Tin tức

Ông Rishi Sunak: 'Nước Anh đối mặt thách thức kinh tế nghiêm trọng'

(VOVTV) - Trong bài phát biểu ngắn trước các nghị sĩ đảng Bảo thủ sau khi được lựa chọn làm lãnh đạo mới của đảng này và qua đó trở thành Thủ tướng mới của nước Anh, ông Rishi Sunak thừa nhận, nước Anh đang đối mặt với các thách thức kinh tế nghiêm trọng. Ông sẽ chính thức nhậm chức Thủ tướng Anh trong sáng nay, 25/10, sau cuộc gặp Vua Charles III.

Tác giả Quang Dũng / VOV Paris
25/10/2022 06:46

Trong bài phát biểu đầu tiên chiều ngày 24/10 sau khi được lựa chọn trở thành lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ, đồng nghĩa với việc sẽ trở thành Thủ tướng mới của Anh thay bà Liz Truss, ông Rishi Sunak khẳng định ông sẽ cống hiến trọn vẹn và khiêm tốn trên cương vị mới, nhưng thừa nhận, nước Anh đang trong một tình cảnh vô cùng khó khăn về kinh tế.

Ông Rishi Sunak: 'Nước Anh đối mặt thách thức kinh tế nghiêm trọng' - Ảnh 2.

Ông Rishi Sunak được lựa chọn làm lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ, qua đó trở thành Thủ tướng mới của nước Anh. Ảnh: Reuters

"Không có gì nghi ngờ về việc nước Anh đang phải đối mặt với các thách thức kinh tế nghiêm trọng, vì thế cần phải có sự ổn định và đoàn kết. Tôi sẽ xem đó là ưu tiên quan trọng nhất của mình, để có thể đưa đảng Bảo thủ và nước Anh song hành, bởi đó là con đường duy nhất vượt qua các thách thức và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho các thế hệ sau,” ông Sunak nói.

Ông Rishi Sunak được lựa chọn làm lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ cầm quyền tại Anh trong chiều 24/10 sau khi đối thủ duy nhất tham gia cuộc đua vào vị trí lãnh đạo đảng này cùng ông Rishi Sunak là bà Penny Mordaunt rút lui ngay trước thời điểm công bố các đề cử từ các nghị sĩ đảng Bảo thủ vì không có đủ ít nhất 100 đề cử theo quy chế được Uỷ ban 1922 của đảng Bảo thủ đưa ra.

Tuy nhiên, theo giới quan sát tại Anh, bà Penny Mordaunt đã chịu sức ép lớn phải rút lui và không ít nghị sĩ trước đó ủng hộ bà cũng đã phải rút lại sự ủng hộ bởi giới lãnh đạo đảng Bảo thủ lo ngại việc phải tổ chức cho các đảng viên đảng Bảo thủ bỏ phiếu trực tuyến để lựa chọn lãnh đạo sẽ tạo ra nhiều rủi ro về an ninh. Ngoài ra, đảng Bảo thủ cũng lo sợ việc kéo dài thời gian lựa chọn người thay thế bà Liz Truss sẽ chỉ càng khiến các đảng đối lập gia tăng sức ép về việc phải tổng tuyển cử trước thời hạn, một kịch bản mà nếu diễn ra đảng Bảo thủ sẽ nhận thất bại thảm hại.

Theo kế hoạch, trong sáng nay, 25/10, ông Rishi Sunak sẽ tiếp kiến Nhà Vua Anh, Charles III và nhận trọng trách thành lập chính phủ mới. Trước đó, vào đầu giờ sáng ngày 25/10, bà Liz Truss cũng sẽ chủ trì phiên họp chính phủ cuối cùng trên cương vị Thủ tướng rồi sẽ gặp Nhà Vua Charles III để thông báo việc từ chức. Lễ chuyển giao quyền lực giữa bà Liz Truss và ông Rishi Sunak sẽ diễn ra trong ngày. Hiện tại ông Rishi Sunak chưa hé lộ bất cứ thông tin nào về thành phần chính phủ mới cũng như các chính sách kinh tế mà ông sẽ phải công bố chậm nhất là ngày 31/10.

Thị trường tài chính tại Anh nhìn chung phản ứng khá tích cực trước việc ông Rishi Sunak, một chuyên gia tài chính danh tiếng, được lựa chọn làm Thủ tướng Anh thay bà Liz Truss. Đồng bảng Anh đã tăng nhẹ trong phiên đóng cửa chiều ngày 24/10. Tuy nhiên, dư luận Anh lại đón chào sự kiện này với thái độ thận trọng. Theo kết quả cuộc thăm dò do YouGov thực hiện chiều 24/10, chỉ có khoảng 38% người được hỏi “hài lòng” với việc ông Rishi Sunak trở thành Thủ tướng thứ 3 của nước Anh trong vòng 3 tháng, trong khi 41% được hỏi cho biết “thất vọng” vì lựa chọn này.

Đặc biệt, có đến 56% số người được hỏi cho rằng ông Rishi Sunak nên kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn, cao gần gấp đôi số người phản đối (29%). Các đảng đối lập, bao gồm Công đảng, đảng Dân tộc Scotland (SNP) hay đang Dân chủ-tự do đều đã tiếp tục lên tiếng đòi hỏi tổ chức tổng tuyển cử sớm vì cho rằng sau khi thay đến 3 đời Thủ tướng trong vòng 3 năm qua, đảng Bảo thủ đã không còn giữ được cương lĩnh hành động cũng như tính chính danh vốn có sau cuộc tổng tuyển cử năm 2019./.

Ý kiến của bạn