Olympic Tokyo 2020: Người dân Nhật Bản muốn gửi gắm thông điệp tới thế giới
(VOVTV) - Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuẩn bị do sự bùng phát của dịch bệnh nhưng Nhật Bản vẫn quyết tâm tổ chức Thế vận hội mùa Hè này. Thông qua việc tổ chức các Đại hội Thể thao này, người dân ở đất nước "Mặt trời mọc" muốn gửi gắm nhiều thông điệp tới toàn thế giới.
Ông Masaru Yajima, Chủ tịch Eagle Bus, một công ty chuyên cung cấp dịch vụ xe buýt ở Kawagoe, tỉnh Saitama, nói: “Chúng tôi rất buồn về tình hình hiện nay. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng Olympic Tokyo sẽ là biểu tượng của việc con người chiến thắng dịch bệnh”.
Trong khi đó, anh Takafumi Sawada, nhân viên Japan Airlines và từng có thời gian làm việc ở Việt Nam, chia sẻ Tokyo hằng ngày đều có thêm các ca mắc mới nên mọi người rất lo lắng về nguy cơ bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, với các biện pháp an toàn và an ninh đang được triển khai, các vận động viên trên khắp thế giới sẽ tới Tokyo để tham dự Đại hội Thể thao này.
Anh tâm sự: “Tôi nghĩ điều quan trọng là người dân trên toàn thế giới chứng kiến Nhật Bản chiến đấu hết mình trước dịch COVID-19. Đó sẽ là một thử thách rất khó khăn”.
Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã nhiều lần bày tỏ hy vọng Olympic Tokyo sẽ là biểu tượng cho chiến thắng của loài người trước đại dịch.
Cùng với việc gửi gắm các thông điệp, nhiều người ở Nhật Bản coi Olympic là một cơ hội tốt để giao lưu và kết bạn với bạn bè ở khắp bốn phương. Em Asakawa Kokoha, học sinh Trường Trung học Quốc tế Kanto ở tỉnh Kanagawa, nói: “Hiện nay, dịch COVID-19 đang hoành hành nên em không được tới sân để cổ vũ. Em nghĩ nhiều người nước ngoài sẽ đến Nhật Bản vào thời điểm diễn ra Olympic Tokyo. Hiện nay, em đang học tiếng Anh và tiếng Việt. Vì vậy, em ước mình có thể tiếp xúc với nhiều người nước ngoài bằng cách sử dụng các ngôn ngữ này”.
Mặc dù vậy, không ít người tỏ ra lo ngại về khả năng dịch bệnh lây lan trong thời gian diễn ra Thế vận hội. Kết quả thăm dò dư luận do hãng tin Kyodo tiến hành trong hai ngày 17 và 18/7 cho thấy 87% người trả lời bày tỏ lo lắng ở một mức độ nào đó về việc thủ đô Tokyo đăng cai Olympic và Paralympic trong bối cảnh dịch bệnh.
Lo lắng trên không phải không có cơ sở khi ngày 22/7, Ban Tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo đã ghi nhận thêm 12 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 có liên quan tới Olympic Tokyo, trong đó có 2 ca liên quan tới các vận động viên đang lưu trú tại làng Olympic, nâng tổng số ca mắc COVID-19 có liên quan tới đại hội thể thao này kể từ ngày 1/7 lên 87 người.
Ông Shigeharu Asagiri, Chủ tịch Coedo Brewery cho biết: “Cá nhân tôi thực sự mong chờ Olympic sẽ được tổ chức ở Nhật Bản. Chúng tôi rất hoan nghênh Olympic Tokyo, nhưng tình hình hiện tại thực sự khó khăn”.
Cùng chung quan điểm đó, anh Nishimura, nhân viên văn phòng ở Tokyo, lo lắng chia sẻ: “Olympic thực sự là một sự kiện tuyệt vời và tôi cũng muốn một lần được chứng kiến. Tuy nhiên, với tình hình tiêm chủng vaccine như hiện nay, tôi thực sự lo lắng khi dịch COVID-19 sẽ lây lan trong thời gian diễn ra Olympic”.
Tại Tokyo, thành phố đăng cai Olympic và Paralympic 2020, tình hình dịch bệnh cũng đang diễn biến rất phức tạp. Tại cuộc họp với chính quyền thủ đô Tokyo hôm 21/7, các chuyên gia y tế cảnh báo trong hai tuần nữa, thành phố này có thể sẽ trải qua cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ hơn làn sóng lây nhiễm thứ ba vào cuối năm ngoái nếu số ca mắc mới tiếp tục tăng với tốc độ như hiện nay.
Ngày 22/7, số ca mắc mới ở Tokyo là 1.979 ca, cao nhất trong hơn 6 tháng qua. Số ca mắc mới bình quân ở Tokyo trong tuần từ 16-22/7 là 1373,4 ca/ngày, tăng 55,7% so với một tuần trước đó. Theo tính toán của các chuyên gia y tế, nếu tiếp tục tăng với tốc độ như hiện nay, số ca mắc mới ở Tokyo có thể đạt 2.598 ca/ngày vào ngày 3/8, vượt xa mức đỉnh 1.816 ca/ngày của làn sóng lây nhiễm thứ 3 được ghi nhận vào ngày 11/1/2021.
Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) ở Tokyo ngày 21/7, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định không thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ dịch COVID-19 tại Olympic Tokyo 2020. Theo người đứng đầu WHO, cần đánh giá sự thành công của tổ chức sự kiện này dựa trên cách thức xử lý tốt các ca lây nhiễm.
Thời gian qua, các nhà tổ chức Olympic đã triển khai rất nhiều biện pháp quyết liệt để phòng chống dịch COVID-19. Chính phủ Nhật Bản cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo, đồng thời siết chặt kiểm soát người nhập cảnh. Do đó, nhiều người hy vọng với các biện pháp quyết liệt như vậy, Olympic Tokyo sẽ diễn ra an toàn và thành công.
Tin nổi bật
Tin Video