Ông Biden hủy cuộc không kích Syria thứ 2 vào phút chót
Tổng thống Joe Biden ban đầu lên kế hoạch tiến hành 2 cuộc không kích tại Syria nhưng đã thay đổi vào phút chót sau khi phát hiện có dân thường sống gần khu vực tấn công.
Theo báo cáo độc quyền được Wall Street Journal đăng ngày 4/3, Tổng thống Joe Biden đã quyết định dừng cuộc tấn công thứ 2 khoảng 30 phút trước khi bom được thả xuống, sau khi Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan thông báo với ông rằng một phụ nữ và trẻ em đã đến gần một trong những những địa điểm mà Mỹ đặt mục tiêu tấn công ở Syria vào tuần trước.
Với thông tin tình báo vừa nhận được, ông Biden đã quyết định hủy đợt tấn công thứ hai tại Syria, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin được cho là cũng chỉ muốn tấn công một mục tiêu.
Trước khi thông tin này được Wall Street Journal tiết lộ, không có bất kỳ thông tin nào về cuộc tấn công thứ hai của Mỹ tại Syria.
Lầu Năm Góc cho biết vụ không kích của quân đội Mỹ ở miền đông Syria hôm 25/2 khiến 1 tay súng thiệt mạng, 2 người khác bị thương và 9 tòa nhà bị phá hủy. Đây là cuộc không kích đầu tiên của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Các cơ sở bị phá hủy thuộc một trạm kiểm soát biên giới miền đông Syria và bị nghi là cơ sở mà lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn sử dụng để thực hiện các vụ tấn công qua biên giới nhằm vào mục tiêu của Mỹ ở Iraq.
Các quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết, các cuộc không kích được thực hiện để đáp trả cuộc tấn công bằng tên lửa hôm 15/2 ở Erbil, Iraq, khiến một nhà thầu nước ngoài thiệt mạng và 7 người Mỹ bị thương, cũng như vụ tấn công bằng tên lửa hôm 20/2 nhằm vào căn cứ không quân Balad. Các cuộc tấn công vào Syria cũng nhằm gửi thông điệp tới Iran rằng Mỹ sẽ đáp trả khi cần thiết, dù Washington không muốn làm leo thang căng thẳng.
Theo chuỗi lịch trình sự kiện liên quan tới cuộc không kích tại Syria được Wall Street Journal tiết lộ, hàng loạt cuộc họp đã được tổ chức sau vụ tấn công ở Erbil với sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Phó Tổng thống Kamala Harris, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Mark Milley, Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines, cùng các quan chức Hội đồng An ninh Nhà Trắng.
Ngày 23/2, Lầu Năm Góc đã hoàn thành danh sách các phương án đáp trả. 2 ngày sau đó, Tổng thống Biden đưa ra quyết định cuối cùng trong cuộc họp kéo dài 1 giờ tại Phòng Tình huống với Phó Tổng thống Harris và các quan chức cấp cao khác của chính quyền Mỹ.
Không lâu sau cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu tại Syria, Mỹ đã gửi "tin mật" tới Iran. Tuy nhiên, giới chức Mỹ không tiết lộ nội dung của thông điệp này.
"Chúng tôi đã có một kế hoạch quân sự và ngoại giao phối hợp. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng Iran phải biết ý định của chúng tôi", một quan chức Mỹ nói với Wall Street Journal.
Một ngày sau cuộc không kích, Tổng thống Biden cho biết đây là lời cảnh cáo với Iran rằng quốc gia Trung Đông này không thể "hành động mà không bị trừng phạt" và Tehran cần "thận trọng" với các quyết định mà họ đưa ra trong tương lai.
Trong thư gửi các nghị sĩ Mỹ, ông Biden giải thích việc triển khai cuộc không kích hoàn toàn phù hợp với quyền tự vệ của Mỹ theo Điều 51 Hiến chương Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, quan điểm này của ông Biden đã vấp phải sự phản đối của một số nghị sĩ.
Các Thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa ngày 3/3 đã ban hành dự luật để bãi bỏ các ủy quyền sử dụng vũ lực quân sự cho các cuộc tấn công kéo dài nhiều năm ở Trung Đông. Động thái này được cho là nhằm bác bỏ quyền lực chiến tranh của Tổng thống Biden sau cuộc không kích Syria.
Tin nổi bật
Tin Video