Ông Trần Vĩnh Tuyến và đồng phạm tiếp tục hầu tòa phúc thẩm
(VOVTV) - Sau gần một tháng tạm hoãn, sáng 8/6, TAND cấp cao tại TP.HCM mở lại phiên xử phúc thẩm đối với bị cáo Trần Vĩnh Tuyến (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) và các đồng phạm liên quan đến sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri).
Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 10/6, xem xét kháng nghị của VKSND TP.HCM và kháng cáo của 7 bị cáo gồm: Trần Vĩnh Tuyến (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP), Trần Trọng Tuấn (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM), Lê Tấn Hùng (nguyên Tổng Giám đốc Sagri), Nguyễn Thị Thúy (nguyên Kế toán trưởng Sagri), Đoàn Quang Hồi (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Lữ hành Hòa Bình Quốc tế), Nguyễn Thị Tuyết Mai (nguyên Trưởng phòng Nhân sự hành chính Sagri) và Hồ Văn Ngon (nguyên Phó Tổng Giám đốc Sagri). Thẩm phán Hoàng Minh Thịnh làm chủ tọa phiên tòa.
Ở phiên xử trước đó vào ngày 11/5, bị cáo Trần Trọng Tuấn - 1 trong 7 bị cáo kháng cáo có đơn xin hoãn phiên tòa vì lý do sức khỏe không đảm bảo. Vì vậy, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa, để đảm bảo quyền lợi cho nguyên Giám đốc Sở Xây dựng.
Trước đó, hồi tháng 12/2021, TAND TP.HCM đã tuyên án đối với bị cáo Trần Vĩnh Tuyến và 18 bị cáo khác trong vụ án sai phạm chuyển nhượng dự án phát triển nhà ở tại Khu phố 4, phường Phước Long B, Quận 9 cũ (nay là TP. Thủ Đức, TP.HCM) giữa Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn - SAGRI và Tổng công ty Cổ phần Phong Phú.
Sai phạm của bị cáo Trần Vĩnh Tuyến là với vai trò Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã ký quyết định chấp thuận chuyển nhượng dự án phát triển khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B, do Sagri làm chủ đầu tư cho Tổng Công ty Phong Phú. HĐXX sơ thẩm xác định sai phạm của các bị cáo trong vụ án gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 348 tỷ đồng.
Trong vụ án này, bị cáo Lê Tấn Hùng bị cáo buộc đã chỉ đạo cấp dưới hoàn thiện các thủ tục, đề nghị UBND TP.HCM chấp thuận chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Tổng công ty Phong Phú, dù dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng.
Ngoài ra, tòa sơ thẩm còn cáo buộc bị cáo Hùng chỉ đạo cấp dưới lập khống 10 hồ sơ, hợp đồng với Công ty CP Du lịch Thanh niên xung phong, Công ty TNHH TMDV lữ hành Hòa Bình Quốc tế cho cán bộ, nhân viên SAGRI đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại nước ngoài, chiếm đoạt số tiền hơn 13,3 tỷ đồng để sử dụng vào mục đích cá nhân.
Bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Lê Tấn Hùng 25 năm tù, bị cáo Nguyễn Thị Thúy 20 năm tù về 2 tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Tham ô tài sản". Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, Trần Trọng Tuấn bị tuyên phạt cùng 6 năm tù; Hồ Văn Ngon 5 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Còn Nguyễn Thị Tuyết Mai lĩnh 6 năm tù, Đoàn Quang Hồi lĩnh 8 năm tù cùng về tội “Tham ô tài sản."
Sau bản án trên, Viện trưởng VKSND TP đã có kháng nghị đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm theo hướng xác định thiệt hại của vụ án là số tiền thực tế Nhà nước bị thất thoát trong vụ án là 672 tỷ đồng.