Ông Phan Văn Mãi: TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 sau ngày 15/8
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố vẫn tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 sau ngày 15/8.
Ngày 13/8, TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Tại họp báo, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức dự báo sau ngày 15/8, F0 vẫn ở mức khoảng 3.000 ca/ngày. Nếu không quyết liệt, triệt để thực hiện chống dịch mạnh mẽ thì khó giữ vững thành quả, thậm chí tình hình có thể xấu đi.
Do đó, theo ông Đức, biện pháp phòng chống dịch quan trọng nhất vẫn là giãn cách xã hội để giảm số ca dương tính, đồng thời tập trung cho khâu điều trị để giảm ca bệnh nặng, từ đó giảm số ca tử vong.
Nhấn mạnh các biện pháp phòng chống dịch của thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, do đó sau 15/8, TP.HCM vẫn áp dụng Chỉ thị 16.
Theo ông Mãi, thực hiện Nghị quyết 86, thành phố sẽ tăng cường chống dịch từ ngày 15/8 đến 15/9, chia làm 2 giai đoạn (15 - 31/8 và từ 31/8 đến 15/9), mỗi giai đoạn xác định giải pháp cụ thể, quyết tâm 15/9 sẽ kiểm soát được dịch bệnh.
"Dự kiến, chủ nhật này (15/8) thành phố sẽ công bố kế hoạch theo hướng thành phố tiếp tục giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16. Từ nay đến 30/8, đánh giá địa bàn, các hoạt động xét nghiệm, cố gắng thực hiện mở rộng vùng xanh, siết chặt vùng đỏ, thực hiện các biện pháp giãn cách, kiểm soát cho phù hợp từng địa bàn", ông Mãi nói.
Ông Mãi cũng cho rằng dịch bệnh khó lường, đến 15/9 kiểm soát được hay không là nỗ lực hết sức của lãnh đạo và người dân, phải chuẩn bị tâm lý “trường kỳ kháng chiến”, tâm lý dài hơi hơn ở các cấp độ khác nhau. Người dân cần chia sẻ với thành phố, cùng đó là sự nỗ lực của các lực lượng chống dịch để sớm trở lại cuộc sống bình thường mới.
"Chúng ta phải hình dung như ở Mỹ, hay nơi khác, 4 - 5 tháng rồi vẫn chưa có chuyển biến, chuẩn bị tinh thần có thể kéo dài hơn qua 15/9", ông Mãi nói.
Về vấn đề điều trị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM cho biết, với sự hỗ trợ của Bộ Y tế và các địa phương, các bệnh viện tuyến đầu của cả nước, TP.HCM đã đưa vào hoạt động 4 Trung tâm hồi sức tích cực 1.750 giường, nâng cao năng lực Trung tâm 115, lập 5 trạm cấp cứu vệ tinh, kiện toàn tổ phản ứng nhanh, bố trí taxi chuyển đổi công năng để cấp cứu...
Chiến lược 30 ngày sắp tới của TP.HCM tập trung vào 4 mục tiêu, gồm: Giảm ca dương tính; điều trị F0 tại nhà; điều trị tại bệnh viện; giảm số ca tử vong.
"Chiến lược chăm sóc F0 tại nhà, cần nắm cho chắc danh sách F0 tại nhà của từng xã, phường, có tư vấn viên kết nối liên tục, tiếp cận ngay với thuốc. Nâng cao phản ứng nhanh của y tế cơ sở trong trường hợp có vấn đề, chuyển biến nặng. Kết nối với các bệnh viện nhanh chóng, liên tục. Nếu thực hiện tốt đồng bộ, chúng ta có thể kiểm soát 80 - 90% tử vong", ông Mãi nhấn mạnh.
Tin nổi bật
Tin Video