vào cuối năm nay.

Phản ứng của thị trường chứng khoán sau quyết định tăng lãi suất của Fed - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters

Mặc dù Fed lên tiếng cảnh báo về tình hình bất ổn lớn mà nền kinh tế phải đối mặt từ căng thẳng Nga - Ukraine và cuộc khủng hoảng COVID-19 đang diễn ra, song ngân hàng này cho biết việc tăng lãi suất liên tục "sẽ phù hợp" để kiềm chế mức lạm phát cao nhất trong 40 năm qua mà nền kinh tế đang phải trải qua.

Sau tuyên bố chính sách này, Chủ tịch Fed Jerome Powell có bài phát biểu và các nhà giao dịch sẽ theo dõi sát sao để có thêm manh mối về tốc độ tăng lãi suất trong tương lai.

Tại Phố Wall, vào lúc 2:17PM ET (khoảng 1 giờ 17 phút ngày 17/3 theo giờ Việt Nam), chỉ số Dow Jones tăng 0,13% (42,46 điểm) lên 33.586,8 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 16,4 điểm (0,38%) lên 4.278,85 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cộng thêm 131,75 điểm (1,02%) lên 13.080,37 điểm. Cổ phiếu của năm trong số 11 lĩnh vực chính thuộc chỉ số S&P vẫn tiếp tục tăng giá sau thông tin từ Fed, trong đó các cổ phiếu tài chính và cổ phiếu tiêu dùng dẫn dầu đà tăng.

Dữ liệu cho thấy chính sách tiền tệ thắt chặt hơn thường đi kèm với sự tăng giá vững chắc của cổ phiếu. Theo một nghiên cứu của Deutsche Bank về 13 chu kỳ tăng kể từ năm 1955, chỉ số S&P 500 đã tăng trung bình 7,7% trong năm đầu tiên Fed tăng lãi suất.

Trước khi có thông báo của Fed, các chỉ số chứng khoán đã tăng điểm trong bối cảnh cuộc đàm phán về một sự thỏa hiệp giữa Nga và Ukraine đã làm dấy lên hy vọng vào một sự đột phá tiềm năng sau ba tuần Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Tâm lý của các nhà giao dịch trên toàn cầu cũng được nâng lên sau khi Trung Quốc cam kết sẽ tung ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế hơn nữa và giữ cho thị trường ổn định.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chứng khoán châu Âu đã khép phiên ngày 16/3 ở mức cao của hơn hai tuần nhờ thông tin về cuộc đàm phán mới giữa Nga và Ukraine và cam kết từ Trung Quốc. Chỉ số FTSE 100 tăng 1,6% lên 7.291,68 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt tăng 3,8% lên 14.440,74 điểm, còn chỉ số CAC 40 tăng 6.588,64 điểm. Chỉ số EUROSTOXX 600 đã tăng 3,1% lên mức cao nhất kể từ ngày 28/2.

Chốt phiên 16/3, tại Việt Nam chỉ số VN-Index tăng 6,59 điểm lên 1.459,33 điểm, HNX-Index tăng 2,66 điểm lên 446,18 điểm.

Mở cửa phiên sáng 17/3, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 đã tăng 2,64% (679,40 điểm) lên 26.441,41 điểm nhờ động thái tăng lãi suất như dự kiến của Fed và giá dầu tiếp tục giảm.

Ý kiến của bạn