Pắc Nặm, Bắc Kạn: Nỗ lực đưa 'con chữ' đến với đồng bào
(VOVTV) - Mù chữ gắn liền với các thách thức xã hội như nghèo đói, bất bình đẳng giới, bất bình đẳng về thu nhập… Vì vậy công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Trong thời gian qua, các xã tại huyện Pác Nặm đã triển khai tích cực phổ cập giáo dục, xóa mù chữ nhằm góp phần nâng cao dân trí vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Nỗ lực xóa mù chữ cho đồng bào DTTS
Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, trong nhiều năm qua, huyện Pắc Nặm, tỉnh Cao Bằng đang nâng cao dân trí cho đồng bào các dân tộc, từ đó góp phần phát triển kinh tế gia đình, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của cả nước.
Với mục tiêu nâng cao dân trí trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, tháng 3/2024, Trung tâm học tập cộng đồng xã Xuân La đã tổ chức Lễ khai giảng các lớp xóa mù chữ.
Được biết, từ năm 2022-2023, xã Xuân La đã hoàn thành 02 lớp xóa mù chữ. Năm 2024, xã đã vận động người dân chưa biết chữ tham gia các lớp xóa mù chữ vượt so với kế hoạch đề ra. 100% học viên các lớp xóa mù chữ tại xã Xuân La đều là bà con dân tộc thiểu số. Các lớp học xóa mù chữ giúp người dân được tiếp cận thông tin, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Ông Đặng Quầy Páo năm nay đã 55 tuổi là một trong những học viên lớn tuổi của lớp học xóa mù chữ tại thôn Nặm Lịa, xã Xuân La. Mặc dù có hoàn cảnh khó khăn khi con trai vướng vòng lao lý, con dâu thì bỏ đi biệt xứ, vợ hay ốm đau, một mình ông phải bươn trải, đi làm thuê kiếm tiền nuôi vợ và ba cháu nhỏ, nhưng vẫn kiên trì đi học tại lớp xóa mù chữ, với mong muốn biết đọc, biết viết. Ông chia sẻ: "Cuộc sống khó khăn, tôi còn bận đi làm thuê kiếm tiền, nhưng được chính quyền địa phương tạo điều kiện, động viên, khích lệ, tôi đã cố gắng tham gia lớp học xóa mù chữ để sau khi biết đọc, biết viết sẽ dễ dàng kiếm việc làm và kiếm được nhiều tiền hơn".
Trao đổi về công tác triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn, ông Văn Phúc Hòa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân La, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ cộng đồng xã cho biết, "Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi luôn được các cấp, các ngành quan tâm. Trong đó, việc tổ chức các lớp học xóa mù nhằm hỗ trợ bà con đồng bào dân tộc biết đọc và viết chữ, thuận lợi hơn trong giao tiếp, đi lại và sản xuất.
Theo ông Văn Phúc Hòa, trong thời đại hội nhập ngày nay, song song với tiếng mẹ đẻ (tiếng dân tộc), tiếng phổ thông không thể thiếu đối với mỗi người dân nói chung, người dân tộc thiểu số nói riêng. Biết tiếng phổ thông là điều kiện tiên quyết đầu tiên để bà con có cơ hội hòa nhập với cộng đồng, giao lưu, học hỏi, chia sẻ, hợp tác làm ăn để cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của cả nước".
Mang lại lợi ích thiết thực
Ngày đi làm nương, tối đi học chữ đã trở thành nền nếp, thời khóa biểu không thể thiếu từ nhiều ngày qua của người dân huyện Pắc Nặm. Bỏ qua tâm lý ngại ngùng, đồng bào DTTS tại địa phương cố gắng đồng thanh đánh vần từng con chữ. Dù giọng nói tiếng phổ thông còn chưa tròn vành, rõ chữ, nhưng tất cả mạnh dạn đọc to, đọc đều dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo.
Trong không gian lớp học không đầy đủ tiện nghi và có phần đơn sơ, các lớp xóa mù chữ còn được triển khai đồng bộ, hiệu quả ở nhiều xã khác tại huyện Pắc Nặm. Tại xã Nghiên Loan, tháng 3/2024, Trung tâm học tập cộng đồng xã Nghiên Loan cũng đã tổ chức Lễ khai giảng các lớp xóa mù chữ. Nhằm duy trì bền vững xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, năm 2024, xã Nghiên Loan mở 02 lớp xóa mù chữ trên địa bàn.
Là người trực tiếp phụ trách giảng dạy tại lớp xóa mù chữ, cô giáo Vương Thị Biếu, cho biết: "Bà con ở đây đều là người dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Hoàn cảnh có nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Bà con chưa nói được tiếng Kinh, chủ yếu giao tiếp bằng tiếng dân tộc, bên cạnh đó nhiều người đã lớn tuổi nên quá trình học gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, khi được vận động đến lớp học, bà con ai cũng phấn khởi và có ý thức tốt trong quá trình học tập.
Cũng theo cô Biếu, tinh thần ham học hỏi của các học viên trong lớp xóa mù chữ chính là động lực để các thầy cô quên đi mọi vất vả. Không kể tuổi tác, khi đến lớp là các học viên chăm chú học hỏi. Được Ban giám hiệu giao trực tiếp phụ trách lớp xóa mù chữ tôi cũng luôn cố gắng giảng dạy, đưa con chữ đến cho các học viên, dành dụm hết thời gian để lên lớp giảng dạy sao cho đạt kết quả tốt nhất.
Có thể thấy, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn huyện Pắc Nặm luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành nên kết quả đặt được luôn đạt hoặc vượt chỉ tiêu đề ra. Tại nhiều địa phương khác của huyện Pắc Nặm cũng đã thực hiện đạt và vượt kế hoạch về việc mở các lớp xóa mù chữ như: Xã Giáo Hiệu, xã Cao Tân, xã An Thắng, xã Nhạn Môn, xã Cổ Linh, xã Công Bằng...
Ông Dương Thanh Trầm, Chủ tịch UBND xã Công Bằng, Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng xã Công Bằng chia sẻ: "Đảng ủy, UBND xã Công Bằng xác định việc mở lớp học "xoá mù chữ" cho bà con vô cùng quan trọng và có ý nghĩa rất thiết thực. Bởi việc mở lớp xóa mù chữ giúp cho bà con chưa được đi học hoặc chưa hoàn thành chương trình tiểu học được học tập lại để biết đến những con chữ, những phép tính căn bản nhất. Giúp bà con thuận lợi hơn trong trong giao tiếp, cũng như biết áp dụng tiến bộ khoa học vào canh tác sản xuất nông nghiệp, từng bước nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo. Trong năm 2024, xã cũng đã tổ chức tuyên truyền, vận động các học viên tham gia học các lớp xóa mù chữ, từ đó để bà con có thêm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội".
Xác định công tác xóa mù chữ cho đồng bào DTTS là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài và rất khó khăn, đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ Ban giám đốc, giáo viên các Trung tâm học tập cộng đồng và của cả học viên. Với những kết quả đã đạt được, tin tưởng rằng, công tác xóa mù chữ tại huyện Pắc Nặm đã, đang và sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí cho người dân trên địa bàn. Từ đó, góp phần tạo cơ hội cho người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.