Phản ứng của Nga khi bị phương Tây đổ lỗi về vụ tên lửa rơi ở Ba Lan
Bộ Ngoại giao Nga đã phủ nhận mạnh mẽ những cáo buộc cho rằng Moscow có liên hệ với vụ rơi tên lửa ở Ba Lan, đồng thời cho rằng một cuộc điều tra công bằng sẽ cho thấy vụ việc này chính là một hành vi khiêu khích.
Trong một tuyên bố chính thức, Moscow cho rằng Kiev đang cố gắng viện cớ để đổ lỗi cho Nga nhằm tìm kiếm sự ủng hộ từ phương Tây. Bộ Ngoại giao Nga cũng gọi phản ứng của một số nước NATO trước vụ việc trên là "rất tồi tệ".
Trong khi đó, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nhận định với truyền thông ngày 16/11 rằng, các mảnh vỡ tên lửa rơi xuống Ba Lan ngày 15/11 không cho thấy bất kỳ lý do gì cho căng thẳng leo thang và Ba Lan có thể ngay lập tức tuyên bố rằng những mảnh vỡ của tên lửa được phóng từ hệ thống S-300 này không liên quan gì đến Nga.
"Không, tôi không biết bất kỳ điều gì về việc này", người phát ngôn điện Kremlin trả lời khi được hỏi liệu các nhà chức trách Nga đã trao đổi với Mỹ và NATO để ngăn căng thẳng leo thang hay chưa.
Ông Peskov cho rằng: "Nhưng thực tế rõ ràng là không có lý do gì để leo thang căng thẳng. Ba Lan có đầy đủ cơ hội để tuyên bố rằng đó là những mảnh vỡ của tên lửa được phóng từ S-300. Theo đó, các chuyên gia đều sẽ nhận ra rằng Lực lượng Vũ trang Nga không liên quan gì đến tên lửa đó".
Ông Peskov nhấn mạnh, Nga không đáng bị đổ lỗi về vụ việc khi truyền thông nước ngoài đặt câu hỏi rằng liệu Nga có bị đổ lỗi về vụ rơi tên lửa ở Ba Lan hay không và liệu vụ việc có liên hệ gián tiếp đến hàng loạt vụ nổ trên lãnh thổ Ukraine hay không.
Ông cũng gọi phản ứng của phương Tây trước vụ việc là một minh chứng khác cho thấy "tâm lý bài Nga điên cuồng".
"Trên thực tế, các quan chức cấp cao của một số quốc gia đang đưa ra những tuyên bố mà không biết điều gì đã xảy ra hoặc nguyên nhân thực sự là gì".
Ông cho rằng cần phải đặt câu hỏi cho Ba Lan về việc tại sao vụ việc trên xảy ra và yêu cầu các quan chức Ba Lan kiềm chế hơn cũng như cân bằng và chuyên nghiệp hơn khi nói về những chủ đề nhạy cảm và có thể là nguy hiểm như thế này.
Ông Peskov cũng cho rằng vụ việc ở Ba Lan một lần nữa cho thấy các bên "không nên vội vàng đưa ra kết luận và tuyên bố có thể làm leo thang tình hình, đặc biệt trong những thời điểm quan trọng, đồng thời không nên đưa ra những thông báo vội vàng trước khi nhận được thông tin chính xác".
Người phát ngôn điện Kremlin cũng dẫn ra phản ứng kiềm chế từ Washington làm minh chứng.
"Trong trường hợp này, cần chú ý đến phản ứng kiềm chế và chuyên nghiệp hơn từ phía Mỹ và Tổng thống nước này".
Ông Peskov cũng xác nhận sự tồn tại của các kênh trao đổi giữa Bộ Quốc phòng Nga và Mỹ.