Tin tức

Phân loại rác tại nguồn ở TP Hồ Chí Minh: Đừng chỉ dừng ở hô hào ý thức

Năm 2018, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 44 về việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Thế nhưng trên thực tế, việc phân loại rác tại nguồn ở cơ sở vẫn còn hạn chế, bất cập. Các cơ quan chức năng tại TPHCM cần phải có giải pháp để xử lý tình trạng này.

Tác giả Duy Phương / VOV TPHCM
19/11/2020 18:52

Chỉ cán bộ thực hiện phân loại rác

Hơn hai năm nay, bà Trần Thị Thanh Thuỷ (78 tuổi), tổ trưởng Khu phố 2, phường 8, quận Phú Nhuận luôn theo dõi và nhắc nhở các thành viên trong gia đình cũng như trong khu phố về việc phân loại rác sinh hoạt. 

Hiện người dân tại đây đang phân loại rác làm hai: rác sinh hoạt tiêu huỷ được và rác nhựa, túi nilon. Bà Thuỷ cho biết, người dân trong khu phố của bà đều hiểu được vì sao phải phân loại rác, nhưng bà cũng thừa nhận là ngay chính người nhà của bà cũng chưa phân loại rác bao giờ. Ngoài ra, có gia đình thuê người giúp việc hoặc nhà cho thuê trọ, người nhập cư tới ở thì hoàn toàn không thể kiểm soát việc phân loại rác.

Phân loại rác tại nguồn - Ảnh 1

Bà Trần Thị Thanh Thuỷ thực hiện nghiêm túc việc phân loại rác trong gia đình

Theo bà Thuỷ, đến nay, phân loại rác sinh hoạt tại nguồn chủ yếu chỉ có cán bộ thực hiện chứ tỷ lệ người dân thực hiện không đáng kể. Để nâng cao ý thức, bà kiến nghị thành phố phải xây dựng cơ chế và có đội ngũ đi phạt, chứ giải thích, tuyên truyền lâu nay đã làm quá nhiều.

Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM cho biết: Mỗi ngày, TPHCM thải ra khoảng 9.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt, khối lượng rác thải tăng bình quân từ 6% đến 10% mỗi năm. Ông Nhựt thừa nhận, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn hiện nay còn dàn trải, chưa tập trung. 

Phân loại rác tại nguồn - Ảnh 2

Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM

Phương tiện, thiết bị, công nghệ thu gom, vận chuyển và xử lý chưa đồng bộ, hiện đại. TPHCM hiện chưa tổ chức được mạng lưới thu gom chất thải tái chế. Hơn 80% khối lượng chất thải tái chế đang chôn lấp cùng với chất thải sinh hoạt gây lãng phí tài nguyên, ngân sách và ảnh hưởng đến môi trường.

Phải có biện pháp mạnh tay

Để góp phần thay đổi thói quen của người dân trong việc phân loại rác, tạo nguồn tài nguyên mới từ chất thải, Công ty Môi trường Đô thị TPHCM đã ký kết với Liên minh tái chế bao bì Việt Nam để xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ chương trình phân loại rác tại nguồn. 

Theo đó, những chất thải tái chế (nhựa, nilon, chai thuỷ tinh…) sẽ được thu mua theo giá thị trường tại các cơ quan, đoàn thể và chủ nguồn thải có khối lượng phát sinh lớn. Hoạt động thu gom chất thải tái chế cũng sẽ được thực hiện bằng hình thức đổi quà hoặc đổi thành tiền. Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị TPHCM cho rằng việc phối hợp này sẽ là một giải pháp thúc đẩy chương trình phân loại rác tại nguồn.

Phân loại rác tại nguồn - Ảnh 3

Hoạt động thu gom rác tại địa bàn phường 13, quận Phú Nhuận còn thô sơ bằng xe tự chế

Theo bà Nguyễn Phương Hà, Giám đốc cấp cao, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam, để góp phần tăng hiệu quả của việc phân loại rác tại nguồn trong điều kiện thực tế hiện nay, các công ty sản xuất phải sử dụng bao bì tái chế chứ không phải bao bì dùng nguyên liệu mới. Khi đóng gói sản phẩm phải hướng tới việc thân thiện, bảo vệ môi trường. Bà Hà cũng kiến nghị cần phải có biện pháp mạnh tay hơn là chỉ hô hào ý thức tự giác.

Cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, TPHCM cũng đối mặt với sự gia tăng ô nhiễm môi trường. Đã đến lúc TPHCM cần có biện pháp mạnh hơn để giải quyết vấn đề phân loại rác tại nguồn. Có như thế, TP mới đạt được mục tiêu có chất lượng sống tốt, không để rác thải gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Ý kiến của bạn