Ông Biden tính kiện ngược vì bị trì hoãn công nhận đắc cử tổng thống
Đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Joe Biden đang cân nhắc hành động pháp lý xung quanh việc một cơ quan liên bang trì hoãn công nhận chiến thắng của ông trước Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay diễn ra ngày 3/11 vừa qua.
Hãng tin Reuters dẫn nguồn một quan chức của ông Biden cho biết thông tin trên. Theo đó, đối tượng của vụ kiện là Cơ quan Dịch vụ Công (GSA). GSA thường công nhận một ứng cử viên tổng thống đã rõ ràng là người chiến thắng trong cuộc bầu cử để cho phép quá trình chuyển giao quyền lực bắt đầu.
Tuy nhiên, sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin ông Joe Biden giành đủ số phiếu đại cử tri để đảm bảo ghế Tổng thống, cơ quan này vẫn chưa thực hiện việc công nhận nói trên.
Luật pháp Mỹ không quy định rõ ràng thời điểm GSA phải hành động, nhưng các quan chức chuyển giao quyền lực của ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden nói rằng chiến thắng của họ đã rõ ràng và một sự trì hoãn là không công bằng, kể cả khi ông Trump không chấp nhận thất bại.
Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đã nhiều lần tuyên bố có gian lận trong cuộc bỏ phiếu, dù không có bằng chứng, và đã đệ một loạt đơn nhằm thách thức kết quả. Trong khi đó, các quan chức bầu cử trên toàn quốc khẳng định không có bằng chứng nào về những gian lận đáng kể, và các chuyên gia pháp lý cũng nhận định những nỗ lực của ông Trump khó có thể thành công.
Giám đốc GSA Emily Murphy, người được ông Trump bổ nhiệm năm 2017, hiện vẫn chưa xác định “người chiến thắng rõ ràng”. Một nguồn tin thân cận với bà Murphy cho biết bà là một chuyên gia thận trọng và sẽ mất thời gian để đưa ra một quyết định chắc chắn.
Trong khi đó, một quan chức trong đội ngũ của ông Biden nói với các phóng viên rằng đã đến lúc GSA phải cung cấp giấy xác nhận tổng thống đắc cử, và cho biết nhóm chuyển đổi sẽ xem xét hành động pháp lý nếu yêu cầu này không được chấp thuận. “Hành động pháp lý chắc chắn là một khả năng, nhưng cũng có những lựa chọn khác mà chúng tôi đang xem xét”, quan chức giấu tên cho biết, từ chối nêu rõ những lựa chọn đó là gì.
Sự chậm trễ nói trên khiến nhóm chuyển giao của ông Joe Biden mất khả năng tiếp cận hàng triệu USD quỹ liên bang và cơ hội gặp gỡ giới chức tại các cơ quan tình báo và những bộ phận khác.
Nhóm chuyển đổi cũng cần được công nhận để tiếp cận các quỹ trả lương, tư vấn và đi lại, cũng như tiếp cận thông tin mật.
Ngoài ra, theo quan chức trên, việc trì hoãn xác nhận người đắc cử cũng khiến nhóm chuyển giao không có quyền tiếp cận Bộ Ngoại giao, nơi thường tạo điều kiện cho các cuộc gọi giữa tổng thống đắc cử và các nhà lãnh đạo nước ngoài.
Một quan chức cấp cao trong chính quyền cho biết, vào năm 2000, Cơ quan Dịch vụ Công Mỹ từng không chấp thuận việc bắt đầu quá trình chuyển tiếp chính thức trong suốt 5 tuần trong khi ứng cử viên đảng Cộng hòa George W. Bush và đối thủ đảng Dân chủ Al Gore đang rơi vào tranh cãi do chênh lệch chỉ vài trăm phiếu bầu ở bang Florida.
Về phần mình, đội ngũ pháp lý của Tổng thống Donald Trump vẫn đang theo đuổi các vụ kiện nhằm thách thức kết quả cuộc bầu cử ngày 3/11. Hôm 9/11, nhóm của ông đã đệ đơn kiện lên tòa án Pennsylvania nhằm ngăn giới chức bang này công nhận chiến thắng của ông Biden. Đơn kiện cáo buộc hệ thống bỏ phiếu qua thư của Pennsylvania "thiếu tất cả các dấu hiệu về tính minh bạch và khả năng xác thực giống như bỏ phiếu trực tiếp".
Đơn kiện cũng tố các quan chức Pennsylvania vi phạm Hiến pháp Mỹ khi tạo ra "hệ thống bỏ phiếu hai tầng bất hợp pháp", trong đó hình thức bỏ phiếu trực tiếp bị giám sát nhiều hơn so với bỏ phiếu qua thư.
Tổng thống Trump đã tuyên bố tiến hành đến cùng những nỗ lực pháp lý mà ông hy vọng có thể đảo ngược kết quả ở bang Pennsylvania, nơi đã giúp ứng viên Dân chủ Biden vượt ngưỡng 270 phiếu đại cử tri cần thiết để chiến thắng.
Trước đó, các vụ kiện cáo buộc "bất thường bầu cử" do đội ngũ của ông đệ đơn ở hai bang Georgia và Michigan đã bị thẩm phán liên bang bác bỏ.
Bên cạnh đó, chính quyền ông Trump cũng cản trở quá trình chuyển giao quyền lực với một loạt động thái như ngăn các quan chức hợp tác với nhóm của ông Biden và Bộ trưởng Tư pháp William Barr phê chuẩn cho cấp dưới điều tra cáo buộc gian lận bầu cử.
Một loạt diễn biến trên đang dấy lên mối lo ngại liệu nước Mỹ có thể chứng kiến một quá trình chuyển giao quyền lực suôn sẻ hay không. Theo kế hoạch, ngày 14/12, đại cử tri đoàn sẽ chính thức bỏ phiếu bầu ông Biden và ứng viên đảng Dân chủ sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2021.
Tin nổi bật
Tin Video