Phải làm gì khi “văn hóa trả thù” lên ngôi?
(VOVTV) - Hiện nay, ngày càng nhiều vụ việc ứng xử phi văn hóa theo kiểu “luật rừng”, và mức độ bạo lực tăng dần. Đặc biệt gần đây hiện tượng này đã tràn sang hai lĩnh vực nhạy cảm là y tế và giáo dục gây hoang mang cho dư luận.
Luật rừng được dùng mọi nơi mọi chỗ
Đã có nhiều vụ việc phụ huynh vào mắng chửi, hành hung giáo viên. Đơn cử, ngày 28/2/2018 tại Bến Lức (Long An) 4 phụ huynh vì nhằm trả thù cho con đã xông vào lớp học bắt cô giáo quỳ 40 phút... Lý do trả thù là việc cô giáo bắt học trò quỳ trong giờ học. Trong khi cô quỳ được 35 phút rồi có người nói để cô đứng dậy nhưng vợ chồng phụ huynh Võ Hòa Thuận yêu cầu “giữ cho đủ 40 phút!”.
Nhà xã hội học Nguyễn Chí Tình cho rằng: “Việc cô giáo bắt học trò quỳ là sai, không nên, nhưng sai trong “luồng”. Còn bắt cô giáo quỳ thì thượng cổ chí kim giờ mới có. Đó là vi phạm văn hóa phương Đông. Vi phạm văn hóa dân tộc Việt Nam , đánh mất sự “tôn sư trọng đạo”. Liệu cô giáo có thể dạy học sinh nên người hay không khi thầy cô là thước đo của đạo đức, mẫu mực của trong sáng, chuẩn mực lại phải quỳ xin lỗi như vậy?
Đây là một hành động trả thù đánh vào thầy cô giáo, nhưng thực chất nó phá hủy sự tôn nghiêm, lòng kính trọng đối với nhà giáo và rõ ràng đánh vào chính các em học sinh. Văn hóa phương Đông coi trọng nhà giáo rất cao. Ngày xưa đạo Khổng xếp: Quân, Sư, Phụ, tức là Thầy chỉ đứng thứ hai sau Vua. Thầy chết học sinh phải để tang trong 3 năm. Cái sai của cô giáo là sai nhỏ, còn việc bắt cô giáo quỳ là vi phạm cực lớn vào đạo đức xã hội làm thương tổn cả học trò.
Về vấn đề này, nhà thơ Vũ Xuân Hoát (Nguyên TBT báo Người Hà Nội) cho rằng: “Đó là hiện tượng xúc phạm nhân phẩm, làm nhục người khác. Ngành giáo dục cần phải lên tiếng và pháp luật có thể truy tố những người làm nhục cô giáo”.
Tương tự như vậy, sau nhiều vụ bạo hành bác sĩ, còn nhớ vào ngày 26/2/2018, tại một bệnh viện tỉnh Yên Bái, Lê Văn Nam dẫn hơn 10 người vào hành hung 2 bác sĩ vừa đỡ đẻ cho vợ y. Lý do đơn giản là các bác sĩ đã không cho Nam quay video khi vợ sinh con. Ở nước ngoài, y bác sĩ là được tôn trọng tuyệt đối. Nhưng đạo lý đó ở Việt Nam đang bị phá vỡ.
Sự trả thù ở đây không chỉ vi phạm pháp luật mà còn phá hủy kỷ cương xã hội, kéo theo nhiều hệ lụy khác. Ứng xử văn hóa đang bị thay bằng văn hóa trả thù, bằng luật rừng ở những chỗ cấm kị sự bạo lực nhất.
Khi những người lãnh đạo cao nhất ngành y tế kêu gọi bảo vệ bác sĩ
Làm thế nào để được bảo vệ khi luật rừng đang tác oai tác quái? Để trả lời câu hỏi này các bác sĩ bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) đã biến ý tưởng thành hành động thiết thực và rất ý nghĩa. Đó là, toàn bộ cán bộ, y bác sĩ nam dành 2 buổi chiều cuối tuần tập võ.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trạch Dân, phó Giám đốc bệnh viện cho biết: "Nghề thầy thuốc là nghề nguy hiểm bởi nhiều yếu tố. Trong đó có việc áp lực làm việc liên tục trong cuộc đấu tranh giữa sự sống và cái chết; phải tiếp xúc với đủ thứ dịch bệnh và hóa chất nguy hiểm... Sự nguy hiểm không chỉ dừng lại ở chuyên môn nghiệp vụ mà còn có nguy cơ bị hành hung bởi người nhà hay thậm chí là bệnh nhân. Người thầy thuốc cần phải tự bảo vệ mình, chính vì vậy học võ là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất”.
Gần đây các vụ hành hung nhân viên cán bộ y tế liên tục xảy ra. Phần lớn hành vi côn đồ diễn ra tại bệnh viện xuất phát từ những mâu thuẫn bức xúc của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân với các y bác sĩ.
Ông Phạm Văn Học, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương nói: danh dự và nhân phẩm, máu, thậm chí cả tính mạng của bác sĩ đã nhiều lần bị chính người vừa ít phút trước còn coi bác sĩ là ân nhân lấy đi” và “học võ không phải để đánh nhanh. Võ thuật giúp bản thân khiêm tốn hơn, tính kỷ luật cao hơn, có trách nhiệm và dám chịu trách nhiệm. Ngoài ra, luyện tập võ thuật còn giúp các y bác sĩ có sức khỏe để thực hiện tốt công tác chuyên môn cứu người”.
Tin nổi bật
Tin Video