'Penthouse 3' bị tẩy chay vì nhàm chán và chiếm dụng văn hóa
Lên sóng vào đầu tháng 6, mùa ba của bộ “Penthouse” xuất hiện quá nhiều tình tiết phi logic, gây tranh cãi.
Lên sóng vào tháng 10/2020, bộ phim truyền hình kể về giới thượng lưu Penthouse đã gây được tiếng vang ngoài mong đợi của nhà sản xuất. Nối tiếp thành công, bộ phim tiếp tục sản xuất thêm hai mùa, trong đó mùa 3 đã lên sóng vào đầu tháng 6 năm nay.
Tuy nhiên, những tập phim đầu của Penthouse 3 không thỏa mãn kỳ vọng của khán giả. Trong 2 tập đầu tiên, số phận của các nhân vật trong phim thay đổi với tốc độ chóng mặt. Việc xuất hiện quá nhiều tình tiết phi logic khiến các plot twist không có hồi kết - vốn là điểm thu hút của Penthouse - đánh mất thế mạnh. Thêm vào đó, tình tiết mang tính chiếm dụng văn hóa trong tập hai Penthouse đã phải nhận chỉ trích dữ dội, làm bộ phim mất điểm nặng nề trong mắt khán giả nước ngoài.
Tình tiết phi logic, nhàm chán
Tại Hàn Quốc, makjang là từ lóng chỉ tình huống bất thường, vượt quá giới hạn, bị phóng đại đến mức vô lý xảy ra trong phim truyền hình. Những tình tiết này hiếm khi xảy ra ngoài đời thực, nhưng chính sự vô lý này lại khiến khán giả không thể đoán trước diễn biến phim.
Cứ như vậy, dần dần khán giả cảm thấy tò mò và bị cuốn hút bởi các bộ phim makjang. Với những cảnh tượng như âm mưu giết người, đóng giả làm người khác, người chết hồi sinh… Penthouse là một bộ phim thể hiện rõ đặc trưng của dòng phim makjang.
Khởi đầu mùa 3, khán giả sớm gặp lại những cảnh phim makjang quen thuộc trong Penthouse. Sau khi vào tù, ba nhân vật Joo Dan Tae, Lee Kyu Jin và Cheon Seo Jin bị bạn tù bắt nạt. Tất cả cảnh quay bắt nạt ba nhân vật này đều được thể hiện theo lối cường điệu hóa. Để đạt mục đích gây hài, biên kịch thậm chí còn cho xuất hiện tình tiết nhân vật Lee Kyu Jin vục tay vào bồn cầu rồi xoa khắp mặt trong khi hồi tưởng về vợ mình.
Sau thời gian ngắn, nhân vật Joo Dan Tae thành công trốn thoát khỏi nhà tù. Vượt ngục xong, Joo Dan Tae cải trang thành một ông già và đặt bom giết Logan Lee như khán giả đã chứng kiến vào cuối mùa 2. "Trùm phản diện" của Penthouse nhanh chóng được thả sau khi xuất hiện bằng chứng chứng minh bản thân vô tội trong vụ án giết Na Ae Kyo.
Tình tiết trên gây tranh cãi bởi độ vô lý quá mức chấp nhận của khán giả. Khán giả chỉ ra bên cạnh tội danh giết người, Joo Dan Tae còn vào tù vì rất nhiều tội danh khác. Nhưng khi Joo Dan Tae ra tù, các tội danh còn lại nghiễm nhiên bị xóa sạch.
Bên cạnh Joo Dan Tae, nhân vật Cheon Seo Jin cũng nhanh chóng được ân xá chỉ nhờ hành động giả điên dù cô nhận bản án 7 năm. Trong những phân cảnh sau đó, khán giả phát hiện ra toàn bộ nhân vật phải vào tù của Penthouse đều ra tù không rõ lý do. Nhiều khán giả cho rằng những phân cảnh này đã biến luật pháp Hàn Quốc thành trò đùa khi các tù nhân nhận ân xá quá dễ dàng.
Dù vẫn sở hữu tình tiết makjang mang tính cường điệu hóa như hai mùa trước, Penthouse mùa 3 không còn gây nhiều hứng thú cho khán giả. Sự xuất hiện của quá nhiều chi tiết vô lý trong Penthouse dần khiến khán giả cảm thấy chán nản, đặc biệt khi bộ phim đã chiếu tới mùa thứ ba. Các tình tiết trong phim trở nên ít hấp dẫn hơn, mối quan hệ giữa các nhân vật vẫn giống y hệt hai mùa trước, chưa có gì đột phá, hai nhân vật mới vốn được kỳ vọng lại chưa gây tác động lớn tới mạch phim.
Theo tờ Insight, sau khi phim lên sóng, công chúng đã đặt cho Kim Soon Ok - biên kịch Penthouse - nhiều biệt danh như “điều gì cũng có thể xảy ra với Kim Soon Ok” hay “thần thoại của Kim Soon Ok”. Các biệt danh này xuất phát từ việc kịch bản Penthouse chứa nhiều tình tiết phi thực tế, điển hình như phân cảnh nhân vật đã chết lại hồi sinh.
Khi đối mặt với biệt danh khán giả đặt cho mình, Soon Ok chia sẻ: “Tôi nghĩ biệt danh như ‘điều gì cũng có thể xảy ra với Kim Soon Ok’ xuất hiện là do các tình huống phi thực tế mà tôi viết ra. Tôi thừa nhận điều đó”.
Biên kịch Penthouse giải thích thêm: “Theo tôi, có quá nhiều tình tiết xuất hiện nối tiếp nhau trong phim nên cảm xúc của các nhân vật không được thể hiện rõ ràng. Ngoài ra, người xem hẳn đã bị bối rối bởi những nhân vật tưởng đã chết nhưng lại sống lại trong phim”. Kim Soon Ok tiết lộ, sau khi Penthouse lên sóng, cô còn nhận được lời mời quảng cáo cho một trò chơi với chủ đề hồi sinh.
Đứng trước lời chỉ trích của khán giả về việc có quá nhiều nhân vật hồi sinh, Kim Soon Ok cho biết: “Tôi đã tự suy xét rất nhiều khi xem lại bộ phim. Tôi luôn nghĩ ‘Đáng nhẽ mình phải sửa chi tiết kia’ và ‘Mình không nên hồi sinh nhân vật này’, nhưng rồi tôi lại thấy bản thân viết ra một sự kiện khác và chuẩn bị cho nhân vật nữa hồi sinh”.
Tranh cãi nối tiếp tranh cãi
Nỗ lực tạo nên sự sinh động cho bộ phim của biên kịch khi thêm nhân vật mới đã khiến bộ phim "rẽ nhầm hướng".
Nhân vật mới xuất hiện trong phim là anh trai của Logan Lee - Alex Lee. Trong phim, Alex Lee xuất hiện với mái tóc kiểu dreadlocks, dây chuyền vàng đeo trên cổ và cách nói sử dụng tiếng Anh địa phương của người Mỹ gốc Phi. Hình tượng mang tính chiếm dụng văn hóa một cách nghiêm trọng của nhân vật Alex lập tức nhận chỉ trích gay gắt từ phía khán giả quốc tế.
Penthouse 3 càng gây tranh cãi hơn khi khán giả phát hiện ra diễn viên Park Eun Seok, người đóng vai Alex Lee, từng sống ở New York 15 năm trước khi trở về Hàn Quốc. Trong thời gian sống tại New York, Park Eun Seok đã có cơ hội học hỏi về vấn nạn chiếm dụng văn hóa. Theo khán giả, anh nên góp ý với đoàn làm phim về nhân vật Alex thay vì đồng ý diễn vai diễn này. Sau khi biết dàn diễn viên của bộ phim từng tham gia chiến dịch chống nạn phân biệt chủng tộc, khán giả quốc tế càng cảm thấy thất vọng hơn.
Trước làn sóng chỉ trích, diễn viên Park Eun Seok buộc lên tiếng xin lỗi. Anh cho biết nhân vật Alex Lee được tạo ra không nhằm chế giễu cộng đồng người Mỹ gốc Phi mà là để bày tỏ sự ngưỡng mộ với văn hóa của họ.
Tuy nhiên, Eun Seok hiểu rõ rằng hình tượng nhân vật vẫn vấp phải sai lầm về chiếm dụng văn hóa. Anh tỏ ra hối lỗi và hứa sẽ học hỏi nhiều hơn để không lặp lại sai lầm trong tương lai. Chia sẻ với tờ OSEN, đoàn làm phim Penthouse cũng khẳng định nhân vật Alex Lee không mang ý mỉa mai bất kỳ dân tộc hay văn hóa nào.
Tạo hình mang tính chiếm dụng văn hóa lần này vô tình cho thấy sự thiếu hiểu biết trong vấn đề phân biệt chủng tộc tại Hàn Quốc, khi một nhân vật mang tạo hình phản cảm như Alex Lee vẫn có thể lên sóng truyền hình dù đã thông qua nhiều khâu kiểm duyệt.
Sau khi tập phim được phát hành, dường như truyền thông và khán giả trong nước không nhận thấy vấn đề với hình ảnh nhân vật Alex. Sự việc lần này chỉ được giải quyết lúc hàng loạt khán giả quốc tế lên tiếng phản đối.
Hiện chiếm dụng văn hóa vẫn là khái niệm xa lạ ở Hàn Quốc. Nhiều khán giả quốc tế cho rằng nền giải trí Hàn Quốc cần học hỏi thêm về chuẩn mực văn hóa các nước khác, đặc biệt khi một trong những mục tiêu hàng đầu của Hàn Quốc là phủ sóng Hàn lưu khắp toàn cầu.