Phạm nhân nữ tìm cách có thai để thoát án tử hình
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2021, có 11 nhà thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc được đưa vào sử dụng. Đáng lưu ý, phạm nhân nữ tìm cách có thai để thoát án tử hình.
Chính phủ vừa có báo cáo gửi các cơ quan của Quốc hội về công tác thi hành án năm 2021. Đây là báo cáo tạm thời, cập nhật số liệu 10 tháng (từ 1/10/2020 đến 31/7/2021) để Ủy ban Tư pháp thẩm tra sơ bộ trước khi Chính phủ chính thức trình Quốc hội vào tháng 10 tới.
11 nhà thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc
Theo báo cáo của Chính phủ, có 57/69 trại tạm giam đã xây dựng khu giam riêng người bị kết án tử hình với tổng số 700 buồng giam. Tuy nhiên, trong số này có 24 buồng giam xuống cấp, không đảm bảo cho công tác quản lý giam giữ; 12 trại tạm giam chưa có khu giam riêng người bị kết án tử hình; 28/69 trại tạm giam phải sửa chữa các buồng tạm giam, buồng kỷ luật để giam người bị kết án tử hình…
Chính phủ cũng cho biết hiện có 60/69 trại tạm giam đã được đầu tư lắp đặt hệ thống kiểm soát an ninh phục vụ công tác giám sát buồng giam người bị kết án tử hình, với tổng số gần 1.200 camera. Số camera xuống cấp, hư hỏng là hơn 60 chiếc.
Báo cáo của Chính phủ nêu rõ đến nay, Bộ Công an đã đưa vào sử dụng 11 nhà thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc và phân chia khu vực thi hành án tử hình thành 11 địa điểm theo vùng miền.
Còn 4 nhà thi hành án tử hình tại công an địa phương gồm Đà Nẵng, Lào Cai, Khánh Hoà, Hậu Giang chưa xây dựng vì chưa bố trí được quỹ đất và số lượng giam giữ người bị kết án tử hình không nhiều.
Chính phủ nhận định công tác thi hành án tử hình bước đầu đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, những địa phương không có nhà thi hành án tử hình phải áp giải đối tượng đi thi hành án ở địa phương khác, do quãng đường xa trong khi phải đảm bảo tuyệt đối an toàn nên cần huy động lực lượng, phương tiện rất tốn kém.
Phạm nhân bị kết án tử luôn tìm cách trốn
Trong công tác quản lý giam giữ, thi hành án tử hình, Chính phủ ghi nhận nhiều khó khăn. Đặc biệt khi số lượng người bị kết án tử hình tăng nhanh, gần 30%, trong khi cơ sở vật chất, trang bị phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để phục vụ quản lý giam giữ chưa đáp ứng yêu cầu. Việc này dẫn đến quá tải ở một số trại tạm giam, tạo áp lực rất lớn cho công tác quản lý giam giữ.
Báo cáo của Chính phủ nêu thực tế các đối tượng bị kết án tử hình thường có tâm lý hoang mang, hoảng loạn về tinh thần hoặc tâm lý “không còn gì để mất” nên thường xuyên có biểu hiện chống đối, luôn tìm cách trốn, tự sát hoặc tự gây thương tích, xúc phạm, tấn công người thi hành công vụ… Đáng lưu ý, đối tượng là nữ thì tìm cách có thai để thoát án tử hình.
Bên cạnh đó, trong quá trình giam giữ, một số người bị kết án tử hình bị bệnh nặng, có trường hợp mắc các bệnh HIV/AIDS, tim mạch, huyết áp, lao phổi, tai biến…. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, vượt quá khả năng khám, điều trị của y tế trại tạm giam, phải đưa người bị kết án tử hình tới bệnh viện ngoài cơ sở giam giữ điều trị. Điều này đã gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, giám sát, canh gác, áp giải…
Chính phủ cho biết để giải quyết những vướng mắc dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian giam giữ bị án tử hình, Bộ Công an đã chỉ đạo công an địa phương báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thành lập đoàn công tác liên ngành. Nhiệm vụ của đoàn này là tổ chức kiểm tra, rà soát hồ sơ số người bị kết án tử hình theo các bản án đã có hiệu lực pháp luật, số giam giữ nhiều năm để phân loại, xác định vướng mắc, nguyên nhân và trách nhiệm các cơ quan để xử lý, giải quyết.
Tin nổi bật
Tin Video