Paralympic Tokyo 2020: Không chỉ đơn thuần là một thế vận hội
(VOVTV) - Thế vận hội Paralympic diễn ra tại Nhật Bản là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử thể thao, và cũng có thể là một cột mốc khiến chúng ta thay đổi thái độ đối với người khuyết tật.
Khi Thế vận hội dành cho người khuyết tật (Paralympic) diễn ra tại Nhật Bản, những nỗ lực của chính phủ nước này nhằm cải thiện khả năng tiếp cận và hòa nhập của những người khuyết tật vào xã hội nói chung trở nên được lưu tâm nhiều hơn, trong đó có nhiều ý kiến cho rằng “Đất nước Mặt Trời mọc” còn nhiều việc phải làm.
Khoảng 4.400 vận động viên khuyết tật sẽ tới Tokyo tham dự giải đấu thể thao lớn nhất thế giới. Sự kiện này là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử thể thao, song đây cũng có thể là một cột mốc khiến chúng ta thay đổi thái độ đối với người khuyết tật.
"Đó là một sự kiện quý giá," Masaaki Suwa - vận động viên đua cano người Nhật Bản - cho biết: "Họ làm những điều tuyệt vời, nhưng họ không phải là siêu nhân. Tôi muốn mọi người biết rằng họ cũng là chỉ con người, giống như các bạn." Tay đua 35 tuổi này đã bỏ lỡ cơ hội tham dự Paralympic Tokyo, song anh khẳng định sẽ theo dõi và cổ vũ cho đoàn thể thao Nhật Bản qua truyền hình.
Suwa đồng thời bày tỏ sự tin tưởng rằng các vận động viên Paralympic khác có thể tạo ra những ảnh hưởng lớn đến xã hội Nhật Bản. Anh chia sẻ: "Tôi hy vọng Paralympic sẽ là cầu nối đưa mọi người tới gần hơn với những người khuyết tật."
Các chuyên gia và nhà hoạt động vì quyền của người khuyết tật đã phác thảo một bức tranh với nhiều mảng màu sáng-tối về tình hình ở Nhật Bản. Bức tranh chỉ ra rằng đã có nhiều tiến bộ về cơ sở hạ tầng xây dựng theo tiêu chí barrier-free (không rào cản - cho phép người khuyết tật hoặc người cao tuổi cải thiện cuộc sống thường nhật, đảm bảo an toàn và sinh hoạt độc lập); những đạo luật liên quan liên quan quyền của người khuyết tật đã được sửa đổi hai lần trong vài năm trở lại đây, nhằm thúc đẩy khả năng tiếp cận của người khuyết tật tại các cơ sở công cộng.
Tại Tokyo, chính quyền đã triển khai nỗ lực đặc biệt để cải tiến hệ thống đường sắt rộng lớn của thủ đô, với các thang máy được lắp đặt tại khoảng 96% số các nhà ga vào năm 2019.
Đến năm 2019, 82% số ga tàu điện ngầm ở Tokyo có cửa ga phù hợp để giữ an toàn cho hành khách khuyết tật như người khiếm thị, tăng đáng kể so với con số 56% ghi nhận năm 2013.
Các khách sạn mới xây dựng với quy mô hơn 50 phòng cũng phải đảm bảo yêu cầu có tối thiểu 1% số phòng đạt tiêu chuẩn “barrier-free.”
Bà Miki Matheson - Phó trưởng đoàn Paralympic Nhật Bản đánh giá: “Xét về số lượng các cơ sở đạt tiêu chuẩn barrier-free, Nhật Bản là một nước tiên tiến”. Tuy nhiên, cựu vận động viên từng 3 lần đoạt Huy chương Vàng Paralympic, sinh sống ở Canada và đang có mặt ở Tokyo để tham dự thế vận hội, cũng chỉ rõ rằng khả năng tiếp cận và khả năng hòa nhập là 2 vấn đề tách bạch. Là một người phải ngồi xe lăn, bà Matheson chia sẻ: “Tôi thường bị coi như một người tàn tật khi trở về Nhật Bản. Nhưng ở Canada, tôi lại có thể sống mà không hề mảy may tới khuyết tật của mình."
Các nhà hoạt động vì quyền của người khuyết tật cho rằng môi trường công sở là một ví dụ về những rào cản vẫn còn tồn tại. Theo quy định của Chính phủ Nhật Bản, các công ty phải có tối thiểu 2,3% nhân sự là người lao động khuyết tật. Những công ty lớn sẽ bị phạt nếu không tuân thủ quy định này.
Tuy nhiên, vào năm 2018, Chính phủ Nhật Bản đã buộc phải xin lỗi vì thường xuyên “khai khống” số lượng người khuyết tật trong đội ngũ nhân viên của mình để đáp ứng quy định nêu trên.
Ông Motoaki Fujita - một giáo sư xã hội học thể thao tại Đại học Nihon Fukushi - cho biết xã hội Nhật Bản đã trở nên hòa nhập hơn với người khuyết tật, "tuy nhiên sự thay đổi là chưa nhiều."
Trong một cuộc khảo sát do ông Fujita và các cộng sự thực hiện năm 2020, khoảng 57% số người được hỏi cho biết họ "chắc chắn hoặc phần nào tin rằng” người khuyết tật có thể trạng yếu và sẽ gặp khó khăn khi phải sống cùng những người bình thường. Con số này chỉ giảm đi đôi chút so với tỷ lệ 61% người được hỏi đưa ra câu trả lời tương tự trong cuộc khảo sát năm 2014.
Nhiều ý kiến cho rằng việc Paralympic Tokyo 2020 hầu như không có khán giả vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 sẽ khiến tác động của sự kiện đối với xã hội Nhật Bản phần nào giảm sút.
Ông Shigeo Toda - người đứng đầu một viện nghiên cứu về lối sống của người khuyết tật có trụ sở tại Tokyo - cho biết: “Paralympic là một cơ hội rất tốt để thay đổi suy nghĩ của mọi người. Nhưng chúng ta không thể không nghĩ rằng động lực có thể chùn xuống, nếu mọi người không thể tận mắt chứng kiến các vận động viên khuyết tật thi đấu.”
Chủ tịch Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC) Andrew Parsons thừa nhận lệnh cấm khán giả là "một thách thức," song ông cho rằng các chương trình phát sóng sẽ đến được với hàng tỷ người trên khắp thế giới.
Ông nói: “Bản thân thế vận hội này là một chất xúc tác. Đó là khoảnh khắc mọi người nhìn thấy các vận động viên thi đấu và đó là lúc sự thay đổi nhận thức thực sự diễn ra." Chủ tịch IPC cũng cho rằng tại Nhật Bản, "vẫn còn cần thêm rất nhiều tiến bộ nữa. Nhưng chúng tôi tin rằng, chúng tôi đã bắt đầu nhận thấy sự thay đổi ấy".
Tin nổi bật
Tin Video