Thể thao

Olympic Tokyo 2020 là lúc trời nóng kỷ lục?

Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 đang đối mặt với nhiều khó khăn, không chỉ liên quan đến tài chính, COVID-19, mà còn cả thời tiết dự báo nóng ở mức kỷ lục.

31/03/2021 20:37

Tokyo 2020 có thể trở thành địa ngục trần gian đối với các vận động viên (VĐV) dự Olympic. Bởi lẽ, họ sẽ phải chịu nhiều hạn chế trong sinh hoạt tại thủ đô Nhật thời COVID-19, và khi thi đấu, đặc biệt ở ngoài trời, họ có thể còn bị tra tấn do thời tiết nóng kỷ lục trong lịch sử các nước chủ nhà Olympic.

Olympic Tokyo 2020 là lúc trời nóng kỷ lục? - Ảnh 1.

Tokyo 2020 có thể trở thành địa ngục trần gian đối với các vận động viên (VĐV) dự Olympic

Theo Makoto Yokohari - giáo sư môi trường và quy hoạch đô thị tại Đại học Tokyo đang làm cố vấn cho BTC Olympic, nhiệt độ trung bình của thủ đô Nhật vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8 là cao nhất đối với bất cứ thành phố chủ nhà nào từ năm 1984.

Yokohari còn cho biết: "Khi nói đến stress hoặc say nắng, vấn đề không chỉ do nhiệt độ, mà còn vì độ ẩm. Khi hội tụ cả hai điều này... Tokyo trở thành chủ nhà tồi tệ nhất trong lịch sử Olympic".

Lần gần nhất mà Tokyo tổ chức Olympic Mùa hè là năm 1964. Thời đó, BTC đã buộc phải lùi thời gian tổ chức đến tháng 10 chính là do sợ trời nóng.

Yokohari tin rằng có thể tránh được nhiều lo ngại về nắng nóng trong năm nay, nếu Olympic được lùi lại vào mùa thu. Tuy nhiên, IOC và chính phủ Nhật vẫn giữ ý định để Olympic bắt đầu vào ngày 23/7.

Olympic Tokyo 2020 là lúc trời nóng kỷ lục? - Ảnh 2.

Nhiệt độ trung bình của thủ đô Nhật vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8 là cao nhất đối với bất cứ thành phố chủ nhà nào từ năm 1984

Tarrant cũng tin rằng Tokyo 2020 có thể chỉ là Olympic đầu tiên trong số nhiều Olympic trong tương lai bị ảnh hưởng bởi mức nhiệt nguy hiểm do biến đổi khí hậu đang diễn ra, khiến các VĐV có thể dễ bị say nắng.

Say nắng sẽ là mối đe dọa lớn nhất liên quan đến thời tiết đối với VĐV. Say nắng là một tình trạng do tiếp xúc lâu dài với nhiệt độ cao và độ ẩm mà không có hoặc ít gió, nên có thể dẫn đến ngất xỉu, co giật hoặc kiệt sức nói chung. Những trường hợp say nắng nặng thậm chí có thể gây tử vong, nếu không được điều trị đúng cách.

Hoạt động thể chất cường độ cao chỉ làm tăng nguy cơ say nắng. Các VĐV tham gia bất cứ sự kiện nào như điền kinh, đua xe đạp, ba môn phối hợp, bóng chày/bóng mềm, chèo thuyền, bóng đá hoặc golf... đều phải đối mặt với nguy cơ say nắng trong suốt Olympic.

Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã thực hiện một số bước để giảm nguy cơ say nắng ở các VĐV, đặc biệt là những VĐV tham gia các sự kiện đòi hỏi sức bền.

Olympic Tokyo 2020 là lúc trời nóng kỷ lục? - Ảnh 3.

Do COVID-19, Tokyo 2020 đã bỏ lỡ một kỳ Olympic có thời tiết mát mẻ

Vào năm 2019, chủ tịch IOC Thomas Bach đã gây áp lực buộc các nhà tổ chức Tokyo 2020 chuyển các cuộc thi chạy marathon và đi bộ đến phía bắc thành phố Sapporo. Các sự kiện khác liên quan đến sức bền đã có thay đổi về thời gian bắt đầu để đảm bảo chúng diễn ra vào những thời điểm mát mẻ hơn trong ngày.

Ở nội dung marathon, cứ cách 80km đều có nhân viên y tế. BTC còn đạt được hợp đồng cung cấp nước sạch nhiều hơn hẳn so với mấy năm trước. Ngoài ra, BTC còn chuẩn bị các biện pháp khác nhằm giúp VĐV giảm nhiệt như tuyết thật và giả, phun sương làm mát, lều che nắng và phủ lớp phản quang trên đường và các tòa nhà.

IOC cũng kêu gọi các VĐV tham gia tuân theo một bộ hướng dẫn phác thảo các cách chống say nắng mà tổ chức này đưa ra.

Thế nhưng, George Havenith - một chuyên gia về ảnh hưởng của nhiệt độ và khí hậu đối với các VĐV tại Đại học Loughborough của Anh - vẫn cho rằng cần có thêm biện pháp phòng ngừa: "Khoảng 15% VĐV ngay cả trong môi trường mát mẻ đều có nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C". Tuy nhiên, khi nhiệt độ bên ngoài lên trên 40 độ C, VĐV có thể phải đối mặt với tình trạng say nắng nhiều hơn. "Có sẵn bồn tắm nước đá để các VĐV hạ nhiệt nhanh chóng... điều đó rất quan trọng, vì nếu quyết định (đưa) họ đến bệnh viện trước khi làm mát, họ sẽ có nguy cơ gặp rủi ro".

Olympic Tokyo 2020 là lúc trời nóng kỷ lục? - Ảnh 4.

IOC kêu gọi các VĐV tham gia tuân theo một bộ hướng dẫn phác thảo các cách chống say nắng mà tổ chức này đưa ra

Sở dĩ BTC Olympic đang lo thời tiết còn vì năm 2019, nước Nhật trải qua mùa hè nóng kỷ lục. Vào tháng 7 năm đó, Nhật ghi nhận 57 trường hợp tử vong do say nắng, bao gồm cái chết của một công nhân xây dựng đang đặt dây cáp bên ngoài tòa nhà được coi là trung tâm truyền thông Olympic.

Từ ngày 24/7 đến ngày 8/8 năm đó - thời gian diễn ra Olympic năm nay, nhiệt độ ở Tokyo chưa bao giờ xuống dưới 31 độ C (88 độ F).

Nếu Tokyo 2020 tổ chức đúng năm, Olympic đã được hưởng lợi từ việc giảm nhiệt độ trung bình đáng kể so với năm 2019. Mùa hè năm ngoái ở Nhật dễ chịu hơn nhiều, khi nhiệt độ dao động trong khoảng 27-29 độ C (dưới 80 độ F) do thường có những cơn mưa rào buổi sáng.

Olympic Tokyo 2020 là lúc trời nóng kỷ lục? - Ảnh 5.

Hoạt động thể chất cường độ cao làm tăng nguy cơ say nắng

Nhưng do COVID-19, Tokyo 2020 đã bỏ lỡ một kỳ Olympic có thời tiết mát mẻ. Giờ đây, BTC phải chuẩn bị mọi biện pháp nhằm phòng ngừa xuất hiện một kỳ Olympic nóng nhất trong lịch sử.

Ý kiến của bạn